Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo viên ‘đuối’ vì nhiều cuộc thi bao vây

Ngoài hoạt động chuyên môn, giáo viên hiện nay còn tham gia nhiều cuộc thi, hội thi phong trào từ các ban, ngành, đoàn thể. Điều đó khiến họ cảm thấy rất áp lực.

Giáo viên áp lực vì quá nhiều sổ sách chồng chéo Nhiều nhà trường, giáo viên chịu áp lực do quá nhiều loại sổ sách chồng chéo, không cần thiết, làm mất rất nhiều thời gian.

Khi tiếng trống khai trường bắt đầu cũng là lúc giáo viên (GV) phải tham gia nhiều hội thi của chính mình và của học trò.

Hết thi chuyên môn đến thi đoàn thể

Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, GV trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết đầu tiên là hội thi GV dạy giỏi cấp trường. Mỗi trường sẽ có kế hoạch riêng phù hợp với từng đơn vị nhưng trong đó vẫn phải có phần dự giờ của GV.

Môn học được GV tự chọn hoặc bốc thăm nên luôn có sự chuẩn bị từ bài giảng, câu trả lời của học sinh cho đến từng hoạt động diễn ra trong tiết học. Tất cả đều có sự tập dợt kỹ lưỡng và chỉ chờ đúng giờ “G” là thực hiện.

Vừa xong hội thi GV dạy giỏi cấp trường, thầy cô lại tiếp tục tham gia các hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. GV vừa tập văn nghệ của trường, vừa phải tập văn nghệ cho học sinh để các em tham dự hội diễn văn nghệ do Đoàn - Đội tổ chức. Bên cạnh đó, GV phải hướng dẫn học sinh làm báo tường, tham gia thi đấu thể thao,…

Các hoạt động vừa chấm dứt cũng là lúc cả thầy và trò lại tiếp tục vừa học bài mới, vừa ôn tập kiến thức để chuẩn bị cho kiểm tra cuối học kỳ I.

ap luc thay co giao anh 1
Tranh minh họa: Pháp Luật TP.HCM.

Ngoài ra, GV còn phải tham gia hội thi GV chủ nhiệm giỏi. Các sáng kiến kinh nghiệm bắt đầu được “xào, nấu”. Các tiết sinh hoạt lớp tiếp tục được GV “dàn dựng” để ban giám khảo chấm.

Đồng quan điểm, cô Phạm Thụy Mộng Thu, GV trường THCS Phú Thọ, quận 11, TP.HCM, cũng cho hay so với trước, các cuộc thi chuyên môn của ngành giáo dục đã giảm đi nhiều. Thế nhưng, hội thi từ các ban, ngành, đoàn thể mà trường học tham gia lại quá nhiều.

Cô Thu dẫn chứng: “Tháng một, ba hàng năm sẽ có hội thi nấu ăn, karaoke, hội thao ở phường, bắt buộc GV tham gia. Còn hệ thống công đoàn thì có cuộc thi Hoa giữa đời thường, thi tìm hiểu về biển đảo, thi tuyên truyền pháp luật…

Ngoài ra, GV còn phải hướng dẫn học sinh tham gia nhiều cuộc thi. Học sinh thi nhưng GV phải luyện tập cùng, đi tập cùng. Chưa kể, nhiều hội thao được tổ chức trùng lặp của các ban, ngành.

Tính sơ sơ trong một năm học, tổng kết các ban, ngành, đoàn thể có hơn 10 hội thi diễn ra. Dạy học trò cả tuần đã mệt, cuối tuần GV lại phải lao đầu vào các cuộc thi nên không có thời gian chăm lo cho gia đình. Bản thân chúng tôi thấy rất mệt mỏi”.

Tối khuya con chưa về, mẹ gọi điện tìm

Hiệu trưởng một trường mầm non ở quận Bình Tân, TP.HCM cho biết thực tế, GV hiện vẫn phải tham gia một số hội thi ngoài việc dạy học ở trường. Những hội thi này do các ban, ngành, đoàn thể tổ chức.

“Điều đáng nói, các hoạt động luôn tổ chức từ 17h đến khuya nên dù đã ngoài giờ GV vẫn phải tham gia. Có trường hợp GV tham gia cuộc thi 'Tiếng hát GV' đến 22h30 vẫn chưa về. Mẹ cô giáo đó lo lắng gọi điện thoại tới tôi để hỏi thăm”, vị hiệu trưởng này cho hay.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, TP.HCM, lại cho rằng việc GV phải tham gia nhiều hội thi hay không là phụ thuộc vào người quản lý. Nếu người quản lý thích nhiều hoạt động thì GV sẽ mệt. Còn người quản lý nghĩ tham gia chừng mực, chọn lọc từng hội thi, phù hợp với khả năng của nhân viên để tham gia thì cũng không vấn đề gì.

“Tôi nghĩ, các hội thi cũng nên được tổ chức để thầy cô có điều kiện thi thố, giao lưu học hỏi, tuy nhiên nên có chừng mực”, thầy Hùng nói.

Đồng quan điểm, cô Thu cũng bày tỏ: “Thực sự cũng cần cuộc thi để GV trau dồi, môi trường thi đua để tạo động lực. Thế nhưng, số lượng cuộc thi nên xem xét lại, tránh trùng lặp và có sự điều chỉnh hợp lý, không gây áp lực cho GV”.

Giáo viên mầm non làm thêm kiếm sống Nhiều giáo viên mầm non ở trường công lập phải làm thêm kiếm sống vì thu nhập không đủ sống.

Bộ GD&ĐT rà soát, giảm tải nhiều cuộc thi

Một trong những việc ngành giáo dục kiên quyết thực hiện từ năm 2019 để giảm áp lực, tạo động lực cho GV là giảm gánh nặng sổ sách hành chính, các cuộc thi nhà giáo không cần thiết.

Bộ GD&ĐT đang rà soát và sẽ cắt những cuộc thi không nâng cao chất lượng giáo dục, thậm chí tạo gánh nặng, áp lực cho GV. Trong đó, cuộc thi GV giỏi từ lâu dư luận cho rằng hình thức, diễn, không thiết thực.

Đây là một trong những cuộc thi dẫn đến áp lực cho GV, không tạo động lực cho GV mà còn tạo ra tiêu cực. Vì thế trong năm nay Bộ sẽ rà soát, cố gắng đưa việc thi đua trở thành thiết thực.

Học sinh Sài Gòn thiếu ngủ, stress nặng vì áp lực học tập

Một số thống kê, khảo sát chỉ ra rằng tình trạng stress, thiếu ngủ do áp lực học hành căng thẳng của học sinh Sài Gòn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.


https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/giao-vien-duoi-vi-nhieu-cuoc-thi-bao-vay-819367.html

Theo Nguyễn Quyên/ PLO

Bạn có thể quan tâm