Đó là thông tin từ Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Phan Thanh Bình, khi Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, sáng 8/5.
Băn khoăn của ông Bình xuất phát từ thông tin đã trở đi trở lại trong cả báo cáo của ngành giáo dục cũng như của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ.
Trước thềm kỳ họp Quốc hội thứ 5 (tháng 5/2018), Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo ngày 15/3 /2018, Ngân hàng Thế giới ra thông cáo báo chí, khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam (hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục).
Đây là thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.
Cuối tháng 4/2019, trong phiên họp của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng "năm 2018, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương".
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Phan Thanh Bình, phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn. |
Tại phiên họp đó, có đại biểu đặt vấn đề giáo dục Việt Nam đứng thứ 10 toàn thế giới hay của Đông Á - Thái Bình Dương, khu vực này chỉ có 10 nước, nếu đứng thứ 10 khu vực này thì có đáng đưa vào báo cáo không?
Báo cáo ngày 6/5 của Chính phủ nêu kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Sau đó chú thích, trong báo cáo năm 2018, Ngân hàng Thế giới khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.
Cho rằng cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng về thông tin này khi đưa vào văn bản, ông Bình cho biết thêm là có hỏi Bộ GD&ĐT thì bộ nói rằng hình như chúng ta dịch chưa chuẩn. Tôi đề nghị dịch nên cẩn thận hơn về câu từ, ông Bình nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng hỏi lại thông tin trong báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình đáp: "Đúng là nói 10 nền giáo dục đứng hàng đầu thế giới nằm ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương thì tôi rất khó hiểu. Chúng tôi có hỏi Bộ Giáo dục, bộ nói chúng ta dịch là trong 10 nền giáo dục tiến bộ nhất thì có thể được".
Bên cạnh vấn đề trên, gian lận trong thi cử cũng khiến ông Bình và Thường vụ Quốc hội quan tâm.
Báo cáo của Chính phủ, phần tồn tại hạn chế của 2018 nêu rất ngắn gọn: Xảy ra sai phạm trong tổ chức thi trung học phổ thông ở một số địa phương, vấn đề sách giáo khoa phổ thông gây bức xúc dư luận.
Báo cáo thẩm tra do Uỷ ban Kinh tế chủ trì đánh giá, hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Hiện nay, kết quả điều tra cho thấy 222 thí sinh được nâng điểm, trong đó nhiều trường hợp đã trúng tuyển, đỗ thủ khoa các trường đại học một cách không thực chất. Đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, hậu quả, biện pháp khắc phục, xác định rõ trách nhiệm và bài học trong công tác quản lý.
Theo chủ nhiệm Phan Thanh Bình, khi đặt ra vấn đề sai phạm trong thi cử, không chỉ là vấn đề đơn giản của một số cán bộ quản lý ở một vài địa phương khi lên đến hàng trăm em được sửa điểm. Thực tế này đang thể hiện một vấn đề cần phải nghiêm túc nhìn nhận và phải ngăn chặn ngay, không thì coi chừng chúng ta đang xem thường hệ thống thi cử.
Thông cảm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi làm báo cáo kinh tế - xã hội cũng là tổng hợp thông tin từ các bộ khác, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu ví dụ tại trang 18 báo cáo Chính phủ nhận định: "Tự chủ giáo dục đại học đã tạo ra luồng gió mới, trở thành xu thế phát triển, mang lại kết quả tích cực…".
Ông Định bình luận bây giờ mới được khoảng hơn 20 trường tự chủ, chưa có luồng gió mới gì. Luật Giáo dục đại học vừa mới thông qua, thể chế hóa vào luật từ ngày 1/7/2019 mới có hiệu lực nên vấn đề này cũng đánh giá mức độ thôi.
Ông Định đề nghị có rất nhiều nhận định do các bộ, các ngành báo cáo về rồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp lại, nên đánh giá cho sát.