Người dân khu vực quận 10, TP.HCM có lẽ không ai còn lạ lẫm cô Nguyễn Thị Ngọc Thanh, công tác tại trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM).
Trong suốt mấy tháng TP.HCM chiến đấu với dịch bệnh bùng phát, cô Thanh đã có mặt ở khắp mọi nơi, từ hỗ trợ lực lượng y tế trong khu cách ly đến phát cơm cho người dân khó khăn, giúp các bệnh nhân trong khi cách ly.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Thanh, trường THPT Nguyễn Du. |
Tạm biệt gia đình, xung phong ở lại trong khu cách ly
Cô Thanh cho biết khi dịch bệnh bùng phát nặng nề, các trường học được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, giáo viên đã sẵn sàng tâm lý trước sau gì trường học cũng sẽ được trưng dụng và mình phải làm gì để góp sức cùng lực lượng y tế.
"Ngay khi có quyết định trưng dụng trường THPT Nguyễn Du làm khu cách ly vào ngày 23/7/2021, tôi xung phong ở luôn lại trường, lúc đó chỉ nghĩ mình làm gì được thì sẽ làm, không nghĩ nguy hiểm hay khó khăn gì cả", cô Thanh chia sẻ.
Lúc đầu ở luôn tại trường, cũng là khu cách ly, cô Thanh chỉ nghĩ mình là người của trường sẽ thông thạo tình hình phòng, ốc, điện, nước để hỗ trợ bác sĩ, bệnh nhân. Nhưng công việc trong khu cách ly ngày càng nhiều, cô Thanh thực hiện luôn các công việc như nhập liệu, tổ chức nhận bệnh, khám bệnh, gửi đồ cho bệnh nhân.
Hơn ba tháng ở trong khu cách ly, từ một nhân viên y tế trong trường học, cô Thanh trở thành bác sĩ thân quen của các bệnh nhân trong khu cách ly tại trường THPT Nguyễn Du.
Cô Thanh kể có những bệnh nhân vào đây, tâm lý họ rất mất ổn định, lo lắng và bi quan, cô Thanh trở thành bác sĩ tâm lý luôn cho những bệnh nhân này, trò chuyện và hướng dẫn họ các biện pháp phòng, trị bệnh.
"Có những bệnh nhân phải đi cách ly bất ngờ, họ không kịp mang quần áo, đồ dùng cá nhân. Tôi tỉ mỉ ghi chép rồi đi mua giùm họ. Miễn làm sao để bệnh nhân cảm thấy an tâm mới được", cô Thanh nói.
Trong những ngày thành phố thực hiện phong tỏa triệt để, nhờ được cấp giấy đi đường để tiện cho công việc, cô Thanh còn phát hiện rất nhiều ngõ, hẻm tại khu vực quận 10, người dân tại các khu nhà trọ còn gặp khó khăn, nhất là những người lao động thời vụ.
"Hàng ngày, cơm phát đến khu cách ly lúc nào cũng dư, bỏ đi thì phí nên tôi chuyển những phần cơm còn dư đó đến với bà con nghèo, lúc cơm còn ấm nóng để bà con có đủ bữa", cô tâm sự.
Suốt 3 tháng ở trong khu cách ly, những lúc nhớ con quá, cô Thanh lại tranh thủ chạy xe về nhà, đứng từ xa dưới khu chung cư gọi con ra, để nhìn con một chút rồi lại đi. Dù rất nhớ con, để an toàn cho con và mọi người xung quanh, cô chỉ dám đứng từ xa nhìn chút cho đỡ nhớ rồi lại quay trở lại vào khu cách ly. Xác định khi nào tình hình thành phố ổn, tôi mới về nhà".
"Chưa xong việc thì chưa về"
Được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch, chị Trần Thị Lan Anh, công tác tại trường Mầm non Tân Kiểng (quận 7), cho biết ngay từ lúc lập bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 7 số 1 vào ngày 18/8/2021, chị gửi lại 2 con nhỏ cho bà ngoại, xung phong vào công tác với tâm nguyện trong lúc cả TP chống dịch.
Chị Trần Thị Lan Anh (áo trắng) tại Bệnh viện dã chiến quận 7. |
Nghĩ là làm, mặc dù chồng công tác trong quân đội, không được về nhà, chị Lan Anh vẫn quyết định gửi hai con còn nhỏ cho bà ngoại để nhận công tác tại bệnh viện dã chiến.
Theo chị Lan Anh, không như bác sĩ chữa bệnh, chị làm kế toán trường học thì khi vào bệnh viện chỉ hỗ trợ mảng kế toán, chăm lo đời sống cho bác sĩ, nhân viên, bệnh nhân.
Tuy nhiên, những ngày ở trong bệnh viện dã chiến, mặc dù ở khu khác, nhưng công việc vẫn phải chạy qua chạy lại, tiếp xúc nhiều F0; khi quá tải bệnh nhân, bệnh viện mở thêm cơ sở cấp cứu cạnh nơi ở thì xung quanh toàn là F0.
"Thời gian đầu, lúc chưa đi chống dịch, nghe những bài hát, tài liệu về cuộc chiến chống Covid-19, mình rất quyết tâm nhưng thật sự giai đoạn đầu vào bệnh viện rất sợ, những ngày căng thẳng, có trên 10 bệnh nhân mất, tuy không trực tiếp sống trong đó nhưng trong môi trường mỗi ngày cảm nhận cái chết cận kề sẽ cảm thấy rất căng thẳng và sợ hãi. Mất hơn một tháng không dám về thăm con, sợ nguy hiểm cho mẹ già, con nhỏ, nhất là trong giai đoạn đó, mình chỉ mới tiêm một mũi vaccine", chị Lan Anh nói.
Nhưng khi đã quen việc thì dù nhà trường, gia đình mong muốn cho về, nhưng chị Lan Anh nói chưa xong việc thì chưa về.
"Đến ngày 31/1 vừa qua, tôi mới rời bệnh viện, lý do chủ yếu là trường học sắp tổ chức dạy học trực tiếp. Có nhiều lúc, gia đình, nhà trường lo lắng, gọi hỏi xong việc chưa để về nhưng tôi vẫn chưa về được vì còn nhiều việc. Nghĩ đến lúc bước chân vào bệnh viện, mẹ khóc lo lắng, nhưng lý tưởng dường như có sẵn trong máu, thôi thúc tôi đi bằng được. Lúc đó dặn hai con, cả ba mẹ đi vắng thì giờ hai anh em phải tự lo cho nhau, anh lo cho em. Quả thực suốt 6 tháng ở bệnh viện, khi trở về nhà, hai con đã biết tự lập hơn”, chị Lan Anh cho biết.