Giáo viên còng tay trẻ bằng bìa giấy và gán cho các em loạt "tội danh" như ăn chậm, đi học muộn. Ảnh: KH. |
Những ngày gần đây, mạng xã hội chia sẻ một video ghi lại cảnh các học sinh mẫu giáo bị còng tay bằng bìa cứng, trên tấm bìa là những dòng chữ như “7h vào học, 10h đến”, "thánh dỗi của lớp", "ăn chậm nhất lớp", "sơ hở là khóc"... Thậm chí, một học sinh còn phải đeo còng tay giấy với dòng chữ "* nhiều nhất lớp".
Không dừng lại ở đó, video này còn chèn nhạc nền bằng ca khúc Những bàn chân lặng lẽ, nhạc phim Cảnh sát hình sự.
Theo tìm hiểu của Tri Thức - Znews, video này được tài khoản TikTok @kimhue**** đăng tải. Sau khi bị cộng đồng mạng phản ứng, người này đã xóa video. Tuy nhiên, nội dung này được chia sẻ lại trên Facebook ở nhiều trang, hội nhóm và tiếp tục vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng mạng, nhất là những phụ huynh có con nhỏ.
"Tôi không thấy vui ở chỗ nào cả, mọi người thấy đáng yêu nhưng các bé có thể không thấy vậy. Nếu sau này các con lớn lên, nhìn lại những hình ảnh này và cảm thấy xấu hổ với bạn bè thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những tổn thương này", một người bình luận.
Phụ huynh thấy khó chấp nhận
Khi xem video này, chị Lê Ngọc, phụ huynh có hai con ở độ tuổi mẫu giáo ở Hà Nội, nói rằng chị không chấp nhận việc giáo viên biến con thành nội dung để câu view trên mạng xã hội. Giả sử con chị xuất hiện trong video này, chị sẽ yêu cầu giáo viên phải chịu trách nhiệm.
Chị Ngọc nói với Tri Thức - Znews rằng chị không phải là người thích gây khó dễ cho giáo viên vì bản thân chị hiểu những khó khăn, vất vả mà giáo viên phải trải qua. Dù vậy, hành động còng tay học sinh, ghi tội để quay TikTok, thậm chí chèn nhạc phim Cảnh sát hình sự, là điều mà phụ huynh này không thể đồng tình nổi.
Người mẹ phân tích việc trẻ mẫu giáo ăn chậm, đi học muộn hay đi vệ sinh nhiều là điều bình thường vì ở tuổi này, các con chưa có khả năng quản lý các hành vi của bản thân. Do đó, giáo viên không thể biến những điều bình thường này trở thành “tội danh” và gán vào các con.
Bên cạnh đó, việc quay video, công khai hình ảnh học sinh lên mạng xã hội là điều không được phép khi chưa có sự đồng ý của phụ huynh. Chị Ngọc nói rằng vấn đề này ở Việt Nam chưa được coi trọng nên nhiều giáo viên vẫn vô tư đăng ảnh trẻ nhỏ lên mạng.
Vị phụ huynh lo ngại việc đăng hình ảnh cá nhân của trẻ lên mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng nhiều mặt. Thứ nhất là có thể khiến trẻ lọt vào tầm ngắm của người xấu, khiến các con bị đánh cắp thông tin, hình ảnh cá nhân. Thứ hai là việc công khai những hình ảnh không đẹp của các con lên mạng có thể khiến các con cảm thấy không thoải mái khi lớn lên, hay tệ hơn là bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt vì điều này.
“Tôi không yêu cầu giáo viên này phải bị phạt hay kỷ luật, chỉ mong họ nhận ra đây là bài học và biết rút kinh nghiệm lần sau. Phụ huynh của các con trong video có thể dễ tính, nhưng những người khác thì tôi chưa chắc. Nếu con họ bị như vậy, có thể họ sẽ không để yên”, chị Ngọc nói.
Tổng cộng 7 học sinh bị giáo viên còng tay bằng bìa để quay video đăng lên TikTok. |
Giáo viên cũng thấy phản cảm
Không riêng phụ huynh, các giáo viên mầm non cũng nói rằng hành động của giáo viên trong vụ việc này rất phản cảm, không mang giá trị giáo dục cho trẻ.
Khi đọc phản ứng của phụ huynh trên mạng xã hội, thầy Nguyễn Văn Hoan, giáo viên tại một trường Montessori ở Hà Nội, nói rằng phụ huynh chỉ trích giáo viên trong vụ việc là điều dễ hiểu. Lý do là hình ảnh ngây thơ của trẻ lại bị cô giáo gán cho cái mác không đẹp như đi học muộn, hay dỗi, ăn chậm... Đặc biệt, hình ảnh còng tay mà giáo viên sử dụng cho học sinh rất phản cảm và lệch chuẩn vì học sinh không phải tội phạm.
Tương tự, cô Nguyễn Linh, giáo viên mầm non tại TP.HCM, cũng nói rằng cô không đồng ý với cách làm của giáo viên này. Dù có ý trách phạt học sinh hay không, thầy cô cũng không nên còng tay học sinh rồi quay video đăng lên mạng vì điều đó gây ảnh hưởng đến hình ảnh của các con.
Theo cô Linh, việc làm này của giáo viên ở thời điểm hiện tại có thể là vui, học sinh cũng thấy bình thường vì các con còn nhỏ, nhưng sau này khi lớn lên, nhìn lại video cô giáo biến mình thành tội phạm để câu view, có thể các con sẽ không thấy thích hoặc cảm thấy khó chịu.
“Chúng tôi đi dạy vẫn thường nhắc nhau hạn chế đăng hình ảnh của trẻ lên mạng, nếu muốn đăng thì phải xin phép phụ huynh trước. Cách này là để bảo vệ các con, cũng là để bảo vệ công việc của mình”, cô Linh nói.
Trao đổi thêm về việc giáo viên còng tay học sinh và gán cho các con những “tội danh” như ăn chậm, đi học muộn hay đi vệ sinh quá nhiều, thầy Nguyễn Văn Hoan nói rằng đây là vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của trẻ, các con không hề cố tình làm điều đấy.
Theo thầy giáo, trẻ nhỏ có những hành vi không làm tổn hại tới ai, không thể hiện sự chệch hướng nào về tâm sinh lý thì không cần phải sửa. Ngược lại, các con có những hành vi gây ảnh hưởng, nhưng người lớn vẫn có thể phối hợp với giáo viên để sửa cho các con, ví như đi học muộn.
Còn với những lý do như ăn chậm, hay đi vệ sinh quá nhiều, giáo viên và cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra cách giải quyết phù hợp.
“Đây hoàn toàn không phải sự cố ý của trẻ. Nguyên nhân của việc ăn chậm thường là do tâm lý không thoải mái và cảm giác không ngon khi ăn. Còn việc đi vệ sinh quá nhiều thì các cô và phụ huynh nên tham khảo về cả khía cạnh tâm lý cũng như sinh lý của trẻ để có phương án hỗ trợ phù hợp nhất”, thầy Hoan khuyên.
Cô Linh cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Là giáo viên mầm non, thường xuyên tiếp xúc với trẻ, cô nhận thấy mỗi trẻ có đặc điểm tâm, sinh lý khác nhau và có thể bị ảnh hưởng từ nhịp sinh hoạt của gia đình.
Cô giáo lấy ví dụ một số trẻ ăn chậm, đi học muộn vì đã quen với thói quen khi ở nhà, các con được bố mẹ cho xem điện thoại lúc ăn nên tốc độ ăn bị giảm, hoặc buổi tối không được ngủ sớm nên buổi sáng khó dậy, dẫn đến việc đi học muộn.
Với những trường hợp này, nhiệm vụ của giáo viên là uốn nắn, giúp các con hình thành thói quen sinh hoạt điều độ và phù hợp hơn. Thời gian đầu có thể khó khăn với trẻ, nhưng không phải là không thay đổi được. Do đó, việc giáo viên quay video gán tội trẻ với việc đi muộn, ăn chậm là không nên.
Từ vụ việc lần này, cô Linh khuyên các giáo viên mẫu giáo nên hạn chế việc quay video, chụp ảnh học sinh và đăng lên mạng. Ngoài ra, giáo viên cũng nên có phương pháp uốn nắn trẻ phù hợp hơn. Trong trường hợp không thể giúp học sinh cải thiện những thói quen chưa tốt, giáo viên nên trao đổi lại với phụ huynh để có phương án xử lý phù hợp.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.