'Giáo viên đang ngày càng sợ học sinh'
"Ngày xưa, tôi đi học quậy phá bị thầy giám thị cầm cán chổi đánh cho tím cả mông nhưng cũng không dám cãi lại", một độc giả chia sẻ.
Gần đây, nội dung “phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học” trong Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nhận được sự quan tâm và phản hồi của rất nhiều độc giả.
Ảnh minh họa. |
Tiêu biểu là ý kiến của độc giả Nguyễn Lộc bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định này của Bộ GDĐT và dẫn chứng bằng câu chuyện của chính bản thân mình. Chúng tôi xin được đăng tải nguyên văn ý kiến này:
"Ngày xưa tôi đi học quậy phá bị thầy giám thị cầm cán chổi đánh cho tím cả mông nhưng cũng không dám cãi lại. Về nhà gia đình đòi làm dữ, nhưng rồi cũng thôi, vì nghĩ là thầy chỉ giúp gia đình dạy. Từ đó tôi không dám quậy phá trong lớp nữa.
Sau khi tốt nghiệp, một vài chuyện trên báo làm tôi nhớ lại lúc ấy nhưng không phải là học sinh mà là giáo viên bị phê phán vì phạt học trò. Và khi đọc bài báo này, tôi thấy giáo viên càng ngày càng sợ học sinh vì học sinh có luật pháp bảo vệ, còn giáo viên mà bị thì cũng chỉ cười trừ vì học sinh đang ở tuổi vị thành niên.
Ảnh minh họa. |
Tôi nhớ lúc học trung cấp, thầy đang la thì có một thằng bạn nói nhỏ: “Ông cũng nhận lương từ tôi thôi”. Không may thầy giáo nghe thấy song không biết ai nói. Thầy nổi giận và nói: “Thế tụi mày nói tao bán chữ chứ không phải dạy chữ phải không”.
Nói xong câu đó thầy ngồi xuống bàn gần như sắp khóc. Tôi kêu thằng bạn lên xin lỗi thầy và nói là không có ý đó. Bạn tôi đứng dậy xin lỗi và thầy vui vẻ tiếp tục giảng bài. Tiết học của thầy tuy khó nhưng thầy rất vui tính, biết cách giảng bài và pha những câu nói đùa vào bài giảng.
Thế mới thấy thầy cô bao giờ cũng yêu thương học sinh, thế nhưng liệu học sinh có tôn trọng thầy cô hay không, hay như bây giờ càng ngày càng lấn át và không tôn trọng.
Nhà giáo là một nghề cao quý. Họ trồng người thì họ phải uốn nắn như cây kiểng muốn đẹp cũng phải uốn từ nhỏ thế sao không cho họ uốn nắn một cách hết mình.
Bên cạnh ý kiến của độc giả Nguyễn Lộc, chúng tôi còn nhận được nhiều phản hồi đồng tình với quan điểm này. Nickname linhthemen cũng cho rằng: “Là một giáo viên không ai muốn đánh học sinh, nhưng ngày nay học sinh không chịu học, xưng hô hỗn láo, nếu xử phạt không nghiêm thì điều gì sẽ xảy ra? Tuổi ngang bướng nếu không được dạy dỗ nghiêm khắc sẽ thành tệ nạn xã hội”.
Bạn Trương Minh Quốc Anh cũng bày tỏ: “Đã chọn sư phạm, thì mỗi GV đều mong muốn dạy dỗ được học trò của mình nên người, chẳng ai muốn dùng bạo lực để áp dụng cả. Chỉ với HS cá biệt, GV mới phải làm vậy. GV cũng là một người bình thường, cũng biết yêu thương, nóng giận, nên tôi thấy luật này cũng hợp lý để bảo vệ GV, còn việc đánh HS trong trường hợp nào cần xử phạt thì phải rõ ràng hơn. Có đi làm GV mới hiểu được áp lực cuộc sống nhà giáo”. Độc giả An Song cũng chia sẻ: “Đúng là nhà giáo thì mới thấy cái khổ của ngành: lương bèo bọt, nói khàn cổ... Đó cũng là cái nghề, cái nghiệp và cũng là cái tâm của mỗi nhà giáo khi họ lựa chọn con đường này và được nhận "chữ Thầy” cao cả”. Tuy nhiên, nhiều bạn lại cho rằng không phải giáo viên nào đánh học sinh cũng vì lý do “để cho các em tốt hơn”. Cách giáo dục bằng roi vọt nhiều khi còn phản tác dụng khiến học sinh không còn cảm thấy hứng thú khi đến trường, gặp gỡ thầy cô. Vì vậy, thay vì đánh mắng, các giáo viên nên có nhiều biện pháp để học sinh nghe theo và không tái phạm. |
An Hoàng
Theo Infonet