Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo viên lo lắng trước đổi mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới được đánh giá là có sự chuyển hướng từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực người học.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo ngại nhất là đội ngũ giáo viên hiện nay đã được chuẩn bị những gì, liệu có đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới giáo dục?

Lúng túng dạy tích hợp

Một trong những điểm mới của chương trình các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là việc tích hợp liên môn để giúp học sinh giảm tải.

Môn học tích hợp được thực hiện chủ yếu ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Lịch sử được tích hợp với Địa lý; Vật lý, Hóa học tích hợp với Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở.

Sang đến trung học phổ thông, khoa học tự nhiên được chia ra thành các môn học riêng rẽ. Như vậy, xu hướng tích hợp trong chương trình giáo dục mới là tích hợp sâu ở lớp dưới và phân hoá dần ở các lớp trên.

Lối dạy tích hợp ở phổ thông được nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao, vì phương pháp này giúp cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh.

Thực tế từ nhiều năm trước, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương thí điểm dạy học tích hợp. Một số Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho lực lượng giáo viên nòng cốt chuyên môn ở các quận/huyện, sau đó lực lượng này sẽ phổ biến đến từng giáo viên trên địa bàn. Tuy nhiên, dạy thế nào, vận dụng thế nào, đến nay nhiều giáo viên còn lúng túng.

Lãnh đạo một phòng giáo dục ở Hà Nội cho biết, thời gian qua phòng đã tìm giáo viên để tổ chức những tiết dạy tích hợp mẫu theo như định hướng chương trình mới nhưng thật sự rất lúng túng. Nhiều giáo viên băn khoăn với khái niệm thế nào là tích hợp liên môn.

Với bậc tiểu học còn có thể thực hiện được bởi giáo viên thường dạy hết các môn, có cái nhìn khái quát. Còn ở bậc THCS, THPT, mỗi giáo viên đảm nhiệm một môn học và không dễ dạy tích hợp với môn học khác. Có giáo viên còn chưa thể tin vào chuyện “3 thầy 1 sách” và khẳng định giáo viên Vật lý không thể kiêm nhiệm Hóa học, Sinh học, hay giáo viên Lịch sử không thể dạy Địa lý.

Chuong trinh giao duc pho thong tong the anh 1
Học sinh trường Dân tộc nội trú TH & THCS Phình Hồ (Tà Chử, Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái).

Trong khi đó, giáo viên là gốc rễ của đổi mới. Trước khi đổi mới chương trình, cần đổi mới cách đào tạo ở các trường sư phạm để có được “người thầy tích hợp”, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Tuy nhiên lâu nay, giáo viên vốn được đào tạo chuyên sâu một môn học, nên khi phải thực hiện dạy liên môn đương nhiên sẽ gặp khó khăn.

Và khi giáo viên còn lúng túng, thì việc tích hợp chẳng những không đáp ứng mục tiêu giảm tải chương trình cho học sinh, mà có thể khiến cả thầy và trò đều khổ, đều lo lắng trong dạy và học.

Bám sách giáo khoa khiến giáo viên 'ngại sáng tạo'

Ngoài những băn khoăn về việc dạy tích hợp, ngay khi Dự thảo chương trình các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố, không ít giáo viên bày tỏ sự hoang mang, lo lắng.

Nói đúng hơn là chưa sẵn sàng để đón nhận vị thế mới, dù mừng vui khi có quyền tự chủ về chuyên môn, được lựa chọn nội dụng giảng dạy và phương pháp truyền tải, khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho học sinh.

Bởi một thời gian dài, sách giáo khoa được xem là pháp lệnh mà giáo viên phải tuân theo mỗi khi lên lớp. Bài dạy được quy định sẵn, phải sử dụng hình ảnh gì, vào lúc nào, trong bao lâu…

Tất cả những điều này làm giáo viên cùi mòn sự sáng tạo, trình độ mai một vì bám sách. Lâu dần tạo thói quen “ngại” sáng tạo. Những hiện tượng giáo viên không giải quyết được hết các bài toán trong SGK, rời SGK thì không biết lấy gì để dạy và dạy như thế nào đã không còn hiếm.

PGS.TS Hoàng Thị Tuyết (Đại học Mở TP.HCM) chia sẻ khi đi tập huấn cho giáo viên, bà từng nghe có nhiều người phản ánh chỗ này, chỗ kia trong sách sai. Tuy nhiên, khi được hỏi có dám sửa không, có dám dạy khác sách không, tất cả đều trả lời không.

PGS Tuyết cho rằng cơ chế giáo viên bám sách là nguyên nhân khiến trình độ ngày càng mai một. Vì thế, dù chương trình giáo dục mới có hay đến mấy, tích cực đến mấy, mà đội ngũ giáo viên không được tự chủ về chuyên môn, không gấp rút tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giáo viên, thì đổi mới giáo dục sẽ khó đi đến đích

Gấp rút công tác bồi dưỡng cho giáo viên

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông, công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới trong tương lai là một nhiệm vụ quan trọng, cần gấp rút thực hiện. Giáo viên sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao khả năng tự học, để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của đổi mới giáo dục

Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng chương trình mới, Bộ GD&ĐT đã hết sức quan tâm kiểm tra, điều tra đội ngũ giáo viên hiện nay về số lượng giáo viên nói chung/ số lượng từng cấp học, môn học. Thời gian qua Bộ cũng tính toán quy hoạch đào tạo sư phạm và bồi dưỡng dần cho giáo viên những phương pháp dạy học mới.

“Tới đây có những môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, các giáo viên cũng sẽ được học bồi dưỡng, học các tín chỉ để có thể một mình đảm nhiệm một môn. Chương trình này Bộ GD&ĐT đang xây dựng”, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Về kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên cho chương trình mới, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho biết hiện nay bộ đã lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Trong đó, các trường sư phạm sẽ đào tạo giáo viên dạy các môn theo chương trình môn học mới ví dụ như: Lịch sử và Địa lý, KHTN, KHXH...

Bộ cũng sẽ thực hiện lộ trình lựa chọn giáo viên cốt cán bồi dưỡng trước. Theo đó, mỗi môn học sẽ có 2 giáo viên được lựa chọn/ tỉnh/ thành phố để bồi dưỡng cốt cán khoảng 8 ngày vào kỳ 2 năm 2019. Sau đó, bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà qua mạng.

Ngoài ra, Bộ cũng lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp. Theo tính toán, mỗi giáo viên sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (mỗi tín chỉ 15 tiết) để dạy tích hợp. Khi đó, giáo viên Lịch sử có thể dạy cả Địa lý và ngược lại, đảm bảo tất cả giáo viên sẽ đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới giáo dục.

Vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên luôn là chiến lược của mỗi quốc gia vì đội ngũ giáo viên mang yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục. Nhưng hiện nay có một thực tế nhiều giáo viên vẫn đang thực hiện giảng dạy theo chương trình hiện hành, chưa có một bước khởi động nào cần thiết để tiếp nhận cái mới.

Nói cách khác giáo viên thờ ơ với đổi mới. Bởi phần lớn giáo viên hiện nay đều chưa sống được bằng lương, điều mà chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT coi đó là món nợ chưa trả được với giáo viên, khiến mình day dứt.

Giáo viên dạy học gần 20 năm mới có mấy trăm nghìn thưởng Tết

Những thầy cô cõng chữ lên non chẳng bao giờ dám nghĩ đến quà Tết. Họ chỉ mong trẻ con nơi khó khăn được ăn no, mặc ấm, đến lớp đầy đủ.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/giao-vien-lo-lang-truoc-doi-moi-589892.ldo

Theo Mai Châu / Lao Động

Bạn có thể quan tâm