![]() |
Thời gian nghỉ hè của giáo viên mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hàng năm. |
Quy định về dạy thêm trong dịp hè: Giáo viên cần lưu ý gì?
Theo Điều 6 Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT, giáo viên muốn tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường (có thu tiền) cần tuân thủ 4 yêu cầu quan trọng sau:
Đăng ký kinh doanh: Bắt buộc phải đăng ký theo đúng quy định của pháp luật.
Công khai thông tin: Phải công bố rõ ràng trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi dạy thêm các thông tin như: môn học, thời lượng dạy thêm cho từng môn/khối lớp, địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức, danh sách người dạy và mức học phí. Việc này phải được thực hiện trước khi tuyển sinh.
Đảm bảo chuyên môn và đạo đức: Người dạy thêm phải có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn phù hợp với môn học.
Báo cáo với nhà trường: Giáo viên đang công tác tại trường cần báo cáo với Hiệu trưởng (hoặc người đứng đầu nhà trường) về môn học, địa điểm, hình thức và thời gian mình tham gia dạy thêm.
Bên cạnh đó, Điều 4 của Thông tư 29/2024 còn có những quy định cụ thể khác mà giáo viên phải ghi nhớ: Không dạy thêm học sinh tiểu học, trừ các trường hợp đặc biệt như bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, hoặc rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm học sinh do mình đang giảng dạy tại nhà trường theo kế hoạch giáo dục; giáo viên công lập không được quản lý, điều hành các hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm với vai trò là người dạy.
Ngoài ra, khi tổ chức dạy thêm, giáo viên tuyệt đối không được ép buộc học sinh dưới mọi hình thức và cần ký cam kết minh bạch với phụ huynh về học phí, thời lượng và nội dung giảng dạy.
Như vậy, căn cứ các quy định trên, giáo viên được phép dạy thêm trong dịp hè, nhưng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định của Thông tư 29/2024.
Hậu quả khi dạy thêm sai quy định
Việc vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng:
Kỷ luật viên chức: Đối với giáo viên là viên chức, vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 112 của Chính phủ. Hiệu trưởng sẽ căn cứ mức độ vi phạm để đưa ra quyết định kỷ luật, từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc thôi việc.
Xử phạt hành chính: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu dạy thêm theo hình thức kinh doanh hộ gia đình mà không đăng ký kinh doanh; phạt tiền từ 25-50 triệu đồng nếu dạy thêm theo hình thức doanh nghiệp mà không thành lập doanh nghiệp.
Trách nhiệm liên đới: Nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Thời gian nghỉ hè của giáo viên được quy định thế nào?
Để giáo viên có kế hoạch dạy thêm phù hợp, việc nắm rõ quy định về thời gian nghỉ hè là rất quan trọng. Căn cứ Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP, thời gian nghỉ hè của giáo viên được quy định như sau:
Giáo viên mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt: Thời gian nghỉ hè hàng năm là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hàng năm.
Giáo viên trường trung cấp, giảng viên trường cao đẳng: Thời gian nghỉ hè hàng năm là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hàng năm.
Giảng viên cơ sở giáo dục đại học: Thời gian nghỉ hè thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Trong trường hợp khẩn cấp, đột xuất như phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thời gian nghỉ hè của giáo viên có thể được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quyết định theo thẩm quyền.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.