Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo viên nghe, nói tiếng Anh ấm ớ

Giáo viên dạy tiếng Anh không giao tiếp được bằng tiếng Anh nên chỉ chú trọng dạy đọc, viết. Học sinh không giao tiếp được tiếng Anh là tất yếu, đa số lên đại học phải học lại.

Trao đổi với phóng viên về việc tại sao không chọn các trường sư phạm là đơn vị khảo sát, bồi dưỡng giáo viên (GV) theo đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ, một cán bộ Sở GD&ĐT TP HCM cho biết không thể gửi GV về đơn vị đào tạo mà sản phẩm đào tạo của họ hiện nay phải đi bồi dưỡng lại.

ĐH Sư phạm cần tự chủ trong chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh. Ảnh: Người Lao Động.

Dạy tiếng Anh, nói bằng... tiếng Việt

Cũng theo cán bộ này, TP HCM dù là địa phương có thế mạnh về tiếng Anh nhưng qua các kỳ thi khảo sát, kỹ năng nghe - nói của GV rất kém, nhất là đội ngũ GV lớn tuổi. Chính vì thế, để hoàn thành mục tiêu đề án, đơn vị chịu trách nhiệm bồi dưỡng phải mở thêm các khóa ôn luyện bổ sung, chủ yếu nâng cao khả năng nghe - nói.  Nhiều trường phải đốc thúc, tạo mọi điều kiện để GV đi học.

Tại TP HCM, Trung tâm Đào tạo khu vực Seameo là 1 trong 2 đơn vị được Bộ GD&ĐT cho phép và công nhận kết quả khảo sát, bồi dưỡng GV theo Đề án ngoại ngữ 2020. Bà Trịnh Thị Hoa Mỹ, Trưởng ban Ngôn ngữ và Văn hóa nước ngoài - Trung tâm Đào tạo khu vực Seameo, cho biết, qua quá trình bồi dưỡng, trình độ GV đã cải thiện nhưng tỉ lệ vượt chuẩn, ví dụ chỉ yêu cầu B1 nhưng đạt C1 cực kỳ hiếm; cũng có tỷ lệ GV thi rớt chủ yếu là ở phần nghe. Tỷ lệ này cũng không đồng đều vì số GV ở vùng sâu, vùng xa thì thấp hơn.

“Việc GV tiếng Anh không nói được tiếng Anh kéo theo học sinh cũng không nói được, lên đến bậc ĐH phải khảo sát, học lại là một sự lãng phí rất lớn” - bà Mỹ nhận định.

Bà Mỹ cho rằng nguyên nhân GV tiếng Anh kém phần nghe - nói từ nhiều lý do, trong đó có môi trường giao tiếp hiện nay rất nghịch lý, nhiều GV dạy tiếng Anh nhưng giao tiếp bằng tiếng Việt.

“Trong các lần trung tâm đi tập huấn cho GV, chúng tôi đều hỏi sao GV tiếng Anh mà không nói chuyện bằng tiếng Anh, họ trả lời vì nói tiếng Anh mệt, vì thế chúng tôi lại hướng dẫn GV phần nào cần nói bằng tiếng Việt, phần nào bằng tiếng Anh. Lý tưởng của chúng tôi là tất cả trường ở các địa phương được dạy tiếng Anh từ tiểu học và khuyến khích GV bằng nhiều cách nói tiếng Anh” - bà Mỹ nêu thực tế.

Trường sư phạm cần tự chủ chương trình đào tạo

GS.TS Nguyễn Lộc - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 - cho biết, phần lớn GV tiếng Anh hiện nay yếu đều cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Nhiều người cứ nhầm tưởng kỹ năng nghe - nói tách rời 2 kỹ năng còn lại nhưng không phải vì muốn nói tốt thì phải có nhiều từ vựng, phải giỏi ngữ pháp.

Nghe - nói chỉ là biểu hiện bên ngoài của năng lực tiếng Anh. Tuy đội ngũ GV tiếng Anh hiện đang giỏi dần lên nhưng việc có địa phương không tin chất lượng đào tạo của các trường sư phạm là có thật. Đó là tình cảnh chung vì không ít đội ngũ GV hiện nay ở các trường sư phạm đã lâu đời, họ được đào tạo theo kiểu cũ, phương pháp truyền thống mà phương pháp cổ điển thì không chú trọng nghe - nói. Vì thế mới có tình trạng học sinh giỏi tiếng Anh là nhờ đi học ở trung tâm, vào trường nói chuyện với GV mà GV chóng mặt, không thể giao tiếp nổi. Muốn dạy tiếng Anh tốt thì trước hết nói tiếng Anh phải tốt.

GS Lộc cho rằng, chính thực tế này khiến việc đào tạo, bồi dưỡng GV tiếng Anh cũng phải thay đổi, không những giao quyền tự chủ cho các địa phương mà còn ở các trường ĐH nguồn về sư phạm. Hiện nay, quyền tự chủ ở các trường ĐH không nhiều khiến họ cũng gặp khó khăn trong vấn đề chương trình đào tạo. Chỉ khi được tự chủ thì sẽ đẩy mạnh sự cạnh tranh, sản phẩm đào tạo ra sẽ quyết định chất lượng, uy tín của từng trường.

“Khung năng lực đầu ra theo Đề án 2020 không hề thấp nhưng nếu địa phương nào có cách làm hay hơn, có điều kiện hơn, chẳng hạn như tìm một đơn vị quốc tế có uy tín đào tạo, kể cả mời GV người nước ngoài, thì nên hoan nghênh và ủng hộ” - GS Lộc nói.

98,6% học sinh không thể đạt chuẩn

Trong khảo sát của nhóm giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM trên 143 học sinh THPT và 10 GV, cán bộ quản lý tại Trường Trung học Thực hành sư phạm, có đến 70% học sinh cho rằng GV sử dụng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, 15,3% học sinh cho rằng GV sử dụng quá nhiều tiếng Việt khi dạy tiếng Anh. Có đến 98,6% học sinh cho rằng không thể đạt được 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết theo chuẩn đầu ra. Thậm chí, 55,2% học sinh không biết gì về chuẩn đánh giá đầu ra do bộ quy định.

Trình độ tiếng Anh người Việt vượt Thái Lan, Nhật Bản?

Theo bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ 2015 của một tổ chức quốc tế, Việt Nam vượt qua các nước như Nhật Bản, Thái Lan… Điều này khiến nhiều người nghi ngờ kết quả chỉ để "tham khảo".

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giao-vien-nghe-noi-tieng-anh-am-o-20151229224042504.htm

Theo Đặng Trinh/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm