Mới đây, Facebook của một chuyên gia về khởi nghiệp chia sẻ hình ảnh GS.TS Trương Nguyện Thành - Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TP.HCM - mặc quần đùi giảng dạy trước sinh viên.
GS Thành cho biết đó là hình ảnh minh chứng về sáng tạo trong lớp phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học Lộ trình sáng tạo diễn ra trong ngày 23 và 24/4.
Không nên phán xét phiến diện
TS Trần Vinh Dự, cựu Chủ tịch trường CĐ Nghề Việt Mỹ (VATC) và Chủ tịch Trung tâm Quốc tế của ĐH Broward College (Mỹ) tại Việt Nam, cho rằng GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi lên giảng đường dạy về sự sáng tạo là điều rất bình thường.
Nhiều năm từng học tập và làm việc tại Mỹ, TS Dự nêu quan điểm ông không ủng hộ GS Thành mặc quần đùi khi lên lớp thường xuyên, nhưng trong giờ học về sáng tạo, cách ăn mặc của TS Thành là ví dụ hay về việc cần phá bỏ những giới hạn tưởng chừng không thể từ trước đến nay.
Ông Dự phân tích có thể với nhiều người, một thầy hiệu phó là GS có tiếng ở Mỹ, đã đứng tuổi, mặc quần đùi, áo phông trên giảng đường là điều bất thường.
“Tôi đã gặp GS Trương Nguyện Thành nhiều lần, ông luôn có trang phục phù hợp với hoàn cảnh. Một số người bình luận quy chụp trên Facebook rằng GS thô lỗ là thiển cận, không tìm hiểu rõ”, TS Trần Vinh Dự chia sẻ.
TS Trần Vinh Dự (bên trái). |
Ông Dự cho hay ở Mỹ, nhiều GS mặc áo T-shirt, quần ngắn đi dạy trong mùa hè. Các trường ở Mỹ không quy định chi tiết và bài bản về cách ăn mặc, họ đề cao sự thoải mái và kín đáo.
Khi được hỏi trường mình có chấp nhận giảng viên mặc quần đùi lên giảng đường không, ông Dự trả lời: Do đặc thù đào tạo các ngành liên quan dịch vụ nên giáo viên tại trường luôn ăn mặc chuẩn mực và lịch sự, sơ mi thắt cà vạt, quần âu.
“Không phải trường đề cao hình thức mà trong cách ăn mặc chứa đựng những bài học về sư phạm. Người làm dịch vụ cần chỉn chu từ thái độ, ăn mặc đến hành động như văn hóa chờ thang máy, thậm chí móng tay, móng chân cũng phải gọn gàng. Tuy nhiên, không phải các trường đều như vậy, bởi mỗi nơi sẽ đề cao một giá trị khác nhau”, TS Dự phân tích.
GS Thành cho rằng cách ăn mặc của mình để khuyến khích sinh viên sáng tạo.
|
‘Sáng tạo phải là một bầu trời’
Ông Nguyễn Tuấn Hải - nhà sáng lập Eton Grammar School, từng học tại ĐH Princeton, Mỹ và có 20 năm gắn bó với hoạt động giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực tư vấn du học - cho biết: Việc giáo viên mặc quần ngắn dạng lịch sự vào giảng đường là hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Ở Mỹ, miễn là không kệch cỡm hay mất lịch sự, không ai bàn luận và phán xét về chuyện ăn mặc của người khác. Giảng viên đại học, sinh viên ở Mỹ và nhiều quốc gia đều tự do trong cách ăn mặc.
Ở Việt Nam, theo đánh giá của ông Hải, nhiều người còn phiến diện trong cách nhìn nhận. Họ thường áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác.
“Câu chuyện thầy giáo mặc quần đùi lên giảng đường không thể đánh giá một con người, giống như 'chiếc áo không làm nên thầy tu'. Các trường học ở Việt Nam cần thoát khỏi điều này", ông Nguyễn Tuấn Hải nêu quan điểm.
Ủng hộ GS Trương Nguyện Thành, ông Hải cho rằng sự sáng tạo luôn có sẵn ở mọi lúc, mọi nơi và đầu tiên phải ở trong suy nghĩ. Vì vậy, GS chỉ cần dạy sinh viên cách suy nghĩ khác là đã giúp họ sáng tạo rồi.
“Sáng tạo không có công thức hay khuôn mẫu và càng không có giới hạn. Nó phải là một bầu trời”, ông Nguyễn Tuấn Hải chia sẻ.
Bạn Mạch Giao bình luận: Ôi thầy tôi, mấy bác ai chưa được dự thính buổi giảng của thầy nên thấy khó chấp nhận hình ảnh như vậy. Bài giảng của thầy là cảm hứng của rất nhiều thế hệ sinh viên chúng tôi, đừng đánh giá cuốn sách qua tờ bìa của nó.
Tien Dung Nguyen: Hình ảnh này không phù hợp giáo dục Việt Nam.
Bạn đọc tên Phát: Đúng là sáng tạo. Nếu cứ suy nghĩ cái gì cũng phong tục, cái này cái kia không đúng, thì các bạn chỉ biết đứng một chỗ.
Nhữ Cường: Quan trọng là nội dung bài giảng, đi học chứ không phải là đi soi xem người khác làm gì.