Có những ý kiến đây là nụ hôn của người lớn tuổi dành cho bậc con cháu nên không nên đánh giá theo xu hướng dung tục. Phần nhiều cho rằng giáo sư hôn chưa đúng cách.
Vậy nếu muốn hôn “chuẩn” – là nói về nụ hôn xã giao, thì chúng ta phải làm thế nào?
Nụ hôn bắt nguồn từ đâu?
Đề tài khoa học Các hình thức chào trên thế giới của nhóm sinh viên Đặng Hà Vân, Hoàng Hải Vân, Nguyễn Trà My, Trần Thị Hương Giang, K48 - Quốc tế học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia HN) đã đưa ra những con số thống kê thú vị.
Trong phạm vi 130 nước để nghiên cứu, kết quả là 92 nước dùng hình thức bắt tay; 74 nước dùng hình thức hôn. Trong đó 65 nước dùng kiểu hôn má, 5 nước dùng kiểu hôn một lần, 17 nước dùng kiểu hôn 3 lần, 10 nước dùng kiểu hôn gió; 27 nước dùng hình thức ôm; 44 nước dùng hình thức cúi chào; 4 nước dùng hình thức chắp tay cúi chào; 8 nước dùng hình thức gật đầu.
Rất nhiều nước kết hợp các hình thức trên với nhau khi chào.
Hôn trên trán là thể hiện sự bao dung. Vì vậy, hôn trán trong các trường hợp: Cha mẹ hôn con cái, anh hôn em, người lớn tuổi hôn người ít tuổi... |
Nhóm sinh viên này cho biết: “Theo các nhà nhân loại học thì nụ hôn bắt nguồn từ tục lệ gọi là “mớm”. “Mớm” là hành động của người lớn (thường là người mẹ) nhai và chuyển thức ăn nhuyễn từ miệng mình sang miệng đứa trẻ sơ sinh hoặc trẻ con. Thật dễ dàng để hình dung “mớm” chính là nguồn gốc hình thành “nụ hôn”” .
Họ định nghĩa “Hôn là áp môi hoặc mũi vào để tỏ lòng yêu thương quý mến. Những người bạn thân hoăc họ hàng thường chào nhau bằng hình thức này”.
Nụ hôn có ý nghĩa khác nhau với những đối tượng khác nhau. Nụ hôn giữa bố mẹ và con cái nhẹ và nhanh, thể hiện tình yêu thương trong gia đình. Nhưng cử chỉ này sẽ dễ bị hiểu sai nếu hôn quá lâu và mạnh.
Hôn bạn bè và người thân trong gia đình: Đó là một nụ hôn nhanh lên má hoặc môi của các thành viên trong gia đình để bày tỏ tình cảm, sự yêu mến.
Nụ hôn xã giao: Hình thức này được sử dụng phổ biến ở các nước Châu Âu giữa những người đứng đầu Nhà nước hoặc các tổ chức (thường hôn vào mỗi bên má). Đây là một hình thức ngoại giao.
Nụ hôn tình yêu: Đây là nụ hôn thể hiện tình yêu nam nữ.
Hôn xã giao thế nào cho chuẩn
Nhóm sinh viên đã tìm hiểu được có khoảng 65 nước dùng kiểu “hôn má” để chào nhau trong giao tiếp, trong đó có khoảng 5 nước hôn một lần (xứ Wales, bạn thân là phụ nữ với nhau thường hôn nhẹ lên má một lần khi chào.
Phụ nữ Anh chỉ được hôn lên má duy nhất một lần bởi một người đàn ông hay một người phụ nữ khác khi chào), 17 nước hôn 3 lần (Luxembourg, Pháp, Bỉ, Afghanistan…), 10 nước hôn gió (Eritrea, Cameroon, Uruguay, Brazil…). Trong đó rất nhiều nước hôn thực ra chỉ là sự chạm má và hôn gió.
Đặc biệt, ở Ai Cập, sau một thời gian dài không gặp nhau người ta có thể hôn chào rất nhiều lần, đôi khi kết thúc việc chào hỏi đó bằng cách hôn lên trán.
Trên trang web của hội sinh viên Việt Nam tại Pháp có chỉ dẫn về cách giao tiếp với người Pháp:
“Hôn tay khi gặp nhau đã lỗi thời từ lâu, trừ khi các nhà chính trị muốn thu hút sự chú ý của dư luận. Khi gặp nhau chỉ chào hỏi bình thường, bắt tay nhẹ. Nếu thân quen thì có thể hôn nhẹ, tượng trưng thôi, lên gò má trái và phải của người phụ nữ. Nếu gặp nhau lần đầu tiên thì tuyệt nhiên không được phép làm việc đó”.
Trên các trang web của một số công ty tư vấn du học Mỹ đều có chỉ dẫn về cách thức giao tiếp của người Mỹ.
“Ở Hoa Kỳ, bắt tay là một cách chào phổ biến. Bạn có thể bắt tay cả đàn ông và phụ nữ ở những lần gặp nhau đầu tiên hoặc sau đó. Thỉnh thoảng bạn có thể thấy đàn ông với đàn bà hoặc đàn bà với đàn bà chào nhau bằng cách ôm, và thậm chí cọ má vào nhau hoặc hôn nhẹ lên má nhau. Hình thức chào này thường chỉ dành cho những người là bạn bè lâu, hoặc ít nhất cũng đã quen nhau. Ngoài ra, người Mỹ rất ít đụng chạm vào nhau”.
Trong bài viết Phép lịch sự xã giao đăng trên trang web của Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng nêu rõ:
“Đối với người thân quen thì có thể ôm hôn, song thực ra chỉ chạm má. Tuy nhiên, cũng tuỳ cử chỉ của khách, nếu khách có dấu hiệu thân mật muốn ôm hôn (ví dụ, khi trông thấy ta thì mở rộng cánh tay tiến nhanh đến) thì hãy ôm hôn. Với phụ nữ lại càng cẩn thận hơn. Có người (ví dụ: Mỹ La-tinh) vừa ôm vừa vỗ lưng, có người (như người Nga) hôn 3 lần”…
Ngoài ra còn có sự kết hợp lẫn nhau giữa những hình thức chào khác nhau. Ở Eritrea, vùng thành thị, bạn bè và người thân không chỉ bắt tay nhau mà còn hôn gió 3 lần trong khi chạm má.
Ở Ai Cập, bạn bè cùng giới nhìn chung thường bắt tay và hôn lên hai má, trước là má phải sau là má trái. Ở Panama, phụ nữ chào nhau, có khi là nam nữ chào nhau bằng cách bắt tay (nắm chặt tay nhau), đồng thời ngả người về phía trước và trao cho nhau nụ hôn vào má. Người Maori ở New Zealand thường chào nhau bằng phong tục “hongi” - chạm mũi vào nhau với đôi mắt nhắm và mồm phát ra những tiếng nhỏ ”mm-mm”…
Hình thức ôm
Để chào nhau người dân ở một số nước còn có hình thức ôm (27 nước). Ôm là vòng hai tay qua để giữ sát vào lòng, vào người. Cũng giống như hôn, hình thức ôm cũng thường dành riêng cho những người bạn thân và những người họ hàng chào nhau. Đặc biệt, ở Luxembourg, đối với những người phụ nữ là bạn thân của nhau, đôi khi họ còn ôm nhau 3 lần khi chào.
Hai hình thức ôm và hôn thường đi cùng với nhau. Ôm và hôn thường chỉ dành riêng đối với phụ nữ, bạn bè, người thân, ở vùng thành thị và đôi khi ở một số nước như Pháp, Italia, Panama...
Đề tài khoa học “Các hình thức chào trên thế giới”