Ngày 24/6, sau khi Trần Văn Khê đã về nơi cõi hạc ở tuổi 94, người ta truyền tay nhau những thước phim quý giá về cuộc đời của vị giáo sư lỗi lạc. Gần một thế kỷ “ở trọ trần gian”, dường như ông chưa có lúc nào xa rời câu ca điệu nhạc dân tộc, ngay cả khi sống xa quê hương.
Có kịch bản do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chắp bút và được đạo diễn Phạm Hoàng Nam thực hiện, Trần Văn Khê - Người thắp lửa là một bộ phim tài liệu vừa có “văn”, vừa có “nhạc”, khắc họa một con người tài ba qua những câu chuyện giản dị, thân thương. Bộ phim mở đầu bằng giai điệu ru con quen thuộc “Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”
Tác phẩm tài liệu Trần Văn Khê - Người truyền lửa là những thước phim quý giá về một con người vĩ đại trong nền âm nhạc Việt Nam. |
Sinh ra và lớn lên tại miền Tây sông nước, lại ở trong một gia đình có truyền thống bốn đời làm nhạc sĩ, tuổi thơ của Trần Văn Khê được nuôi dưỡng trong bầu sữa âm nhạc dân tộc. Ngay từ năm lên sáu, ông được cô cậu dạy chơi đàn kìm, đàn cò, đàn tranh. Kể lại quãng thời gian thơ ấu, ông không kìm nổi niềm xúc động và tự hào khi gửi lời tri ân tới các thành viên trong dòng tộc, thân quyến, những người đã nâng đỡ cho bước đi chập chững đầu tiên trên con đường sự nghiệp âm nhạc.
Khi còn theo học tại trường Trung học Petrus Ký, Trần Văn Khê nổi tiếng vì năng lực kiến thức loại giỏi và sở hữu khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt. Thế nhưng, ông không đến với âm nhạc chuyên nghiệp ngay lập tức, mà từng học qua y khoa và chính trị trước khi chính thức theo môn nhạc học vào năm 1958 tại Pháp.
Ở nơi đất khách quê người, Trần Văn Khê nhận bằng Tiến sĩ Văn khoa môn nhạc học của đại học Sorbonne với luận văn mang đề tài Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trong suốt năm thập kỷ sau đó, ông đã đặt chân tới hàng chục nước trên thế giới để trò chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Sau khi trở về quê hương năm 2006, ông mang theo 426 kiện hiện vật quý giá về âm nhạc và nhạc cụ dân tộc để hiến tặng cho Bảo tàng TP HCM.
Mặc dù kể lại suốt quãng đường đời của Giáo sư Trần Văn Khê, bộ phim tài liệu sử dụng rất ít lời dẫn. Tất cả câu chuyện về thăng trầm, đam mê hay khắc khoải trong cuộc sống đều được truyền tải thông qua chính những lời tâm sự của ông hay qua lời kể của những người từng có cơ hội tiếp xúc với nhân vật.
Có lẽ cảnh ông dạy các sinh viên “da trắng mũi lõ” hát theo từng nhịp điệu bằng tiếng Việt, hay khi ông tập tễnh khó nhọc đi từng bước giữa “gia tài”quý giá nhất đời mình tại Bảo tàng hẳn là những thước phim xúc động và đáng nhớ nhất của Trần Văn Khê - Người thắp lửa.
Hình ảnh những que diêm bùng cháy lan sang nhau chính là biểu tượng cho cuộc đời Trần Văn Khê, người tự “đốt sinh mạng mình” để soi sáng, tiếp lửa cho thế hệ hậu duệ. Có rất nhiều hậu bối từng mang ơn hoặc được ông truyền cảm hứng về âm nhạc như Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, ca nương Phạm Thị Huệ…
Đối với nhiều người, ông vừa là thầy, vừa là bạn, để họ có thể dễ dàng chia sẻ quan điểm, cũng như học hỏi những kiến thức liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Đối với Giáo sư Trần Văn Khê, người tình lớn nhất của cuộc đời ông chính là âm nhạc. |
Dù cuộc sống riêng tư không được hạnh phúc, Giáo sư Trần Văn Khê vẫn bằng lòng, bởi “lẽ sống quan trọng nhất của đời mình là âm nhạc. Làm thế nào để phụng sự âm nhạc Việt Nam, đưa âm nhạc Việt Nam ra cho thế giới hiểu, đồng thời tìm hiểu xem trên thế giới có những gì, giúp đưa nền âm nhạc Việt Nam lên một mức cao hơn mà không bị ngoại lai. Chưa bao giờ không thương, chưa bao giờ phản bội, người tình mà tôi quý nhất chính là âm nhạc”, vị giáo sư quá cố tâm sự.
Khép lại bộ phim là hình ảnh ngọn lửa bùng cháy rừng rực chứ không còn là những que diêm lẻ loi như ban đầu. Trùng hợp thay, nó khiến người xem suy ngẫm về sự ra đi của Giáo sư Trần Văn Khê trong ngày 24/6. Ông không còn nữa, nhưng ngọn lửa mà ông thắp lên hôm nào nay đã được truyền đi, sưởi ấm cho biết bao tâm hồn trót quyến luyến với những bài ca điệu vũ nước nhà.