Đầu tháng 10, tương lai của Fanly Lahingid (Manado, Indonesia) khép lại ở tuổi 14 khi em bị phạt chạy quanh trường vì đi học muộn 25 phút. Ở vòng thứ hai, Fanly ngã quỵ và tử vong. Không ai nghĩ em đi đột ngột vậy, kể cả người đã phạt em chạy vì đi học muộn.
"Tôi chưa từng nghĩ sáng hôm đó là lần cuối tôi gặp mặt con. Tôi hy vọng không đứa trẻ nào gặp phải chuyện tương tự. Cảnh sát phải điều tra rõ vụ việc và trừng phạt giáo viên thích đáng", mẹ em nức nở nói về cái chết của con trai.
Sperius Eradius bị thầy giáo đánh suốt 3 tiếng đến chết. Ảnh: Ippmedia. |
Giáo viên nhân danh giáo dục, đánh chết học trò
Fanly Lahingid không phải trường hợp duy nhất tử vong vì bị giáo viên phạt. Cuối tháng 8/2018, Sperius Eradius, 13 tuổi, ở phía Bắc tỉnh Kagera, Tanzania, qua đời sau khi bị phạt ở trường. Theo The Guardian, Sperius bị thầy giáo Respicius Patrick Mutazangira đánh do nghi ngờ em ăn cắp ví tiền của giáo viên khác.
Respicius dùng roi đánh Sperius trong 3 giờ liên tiếp để ép em nhận lỗi. Cuộc bạo hành khiến nạn nhân qua đời vì sốc thần kinh (thường do chấn thương não hoặc cột sống).
Trước đó, tháng 5/2017, Daudi Kaila, 11 tuổi, học sinh trường Tiểu học Matwiga ở thành phố Mbeya, Tanzania, qua đời sau hình phạt của hiệu trưởng.
Theo The Citizen, Daudi và một học sinh 12 tuổi khác bị nhốt trong tủ suốt hai giờ. Khi được giải thoát, cả hai sùi bọt mép. Daudi Kaila tử vong trên đường đưa đến trung tâm y tế gần đó.
Tháng 10/2016, một vụ bạo hành kinh khủng khác xảy ra tại trường THCS ở Mbeya. 5 giáo viên thực tập vây đánh dã man một học sinh trong khi em quằn quại đau đớn trên sàn nhà phòng giáo viên. Nạn nhân may mắn thoát chết nhờ một giáo viên phát hiện và can thiệp kịp thời.
Tháng 7/2015, sự việc đau lòng tương tự cũng diễn ra tại trường Vivek Vardhini Model ở thị trấn Huzurabad, thành phố Karimnagar, bang Telangana, Ấn Độ.
Kolipaka Ashrita, 10 tuổi, học sinh lớp 5, bị giáo viên Toán phạt quỳ suốt hai giờ vì không làm bài tập về nhà. Hình phạt khiến em ngất xỉu tại lớp học.
Ngày hôm sau, gia đình phải đưa em tới bệnh viện. Tình hình không tiến triển, bố mẹ Kolipaka tiếp tục chuyển con sang bệnh viện lớn để được điều trị tốt hơn. Nhận thấy sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục, bác sĩ cho phép em ra viện nhưng chỉ sáng hôm sau, nữ sinh nhập viện trở lại vì bệnh tình chuyển biến xấu. Lần này, em không thể qua khỏi.
Tháng 9/2015, dư luận Ấn Độ cũng phẫn nộ trước cái chết của Shiva, nam sinh 11 tuổi Học viện Rahelamau ở Barabanki. Theo Times of India, hôm đó, giáo viên lớp Shiva yêu cầu lục soát cặp của học sinh trong lớp vì một số em than mất bút chì và cục tẩy. Mấy đồ vật bị mất được phát hiện trong cặp Shiva.
Chuyện trở nên nghiêm trọng khi giáo viên báo với Hiệu trưởng Lalit Verma - người có thói quen đánh đập học sinh. Người này đánh Shiva dã man. Về nhà, nam sinh kêu đau bụng và nôn ra máu. Bố mẹ em đưa con trai đi cấp cứu. Nạn nhân tử vong trên đường tới bệnh viện.
Tháng 3, Respicius Patrick Mutazangir lĩnh án tử hình vì đánh chết học trò. Ảnh: Azam TV. |
Án tử hay án tù đều không thể đưa học sinh trở lại
Những vụ việc giáo viên phạt, đánh chết học sinh khiến xã hội hết sức căm phẫn. Sau cái chết của Sperius Eradius, cảnh sát bắt hai giáo viên (Respicius Patrick Mutazangira và người mất ví) với cáo buộc giết người.
Vụ việc cũng dấy lên làn sóng phản đối hình phạt thể xác trong trường học. Những người tham gia chiến dịch chỉ trích nhiều trường biến học sinh thành đối tượng của hình phạt bạo lực và đê hèn.
Nhiều người kêu gọi thành lập ban bảo vệ trẻ em tại các trường học để đảm bảo an toàn của trẻ và khuyến cáo giáo viên, phụ huynh không áp dụng hình phạt thể xác đối với con.
Ngoài ra, các nhà hoạt động xã hội cũng gây sức ép để xử lý nghiêm khắc những thầy cô bạo hành học sinh và tiến tới loại bỏ hình phạt thể xác trong môi trường sư phạm (giáo viên Tanzania được cho phép đánh học sinh theo quy định của Luật năm 1979).
Đến tháng 3/2019, tòa xác định giáo viên mất ví tiền vô tội còn Respicius phạm tội giết người và lĩnh án tử hình. Nhận án, Respicius ngã quỵ tại chỗ và cần nhân viên an ninh đỡ trở lại nhà giam. Đây là án tử hình đầu tiên ở Tanzania từ năm 1994.
Cái chết của Kolipaka Ashrita cũng khiến người dân trong khu vực đau lòng, phẫn nộ. Họ tổ chức tấn công trường, đập phá thiết bị. Trong khi đó, quá uất ức khi cảnh sát không vào cuộc, bố Kolipaka ôm xác con gái đứng trước cổng trường, yêu cầu điều tra giáo viên và lãnh đạo trường theo tội danh giết người.
Vụ việc khiến tình hình ở Huzurabad vô cùng căng thẳng. Cảnh sát thắt chặt an ninh nhưng thầy giáo đưa ra hình phạt khiến nữ sinh 10 tuổi qua đời lại không phải chịu sự trừng phạt thích đáng.
Trong khi đó, không chỉ riêng Ấn Độ hay Tanzania, hàng loạt giáo viên ở các nước khác trên thế giới vẫn áp dụng hình phạt phản cảm với học sinh và trả giá bằng sự tự do và nghề nghiệp.
Sau mỗi vụ giáo viên bạo hành học sinh, xã hội bức xúc, lên án việc hành hạ học sinh và kêu gọi các trường loại bỏ hình phạt thể xác. Thế nhưng, tình trạng này vẫn tiếp diễn bởi những nhà giáo yếu kém nghiệp vụ và thiếu đạo đức sư phạm.