Không khó để tìm kiếm những video của giáo viên tiểu học, mầm non trên TikTok. Ảnh: Thái An. |
“Hiện tại lớp mình đang rất là ồn, mình sẽ cho các bạn biết quyền lực của một giáo viên là như thế nào nhé”.
“Thử xem uy lực của giáo viên như thế nào nhé”.
“Bây giờ là đang vào lớp, mình sẽ cho các bạn thấy quyền lực của giáo viên là như thế nào”.
Đây là những câu mở đầu quen thuộc của các giáo viên khi làm video khoe quyền lực trên TikTok. Khi Zing thử tìm kiếm từ khóa “quyền lực của giáo viên”, hàng chục clip ngay lập tức hiện ra, kèm theo các từ khóa gợi ý như “uy lực của giáo viên”, “cô giáo hung dữ quá”, “cô giáo nghiêm khắc”...
Video giáo viên khoe quyền lực thu về hàng nghìn lượt xem trên TikTok. |
Những video thể hiện quyền lực do giáo viên đăng tải thu hút hàng nghìn cho đến cả triệu lượt xem. Nhiều giáo viên có vẻ ngoài khá ưa nhìn nên thường xuyên nhận được những bình luận quấy rối, trêu chọc từ người xem, hoặc các bình luận đùa cợt “em sợ quá cô ơi”. Mặt khác, một số người đặt câu hỏi vì sao trong giờ học, giáo viên vẫn có thời gian quay TikTok.
Bị chỉ trích vì tiết lộ hình ảnh, thông tin học sinh lên mạng
Những lời chỉ trích không dừng lại ở việc giáo viên khoe uy quyền hay quay TikTok trong lớp. Cộng đồng mạng từng phản ứng tiêu cực khi giáo viên chia sẻ hình ảnh, thông tin của trẻ lên TikTok mà chưa có sự cho phép của gia đình học sinh.
Trường hợp điển hình nhất là cô giáo Tâm Trần, chủ tài khoản TikTok @vinh_hy_ho. Cuối tháng 12/2022, cô giáo này chia sẻ một video, diễn cảnh “cô bị áp lực, dạy không nổi”. Lý do cô áp lực là lớp do cô phụ trách có học sinh là con hiệu trưởng, con thư ký hội đồng trường, con của đại gia bất động sản, con của công an, con của phó chánh án Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh…
Khi quay clip này, cô giáo Tâm đi một vòng quanh lớp, dí sát camera vào từng học sinh rồi liệt kê em này là con của ai. Các học sinh khi bị cô giáo chỉ mặt, gọi tên đều ngượng ngùng, thậm chí một em đã cố che mặt nhưng cô giáo này vẫn bắt học sinh để lộ mặt để cô quay clip.
“Bỏ quạt xuống, bỏ quạt xuống cho mọi người thấy mặt đi con. Nhỏ này biết gì không, con hiệu trưởng”. Dù bị cô giáo bắt bỏ quạt xuống, học sinh này vẫn không làm theo, thậm chí phải cúi mặt xuống.
Video này của cô Tâm Trần thu về hơn 3,8 triệu lượt xem. Nhưng trái với sự “viral” trên TikTok, cô giáo này lại bị dân mạng chỉ trích đến mức phải tắt bình luận. Cô Tâm tắt bình luận, dân mạng lại đăng video lên các nền tảng khác và tiếp tục chỉ trích.
“Cô giáo kiểu gì kỳ vậy, rồi giờ cả nước biết em này là con công an, con của phó chánh án tòa án luôn”, “Người vui là cô giáo nhưng người bị ảnh hưởng sẽ là các em. Tự nhiên cô nói đi dạy áp lực, người ngoài sẽ hiểu nhầm là gia đình các em quyền thế nên bắt nạt giáo viên”, nhiều người bình luận chỉ trích.
Giáo viên tiết lộ thông tin gia đình học sinh, quay hình ảnh các em khi chưa được phép hoặc tranh thủ quảng cáo bán hàng từ những video của học sinh. |
Trong khi đó, luật pháp đã có quy định để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em. Cụ thể, Khoản 11, Điều 6 của Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 36 trong Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ cũng nêu rõ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
Khoản 2 Điều 36 trong nghị định này cũng nhấn mạnh cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
Dù pháp luật đã quy định rõ về việc sử dụng hình ảnh cá nhân của trẻ em, nhiều giáo viên vẫn bất chấp đăng hình ảnh của học sinh lên TikTok để câu like, câu view.
Một giáo viên sở hữu tài khoản TikTok @zaly436 từng đăng video quay lén học sinh kèm caption ẩn ý: “Cô đi dạy đã áp lực lắm rồi, giờ lại còn áp lực hơn”. Video này ghi lại cảnh một bé trai và một bé gái mẫu giáo chơi đùa, ôm hôn nhau.
Không chỉ đăng video quay lén học sinh, TikToker này còn tranh thủ trong giờ dạy ở trường mầm non để quay clip học sinh vui chơi. Camera đặt sát khu vực trẻ ngồi chơi nên nhiều bé bị lộ mặt trong video mà không hề hay biết.
Tương tự, cô giáo tên Linh sở hữu tài khoản TikTok @colinh_maylangthang cũng thường xuyên đăng tải clip của học sinh lên trang cá nhân. Vì là giáo viên tiểu học, cô giáo này thường đăng clip lúc học sinh đang học bài, viết bảng hay thậm chí là clip lúc học sinh bị phạt hoặc lên bảng hỏi bài cô.
Đa phần cô giáo Linh quay video trong giờ học. Thậm chí nhiều lúc học sinh đang chăm chú luyện chữ, cô cũng dí camera vào sát vở của trẻ để quay clip đăng lên TikTok, tranh thủ quảng cáo "bút cô Linh có bán".
Giáo viên quay TikTok trong giờ học sẽ ảnh hưởng đến trẻ
Khi xem các video do giáo viên đăng tải trên TikTok, bà Anh Thư - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tuệ Đức (TP.HCM) - đặt ra nghi vấn rằng những video này có dàn dựng hay không và giáo viên đã quay video trong hoàn cảnh nào.
Đối với bà Thư, việc sử dụng điện thoại hay quay video trong lớp học của giáo viên ít nhiều cũng sẽ có ảnh hưởng đến giờ học của trẻ. Tại trường Tiểu học Tuệ Đức, giáo viên được quy định không sử dụng điện thoại trong giờ dạy học để tránh ảnh hưởng đến không gian học tập của trẻ.
Những trường hợp giáo viên sử dụng điện thoại di động trong tiết dạy ở trường thường là để ghi hình lớp học làm tiết dạy mẫu theo yêu cầu của hội đồng chuyên môn và ban giám hiệu.
Đồng quan điểm với bà Thư, bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng việc giáo viên quay clip tương tác với học sinh hay khoe quyền lực rồi đăng lên TikTok sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy học.
"Muốn bắt kịp xu hướng, giáo viên sẽ phải tốn thời gian để xem xét và tìm tòi những nội dung có view, sau đó lên kịch bản rồi rủ học sinh làm theo. Khi bị chi phối và sử dụng nền tảng này quá nhiều, việc dạy học, chất lượng bài giảng của giáo viên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng", bà Trâm nói.
Bà Trâm nêu ý kiến nếu muốn gần gũi và thân thiết hơn với học sinh, thầy cô có thể thực hiện nhiều hoạt động chung khác nhau, thay vì "hòa tan" bằng cách rủ học sinh "diễn" trên TikTok. Khi video lên xu hướng, trẻ cũng dễ trở thành đối tượng bị nhận xét đánh giá trái chiều (bao gồm tích cực lẫn tiêu cực) từ cộng đồng mạng.
Ngoài ra, việc giáo viên thường xuyên quay video Tiktok trong giờ học hoặc bắt ép học sinh xuất hiện trong video cũng có thể khiến những người xem là phụ huynh đánh giá sai về hình ảnh giáo viên của trường học.
Một vấn đề khác mà hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập lo ngại là quyền riêng tư của trẻ bị xâm phạm. Bà Trâm nhấn mạnh giáo viên cần phải tôn trọng hình ảnh của trẻ và hỏi ý kiến các em trước khi đăng nội dung lên mạng xã hội. Bản thân bà Trâm cũng phải hỏi ý kiến học sinh trước khi đăng hình ảnh các em lên Facebook cá nhân chứ không tùy tiện đăng tải, dù đó là hình ảnh các em đoạt giải thưởng cao trong học tập.
Đồng quan điểm với bà Trâm, bà Anh Thư cho biết trường Tiểu học Tuệ Đức cũng yêu cầu giáo viên phải đề cao việc bảo vệ hình ảnh cá nhân của học sinh.
Để đảm bảo quyền riêng tư của các em, tất cả hình ảnh học sinh được đăng tải trên mạng xã hội của trường cũng đều phải thông qua sự đồng ý của phụ huynh. Giáo viên ở trường được quy định không tự tiện đăng tải thông tin hay hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội như Facebook hay TikTok.
"Theo tôi, giáo viên muốn dạy học sinh tôn trọng mình, trước tiên, họ cần tôn trọng quyền riêng tư của các em. Không phải phụ huynh nào cũng thoải mái trong vấn đề chia sẻ hình ảnh cá nhân của con. Đặc biệt ở độ tuổi tiểu học, mầm non, khi phụ huynh đồng ý con xuất hiện trên mạng xã hội, nhà trường mới có thể sử dụng hình ảnh của các em", bà Thư nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.