Là người trong nghề tôi xin có những nhận định sau:
Không thể phủ nhận rằng sau khi áp dụng thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh (HS) tiểu học, quả thật giáo viên chúng tôi cũng thấy có nhiều ưu điểm mà báo chí đã nói nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều việc mà Bộ GD&ĐT cần phải lấy ý kiến của giáo viên - những người đang trực tiếp giảng dạy - để thông tư ngày càng hoàn thiện hơn.
Tuyển tập các mẫu nhận xét dành cho giáo viên tiểu học theo thông tư 30, được các giáo viên chia sẻ trên Facebook với nhau. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Về lời khen: Theo thông tư 30 là khen những điểm mạnh, điểm nổi trội của HS và thực tế quả thật là đúng như phụ huynh phản ảnh: Hầu như toàn bộ lời nhận xét trong giấy khen năm nay mà giáo viên chúng tôi phê là lời khen. Nếu như mọi năm thì giấy khen ghi rất dễ dàng, chẳng hạn: HS giỏi (nếu các môn đạt điểm 9, 10), HS tiên tiến (HS đạt điểm 7, 8).
Nhưng năm nay, cứ em nào được từ 5 điểm trở lên là đã hoàn thành chương trình. Bản thân chúng tôi cũng áy náy với những lời khen đã mặc định năm nay như: "Em đạt thành tích nổi bật về môn….", hoặc: "Em có tiến bộ vượt bậc về môn…".
Chỉ có hai cụm từ cố định đó để ghi giấy khen thì làm sao phù hợp trình độ của 50 em? Thế nhưng nhà trường đã in sẵn "danh sách đề nghị khen thưởng HS cuối năm" với hai cụm từ in đậm tôi vừa nêu, vậy là chúng tôi bảo nhau rằng em nào học giỏi thật sự môn nào trong lớp thì ghi nổi bật.
Ví dụ: "Em đạt thành tích nổi bật về môn toán"… Còn em nào học chưa giỏi tức là ở mức khá thì ghi: "Em có tiến bộ vượt bậc về môn tiếng Việt"...
Mặc dù em đó chưa tiến bộ đến mức vượt bậc, nhưng chúng tôi cũng không biết phải dùng từ nào để khen cho chính xác. Đây không phải là những lời khen trau chuốt do chúng tôi tự nghĩ ra, mà là mẫu mặc định ở đâu đó gửi về các trường và chúng tôi là những cái máy photo thôi các phụ huynh ạ!
Về hồ sơ sổ sách thì chúng tôi phải ghi quá nhiều chữ, nhiều gấp ba lần so với mọi năm, mà nội dung ghi toàn là chung chung và cứ lặp đi lặp lại ở từng sổ. Thay vì chỉ viết vào sổ liên lạc mỗi tháng thì nay chúng tôi lại phải viết vào sổ theo dõi, sổ học bạ cũng lặp lại nội dung giống như trong sổ liên lạc.
Những lớp có ít HS thì đỡ chứ như trường tôi trung bình mỗi lớp có 50 HS, việc viết sổ sách với giáo viên chúng tôi quả thật là đáng sợ! HS đã thi xong từ trước ngày 9-5-2015, nhưng đến nay giáo viên chúng tôi vẫn đang miệt mài tiếp tục “rèn chữ” trên các loại sổ sách và không biết khi nào mới xong!
Với những đề cập ở trên, chúng tôi thiết tha mong muốn thông tư 30 cần có những thay đổi kịp thời về nhận xét, lời khen sao cho phù hợp từng đối tượng HS, đừng bắt giáo viên chúng tôi phải khen theo mẫu những lời áp đặt được đúc ra từ một khuôn như vậy. Và mong sao giáo viên ít sổ sách hơn, ít ghi chép hơn để chúng tôi có nhiều thời gian làm những việc khác có ích hơn.