20 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Hoàng Thị Xuân (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) không biết thưởng Tết là thế nào. Dù chưa bao giờ đòi hỏi chuyện này, nhưng nghe thông tin trên báo đài chỗ này thưởng vài triệu, chỗ kia thưởng bằng hiện vật, cô Xuân không khỏi chạnh lòng.
Nhà chồng ở Thái Nguyên, nhà bố mẹ đẻ ở Hải Dương, mỗi năm Tết đến, gia đình cô đều thu xếp về quê một lần. Nhưng năm nay do Covid-19, tình hình tài chính càng khó khăn, cô và chồng quyết định ăn Tết ở Hà Giang.
Hiện mức lương giáo viên của cô là 5 triệu đồng/tháng. Mỗi tuần cô phải làm 40 đầu việc. Một ngày dạy 3 buổi, trong đó 2 buổi ở trường và 1 buổi tối ở lớp xóa mù. Vất vả là vậy nhưng so với nhiều đồng nghiệp dưới xuôi, mức lương của cô chẳng đáng là bao.
Mỗi khi nhắc đến Tết, cô Xuân và đồng nghiệp đều cảm thấy sợ. Ai ai cũng mong 5 năm mới đón Tết nguyên đán một lần. Cô Xuân tính các khoản tiền chuẩn bị cho dịp Tết cũng trên dưới 10 triệu đồng. Số tiền này bằng 2 tháng lương đi dạy. Biết trường còn khó khăn, nên nữ giáo viên không có ý trách trường.
“Chuyện không có thưởng Tết là bình thường chúng tôi cũng quen rồi", nói vậy nhưng cô Xuân và đồng nghiệp vẫn mong được một lần thưởng Tết xem cảm giác thế nào.
Nhiều giáo viên chưa bao giờ nhận được một đồng thưởng Tết. Ảnh minh họa: V.N. |
Không chỉ cô Xuân mà rất nhiều giáo viên khác cũng chưa một lần được thưởng Tết. Thầy giáo Nguyễn Văn Diện (hơn chục năm trong nghề giáo, ở Mường Khương, Lào Cai) là trường hợp như vậy. Năm nay, thầy nghe phong thanh sẽ có một khoản mà không dám tin điều đó là sự thật.
“Có thưởng Tết thì đúng là sự kiện lịch sử trong đời đi dạy của tôi”, thầy Diện nói.
Tại ngôi trường thầy công tác, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên giáo viên cũng chịu nhiều thiệt thòi. Ngoài khoản lương cố định, họ được trợ cấp rất ít. Vì vậy họ không dám mơ đến chuyện thưởng Tết.
Hàng năm, để động viên thầy cô, nhà trường tổ chức một buổi tất niên tuy đơn giản nhưng ấm áp. Với mong muốn cảm ơn giáo viên dạy dỗ tận tình nhiều năm qua, học sinh của trường thường mang những món quà gửi tặng là con gà, cân gạo nếp. Em không có điều kiện thì mang cơm nắm, măng cay biếu thầy.
Thầy Diện nhớ mãi năm học 2018, học sinh rủ nhau vào rừng hái hoa tặng thầy cô. Trời mưa rét, các em đầu trần, chân đất, áo quần phong phanh cứ thế phăm phăm vào rừng, đứa tìm mật ong rừng, đứa hái hoa đem về tặng giáo viên.
Nhìn bọn trẻ mặt mũi tím tái vì lạnh, tay run rẩy cầm bó hoa, thầy Diện ôm chúng vào lòng rơm rớm nước mắt. Với thầy Diện, học sinh ngoan ngoãn, học giỏi là món quà ý nghĩa nhất. Món quà này còn ý nghĩa hơn rất nhiều tiền thưởng Tết.
Nhiều trường không có thưởng Tết, tổ chức tất niên cho thầy trò. Ảnh: V.N. |
Ngay ở thủ đô, cô giáo Trần Thị Ngọc (huyện Mỹ Đức) sắp đến tuổi nghỉ hưu cũng chưa một lần nhận được thưởng Tết. Mỗi khi Tết đến xuân về, cô và đồng nghiệp nhận phần quà là bánh kẹo, dầu ăn, nước mắm.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân sách cạn kiệt nên nhà trường không có thưởng Tết cho giáo viên. Theo quy định, ngành giáo dục không có quỹ thưởng Tết cho giáo viên. Một số trường có khoản thưởng Tết từ nguồn kết dư tiết kiệm trong một năm.
Hiểu lẽ trên, cô Ngọc và đồng nghiệp thông cảm cho nhà trường. “Giáo viên chúng tôi có thưởng cũng được mà không có cũng được. Không thể vì không có thưởng Tết mà giảm đi động lực phấn đấu, tình yêu thương học trò”, nữ giáo viên chia sẻ.