Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017 với giáo dục đại học diễn ra sáng 11/8, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập những vấn đề “nóng” liên quan công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm nay.
Trước hàng loạt vấn đề được cho là bất cập, gây hoang mang trong dư luận, tư lệnh ngành giáo dục cho rằng xã hội cần nhìn nhận, đánh giá một cách bình tĩnh, thấu đáo.
‘Bình tĩnh thế nào được!’
Nhận định và lời kêu gọi của bộ trưởng có vẻ không khiến dư luận ngừng lo lắng về kỳ thi năm tới.
“12 năm học, lúc quan trọng bước ngoặt cuộc đời lấy đó làm thử nghiệm, rồi lại yêu cầu bình tĩnh. Một thế hệ đi qua ai giải quyết cho họ? Sao không để các em yên tâm học hành mà lúc nào cũng phải suy nghĩ hay lo lắng về thi cử”, độc giả Trần Quang bức xúc bình luận.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh, nhận định kỳ thi THPT quốc gia vừa qua "có những bất thường".
Ông chia sẻ bản thân cảm thấy rất khó hiểu trước việc lấy điểm chuẩn 30,5. Sau này, ông mới biết đó là do điểm ưu tiên và hàng loạt việc điểm cao vẫn trượt đại học do không được cộng điểm.
PGS cho rằng bộ cần nhìn nhận lại cách ra đề, cung cách thi chứ không thể đổ lên hình thức trắc nghiệm.
Điểm trúng tuyển cao nhất của ngành sư phạm vẫn thấp hơn so với các ngành khác. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Ông nói thêm trước đó, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định năm nay, sẽ không có tình trạng “mưa” điểm 10 song thực tế hoàn toàn trái ngược, không những “mưa” mà còn “mưa to” thậm chí “lụt lội” điểm 10.
“Bộ bảo đây là chuyện bình thường và kết luận sang năm cứ thế ổn định mà làm. Như thế là không được, cần rút kinh nghiệm thêm”, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Ông cho rằng kỳ thi vừa rồi giải quyết được vấn đề học sinh không phải đi xa nhưng kết quả tổng thể về ma trận đề, phổ điểm, về mặt tuyển sinh đại học, tỷ số tốt nghiệp đều có vấn đề.
Bên cạnh đó, là nhà giáo, thầy Văn Như Cương trăn trở rất nhiều về tình trạng ngành sư phạm “rớt giá”. Theo ông, Bộ GD&ĐT cần nhìn thẳng vào thực tế điểm chuẩn ngành này nhìn chung thấp, đây là báo động rất nguy hiểm.
PGS ví tình trạng này như lửa cháy, đã cháy mấy năm, người trong cuộc phải mất bình tĩnh.
“Bình tĩnh làm gì? Giáo dục xuống cấp như thế sao lại kêu gọi bình tĩnh?”, ông bức xúc đặt câu hỏi.
Ông Cương khẳng định trước hiện tượng này, bộ phải tìm cách giải quyết, không để nó kéo dài năm này qua năm khác, tương lai của giáo dục phụ thuộc vào điều đó.
Đặt sàn 21, không tuyển được thì thôi
PGS Văn Như Cương nhấn mạnh việc lấy điểm chuẩn sư phạm như một số trường là không thể chấp nhận được. Điểm trúng tuyển ngành này ở mức 12,75 hay 15,5 là dấu hiệu cho thấy cuộc cải cách giáo dục toàn diện sẽ thất bại.
Bộ cùng các chuyên gia đề ra nguyên tắc, chương trình nhưng người chịu trách nhiệm thực hiện chính lại là giáo viên.
Theo PGS Văn Như Cương, điểm chuẩn sư phạm thấp báo hiệu cuộc cải cách giáo dục toàn diện thất bại. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn. |
Trong khi đó, ngành sư phạm lấy điểm chuẩn 15,5, mỗi môn chỉ hơn 5 điểm -trình độ trung bình, thậm chí yếu - thì khó thực hiện được chương trình mới.
“Dự thảo khung chương trình như thế mà đưa cho giáo viên yếu kém thực hiện thì càng sai lầm. Chúng ta làm từ ngọn, tức làm cây, lá, hoa, hoành tráng mà chưa chú trọng gốc vững, đủ sức nuôi nấng không”, ông Cương nhận định.
Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh cho rằng thay vì kêu gọi bình tĩnh, bộ nên chấn chỉnh để năm sau không xảy ra tình trạng tương tự như năm nay. Ông đề xuất trường sư phạm phải lấy điểm cao, có mức sàn riêng. Ngành này đào tạo người phục vụ hệ thống giáo dục, dạy dỗ để người khác đạt trình độ giáo dục phổ thông thì bản thân họ phải thực sự giỏi.
Ông gợi ý bộ nên đặt sàn cho ngành sư phạm, ví dụ mức 21 điểm, tuyển được bao nhiêu sinh viên thì đào tạo bấy nhiêu, không tuyển được thì thôi.
Vị chuyên gia nêu ví dụ một số nước còn tổ chức tuyển sinh riêng nghiêm ngặt cho sư phạm, thậm chí tuyển 100 người nhưng sau quá trình đào tạo, 30 đạt yêu cầu thì chỉ bổ nhiệm 30 người này. Chương trình giáo dục tại đại học sư phạm cũng bám sát nội dung chương trình phổ thông.
Về trường hợp giảng viên đại học thất nghiệp do không tuyển được thí sinh, PGS đề xuất giải quyết bằng cách để lực lượng này đào tạo lại các giáo viên phổ thông một cách bài bản. Như vậy, sau khi tốt nghiệp và công tác, giáo viên phải học thêm một năm hoặc 6 tháng để đáp ứng nhu cầu cải cách giáo dục.
Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm
Trước đó, chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, thông tin trong năm học 2016-2017, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục.
* TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT ĐH FPT: Tôi cầu mong các sinh viên sư phạm những năm qua với đầu vào là điểm sàn 15,5 - hoặc điểm quy chuẩn 12,75 - sau này không làm việc trong ngành sư phạm mà chọn việc khác, nếu không thì chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
* TS Đàm Quang Minh: Chúng ta nên loại bớt các trường sư phạm để tiết kiệm nguồn lực xã hội. Muốn làm nghề giáo cần có hai điều kiện tiên quyết là đủ kiến thức và yêu nghề.
* TS Vũ Thu Hương - ĐH Sư phạm Hà Nội: Mức điểm trúng tuyển vào ngành chỉ hơn 3 điểm một môn ở hệ cao đẳng và bằng điểm sàn với hệ đại học là điều đáng suy ngẫm, lo ngại so với trình độ dân trí hiện tại.
* TS Trần Nam Dũng - ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM): Vấn đề đáng lo là dù sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, không có cơ hội việc làm ổn định, trường sư phạm vẫn tuyển nhiều và bằng mọi cách tuyển cho đủ chỉ tiêu, trong đó có việc hạ quá thấp điểm tuyển.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên, định hướng đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2030 để trình Thủ tướng ban hành.
Dự thảo chủ yếu đánh giá các trường so với quy chuẩn đặt ra đã được đến đâu và tiếp tục củng cố như thế nào, trên cơ sở đó sẽ có chính sách đầu tư cho trường sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đầu tư của nhà nước, tạo ra các trường đầu ngành, chuẩn quốc tế để làm đầu tàu dẫn dắt toàn hệ thống giáo dục.
Khi thực hiện quy hoạch sẽ có sự phân khúc giữa các trường, có trường được đầu tư trọng tâm, có trường tự chủ đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trường yếu kém sẽ lựa chọn tích cực đầu tư hoặc xác nhập vào trường lớn để làm vệ tinh của trường đó, hoặc đóng cửa để hệ thống đạt chất lượng.
Các trường sư phạm sẽ có chuẩn đánh giá chất lượng riêng và dựa trên quy mô dân số để biết số lượng đào tạo. Ngoài ra, phần dự thảo cũng đề ra sinh viên giỏi sẽ có việc làm, trước mắt tập trung khối trường chất lượng và sinh viên chất lượng. Khi khảo sát trên toàn hệ thống, sẽ tiến tới quy hoạch chất lượng hơn từ chỉ tiêu cho đến đầu ra.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, trong 3 năm trở lại đây, các trường sư phạm đã giảm 10-25% chỉ tiêu tuyển sinh trên toàn bộ hệ thống.
Đối với các trường sư phạm, ngoài việc đào tạo giáo viên còn mới còn nhiệm vụ đào tạo đạt chuẩn trong thời gian tới khi đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ giao cho các trường đủ năng lực, còn các địa phương sẽ có trách nhiệm rà soát giáo viên để cử đi học.
“Chủ trương của Bộ GD&ĐT là rà soát giáo viên để đào tạo nếu chưa đạt chuẩn chứ không phải loại ra khỏi ngành”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin.
Không đào tạo sư phạm theo kiểu ‘đem con bỏ chợ’
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, PGS Thái Bá Cần -nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - bày tỏ quan điểm rằng ở các nước phát triển, trường sư phạm được xây dựng và cơ cấu tổ chức ngay trong trường đại học lớn, còn ở Việt Nam hầu hết địa phương đua nhau mở trường đào tạo sư phạm, từ cao đẳng đến đại học.
Việc mở ồ ạt chẳng khác nào “đem con bỏ chợ” khi không quan tâm đến năng lực phẩm chất, đầu ra.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Hiệu trưởng ĐH Đà Lạt - nêu quan điểm cần quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Tây Nguyên chỉ nên gom vào một trường sư phạm, trong đó cả đào tạo cao đẳng, hiện nay các trường đang chồng chéo.
Chúng ta cần cân nhắc mở các trường sư phạm, khoa sư phạm. Sư phạm nhưng cần có ưu tiên, ví dụ sư phạm tại Tây Nguyên thì cần ưu tiên con em ở vùng này.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết cần phải có kế hoạch để đầu tư cho các trường sư phạm, nếu cứ bình quân mãi sẽ không có các trường đỉnh cao.
Nâng cao chất lượng ngành sư phạm cần có sự tập trung nghiên cứu về dân số, quy mô, độ tuổi, phân bố địa lý, dự báo số lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu mô hình, cách thức có trọng tâm trọng điểm, đánh giá năng lực của từng trường để có nguồn nhân lực đầu tư.
Theo hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, quy hoạch cần phải có định hướng rõ ràng, đâu là trường trung tâm, đâu là phân hiệu, cơ sở đào tạo vệ tinh. Có như thế mới phân công được nhiệm vụ nơi nào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi nào đào tạo theo nhu cầu, đào tạo bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.