Việc đào tạo thạc sĩ được quy định ở Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo đó, ở Khoản 1, Điều 27 Thông tư số: 15/2014/TT-BGDĐT nêu rõ:
a) Mỗi luận văn có một hoặc hai người hướng dẫn. Trường hợp có hai người hướng dẫn, trong quyết định giao đề tài và cử người hướng dẫn cần ghi rõ người hướng dẫn thứ nhất và người hướng dẫn thứ hai;
Thông tư số: 15/2014/TT-BGDĐT quy định về Đào tạo thạc sĩ. |
b) Người có chức danh giáo sư được hướng dẫn tối đa 7 học viên; người có học vị tiến sĩ khoa học hoặc có chức danh phó giáo sư được hướng dẫn tối đa 5 học viên; người có học vị tiến sĩ từ 1 năm trở lên được hướng dẫn tối đa 3 học viên trong cùng thời gian, kể cả học viên của cơ sở đào tạo khác.
c) Riêng đối với luận văn thuộc chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng thì người hướng dẫn thứ hai có thể là người có học vị thạc sĩ từ 3 năm trở lên cùng ngành đào tạo và có tối thiểu 15 năm kinh nghiệm làm công tác thực tế thuộc lĩnh vực của đề tài; được hướng dẫn tối đa 2 học viên trong cùng thời gian, tính trong tất cả các cơ sở đào tạo có tham gia hướng dẫn.
Tiếp đó, ở Mục b, Khoản 1, Điều 26 quy định, thủ trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định giao đề tài cho học viên và cử người hướng dẫn trước khi tổ chức bảo vệ luận văn ít nhất 6 tháng, trên cơ sở đề nghị của trưởng đơn vị chuyên môn và trưởng đơn vị quản lý đào tạo sau đại học.
Nhiều vụ lùm xùm liên quan đến hướng dẫn luận văn
Việc quy định hướng dẫn luận văn, đào tạo thạc sĩ đã rõ song vẫn nhiều vụ lùm xùm xảy ra liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, mới đây hai tiến sĩ của ĐH Kinh tế TP.HCM là ông Đinh Công Khải, Trưởng khoa Quản lý Nhà nước và ông Lê Nhật Hạnh, giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM bị tố hướng dẫn quá số luận văn quy định trong một năm. Đặc biệt, ông Đinh Công Khải được cho là đã hướng dẫn 240 học viên trong 6 năm, trung bình 40 học viên/năm, cao gấp nhiều lần so với quy định…
Trước thông tin này, phía ĐH Kinh tế TP.HCM phải lên tiếng phản hồi về vấn đề này đồng thời, khẳng định tiến sĩ Đinh Công Khải đã kê khai không chính xác về số lượng luận văn đã hướng dẫn.
Trước đó, năm 2016, Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cũng từng gây xôn xao dư luận khi thông tin trung bình mỗi ngày cho ra “lò” một tiến sĩ.
Theo kết luận thanh tra, Học viện Khoa học Xã hội đã thực hiện không đúng quy định của Bộ GD&ĐT trong các khâu như xét tuyển thạc sĩ, nghiên cứu sinh (NCS), hoặc phân công người hướng dẫn học viên (HV), NCS không cùng ngành/chuyên ngành với NCS, phân công người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều HV thạc sĩ, NCS...
Cụ thể, khi kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sĩ ngành luật, ngành chính sách công đợt 1 năm 2015 và ngành công tác xã hội năm 2015, Thanh tra bộ phát hiện nhiều người được phân công hướng dẫn số lượng HV tại cùng thời điểm vượt quá quy định.
Đơn cử một trường hợp được giao hướng dẫn 44 HV của 3 ngành khác nhau. Một số trường hợp khác hướng dẫn cùng lúc 18, 11, 10 hoặc 9 HV. Theo quy định có hiệu lực vào thời điểm đó, người có chức danh giáo sư được hướng dẫn tối đa cùng lúc 7 HV (người có học hàm thấp hơn hoặc chỉ là tiến sĩ thì ít hơn)…