Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo dục Việt Nam trước thời khắc chuyển mình

2020 được cho là năm có những dấu mốc chuyển biến quan trọng trong việc thay đổi giáo dục Việt Nam cả ở cấp phổ thông và đại học.

Nghị định 99 ra đời vào những ngày cuối cùng của năm trước đã mở ra một cơ chế hoạt động mới cho các cơ sở đào tạo đại học thông qua hội đồng trường. Trong khi đó, việc khởi động cho các bộ sách giáo khoa sẽ sử dụng trong năm 2020 chắc chắn là bước chuyển có ảnh hưởng lớn.

Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện về giáo dục khác như việc hình thành các đại học nghiên cứu đã bắt đầu bước chân vào các bảng xếp hạng với đội ngũ nghiên cứu bài bản; bắt tay giữa doanh nghiệp và các trường đại học cùng với thành công bước đầu trong việc phân luồng học sinh đang hứa hẹn đem lại bức tranh giáo dục nhiều màu sáng bắt đầu từ năm 2020.

Từ chủ quản đến tự chủ

Giáo dục đại học thế giới luôn được hiểu là những tháp ngà tri thức với tự do học thuật và tự chủ cao, thậm chí ở một số quốc gia là tự trị đại học.

Sự khởi động tự chủ từng phần cho các trường đại học công lập và tư thục đã giúp các trường trở nên phân hoá mạnh mẽ. Những trường đại học năng động, có lãnh đạo tốt đã bứt phá mạnh mẽ trong lĩnh vực quốc tế hoá và nghiên cứu khoa học.

giao duc nam 2020 anh 1

Theo TS Đàm Quang Minh, năm 2020 không hứa hẹn là năm bình yên với giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Ở một khía cạnh khác, đời sống của cán bộ các trường đại học công lập tự chủ được nâng cao một cách nhanh chóng. Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, PGS Đỗ Văn Dũng, cho biết mức lương trung bình của các PGS tại trường khoảng 800 triệu/năm.

Nếu như cách đây 5 năm, một thống kê cho thấy chỉ có các giáo viên thuộc các trường quốc tế mới đạt mức trên 800 triệu/năm và thu nhập tầm 200-300 triệu/năm là khá hiếm, thì nay, các trường tự chủ đã có thể tự trả cho giảng viên của mình với mức thu nhập cao hơn nhiều. Không những thu nhập tốt lên, việc nghiên cứu khoa học cũng tự nhiên tốt lên như là một hệ quả, PGS Dũng cho biết.

Tất cả kết quả trên là thành quả của việc tự chủ đại học thay cho mô hình quản lý hành chính kế hoạch hoá trước đây.

Hơn nữa, năm 2020 hứa hẹn sẽ đánh dấu bước tiến mới với các quy định về hội đồng trường. Theo đó, hội đồng trường sẽ đóng vai trò quyết định về nhân sự và chiến lược phát triển của trường. Thành phần của hội đồng trường sẽ có sự tham gia của các trí thức, nhà lãnh đạo, người sử dụng lao động…

Ngay sau khi khung pháp lý mới được ban hành, một loạt cơ sở giáo dục đại học như Học viện Quản lý giáo dục, ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Bách Khoa Hà Nội… đã tiến hành đưa các thành viên ngoài gồm doanh nhân, lãnh đạo vào hội đồng trường để mang tiếng nói độc lập về mặt học thuật và phát triển bền vững.

Dù vậy, với đa số trường, sự lúng túng khi áp dụng quy chế mới về tự chủ dựa trên hội đồng trường còn khá mập mờ và chưa rõ ràng. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, sẽ có nhiều trường đại học không theo được “cuộc chơi” và đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Phân luồng bước đầu thành công

Nếu như 2012-2017 là giai đoạn vô cùng khó khăn cho các trường cao đẳng và trung cấp, thì năm 2020 lại đánh dấu giai đoạn mới của việc phân luồng ở bậc phổ thông.

Các trường cao đẳng trung cấp, thay vì đào tạo hướng tới liên thông đại học như trước đây, nay đã chú tâm việc đào tạo nhanh theo hướng nghề nghiệp để có việc làm.

Nếu như giai đoạn 2012-2017, các trường trung cấp, cao đẳng dừng hoạt động hàng loạt, những trường khá cũng chỉ tuyển được 200-300 sinh viên, thì trong năm học 2019-2020, các trường Cao đẳng của FPT, Cao đẳng Việt Mỹ, Cao đẳng nghề Bách Khoa, Trung cấp Bách Khoa Sài gòn, Cao đẳng du lịch Huế, Đà Nẵng… đều có số tuyển hàng nghìn sinh viên. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh hết lớp 9 chuyển sang học nghề ngày càng tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn trong các trường trên.

Như vậy, xu thế “Thực học - Thực nghiệp” bắt đầu đi sâu vào trong tinh thần hoạt động của các trường trung cấp, cao đẳng. Một số trường nghề bắt đầu "sống lại" và có các bước chuyển mình hứa hẹn tích cực hơn trong những năm tới.

Nhiều bộ sách giáo khoa và câu chuyện chương trình

Cách tiếp cận về sự đa dạng trong đào tạo phổ thông bản chất là huỷ bỏ sự độc quyền về sách giáo khoa đã có từ trước đến nay. Rất khó để có ngay được một bộ sách hoàn hảo vì trong thời gian rất dài, Việt Nam không có một “thị trường” về sách giáo khoa, hoàn toàn không có cạnh tranh. Với việc xuất hiện 6 bộ sách giáo khoa vào chung kết đã đem lại cơ hội mới.

Nhìn lại cuộc cải cách sách giáo khoa của Hàn Quốc năm 2003, sách thể hiện trong bảo tàng về sách giáo khoa của họ là bức tranh tương phản rõ nét. Nếu như chương trình giáo dục và sách giáo khoa trước đó khá dập khuôn và chỉ có một mẫu cho toàn bộ quốc gia, thì sau khi cải cách, sách thể hiện tính sáng tạo cao. Có lẽ nhờ vậy, giáo dục Hàn Quốc ngày nay được đánh giá cao về tính sáng tạo và hiện đại.

giao duc nam 2020 anh 2
Bộ sách giáo khoa Hàn Quốc năm 2003 và năm 2006. Ảnh: NVCC.

Rõ ràng, cách tiếp cận giáo dục phổ thông mới qua sự đa dạng về sách giáo khoa sẽ giúp cho xã hội có đa dạng hơn về kiến thức, từng địa phương có thể phát huy thế mạnh sở trường.

Nhưng nếu nhìn vào sự khởi đầu, chắc chắn sẽ có những bất cập và phản đối nhất định. Giáo viên bắt buộc phải thay đổi sẽ có ít nhiều không thể theo kịp, dẫn tới việc không hài lòng trong đội ngũ nhà giáo. Phụ huynh vốn quen với cách tự dạy học theo tư duy cũ cũng cảm thấy xa lại với cách thức mới.

Tuy nhiên, chúng ta cần vượt qua những ý kiến phản đối để đạt mức độ phát triển cao hơn về giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng khoa học, các thái độ kỹ năng cần thiết cho công dân kỷ nguyên mới.

Với nhiều thay đổi mang tính nền tảng, năm 2020 không hứa hẹn là một năm bình lặng cho giáo dục Việt Nam nhưng chắc chắn sẽ là năm bản lề quan trọng cho nhiều sự thay đổi sẽ có ảnh hưởng mang tính dài hạn.

Toàn bộ hệ thống từ phổ thông, dạy nghề và đại học đều sẽ đối mặt những thách thức riêng mà trong đó mang những cơ hội mới. Trong đó, các vấn đề về tự chủ, hội đồng trường, phân luồng giáo dục và sách giáo khoa mới chắc chắn sẽ nổi cộm.

TS Đàm Quang Minh hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng ĐH Phú Xuân (Huế), đồng thời là đại diện của Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE).

Ông từng là hiệu trưởng của ĐH Thành Tây (nay là ĐH Phenikaa) và ĐH FPT. Năm 2014, ông là hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam khi được bổ nhiệm vị trí hiệu trưởng của ĐH FPT ở tuổi 35.

7 điểm mới trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam.

TS Đàm Quang Minh

Bạn có thể quan tâm