Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo viên nước ngoài bắt học sinh quỳ bị xử lý như thế nào?

Việc răn đe, dạy dỗ học sinh bằng cách phạt quỳ gối thường dẫn đến tranh cãi, chỉ trích. Ở nước ngoài, những hành động đó có thể khiến giáo viên bị kỷ luật.

Vụ việc cô Lê Thị Quy, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội), phạt học sinh quỳ trước lớp, gây tranh luận trên mạng xã hội. Có người cho rằng đây là hành động làm nhục học sinh, gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Trong khi đó, không ít ý kiến đồng tình việc xử phạt bằng đòn roi, quỳ gối mới nên người.

Trên thế giới, nhiều tình huống tương tự đã xảy ra. Đôi khi, chỉ vì không thuộc bài cũ, không chịu ngủ trưa, nhiều học sinh bị thầy cô phạt quỳ, thậm chí cả hình phạt khác nặng hơn.

Phạt hàng chục học sinh quỳ giữa trời nắng

Năm 2015, một trường học ở An Nhân, Hồ Nam, Trung Quốc, trở thành tâm điểm của dư luận khi hiệu trưởng Zhang Qiong bắt 30 học sinh lớp 6 quỳ giữa sân trường vào buổi trưa.

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, một số học sinh nam gây ồn ào trong giờ nghỉ trưa. Để cảnh báo học sinh khác, thầy hiệu trưởng đã phạt cả lớp quỳ xin lỗi trong 4 phút.

Cũng trong năm đó, một thầy giáo trường cấp hai ở Phúc Kiến, Trung Quốc, khiến cộng đồng mạng phẫn nộ khi phạt hai nam sinh quỳ gối. Không chỉ thế, giáo viên này còn gác chân lên người hai em và chơi điện thoại trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do hai em mất trật tự trong giờ, thầy giáo nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình tái phạm.

Trong một buổi đi thực tế, 96 học sinh tại một trường trung học ở Tokyo, Nhật Bản, bị giáo viên phạt quỳ 20 phút trước toà nhà chính quyền thành phố vì đi muộn. Hội đồng giáo dục trường cho biết nam giáo viên 35 tuổi cảm thấy bức xúc vì học sinh đi muộn. Ông quyết định phạt để các em hiểu được tầm quan trọng của việc đúng giờ.

Không chỉ bị phạt quỳ, nhiều học sinh còn chịu những hình phạt nặng nề từ giáo viên của mình. Trong cơn bực tức, không ít giáo viên sẵn sàng buông lời quát tháo, chỉ trích, bắt học sinh phải xin lỗi, quỳ gối, thậm chí phạt bằng đòn roi.

Năm 2017, một nhóm học sinh trường THCS ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, bị thầy giáo phạt quỳ trên nền gạch. Nam giáo viên còn dùng dây thừng đánh vào lưng, đầu và véo tai, túm tóc các em.

Theo Sichuan Daily, nhóm học sinh này bị phạt vì không thuộc bài cũ. Thầy giáo đã sử dụng một sợi dây thừng lớn, đánh mạnh vào lưng học sinh. Một số em khác đứng cạnh, chứng kiến cảnh bạn bị đánh và chờ đến lượt mình.

Đa số vụ việc trên đều bắt nguồn từ việc học sinh không nghe lời, đi học muộn, không thuộc bài, gây mất trật tự. Việc phải quản lý, nhắc nhở nhiều học sinh cùng lúc khiến giáo viên căng thẳng, bực tức, dẫn đến những vụ việc đáng tiếc.

Tuy nhiên, phạt quỳ liệu có phải hình phạt đúng đắn? Trước những chỉ trích, ý kiến trái chiều của dư luận, những giáo viên này bị xử lý như thế nào?

Mất việc, dư luận lên án

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng “thương cho roi cho vọt”, tư tưởng dạy trẻ bằng đòn roi khiến nhiều giáo viên quên rằng học sinh đang trong độ tuổi hoàn thiện tâm, sinh lý. Những hình phạt thể xác khiến các em trở nên sợ hãi, lo lắng, tiêu cực hơn. Đôi khi, phạt đòn không thể chấn chỉnh hành vi sai trái của trẻ, nó khiến nhiều em có thái độ chống đối, đáp trả quyết liệt hơn.

giao vien phat hoc sinh quy anh 3
Phạt quỳ đôi khi phản tác dụng, khiến học sinh chống đối quyết liệt hơn. Ảnh: World of Cliparts.

Sau khi phạt 30 học sinh quỳ gối giữa sân trường, Zhang Qiong đã bị đình chỉ công tác và phải xin lỗi học sinh cùng gia đình các em. Ông Xie Lei, người bắt hai nam sinh quỳ gối và gác chân lên người học trò, cũng nhận hình thức kỷ luật tương tự. Hành động của ông bị nhiều phụ huynh phản đối, chỉ trích kịch liệt. Phòng giáo dục thành phố An Nam quyết định sa thải giáo viên có hành động không đúng mực này.

Khác với hai trường hợp trên, một số vụ việc giáo viên phạt quỳ học sinh không được xử lý thoả đáng. Vụ việc thầy giáo phạt quỳ và đánh vào lưng học sinh chỉ dừng lại ở đình chỉ công tác. Nam giáo viên vẫn chưa phải nhận thêm hình thức kỷ luật nào.

Li, một nữ sinh trung học ở Quế Bình, Trung Quốc, bị đuổi học vì phát tán hình ảnh giáo viên phạt 20 học sinh quỳ gối giữa sân trường. Một giờ sau khi đăng ảnh lên mạng xã hội, Li bị nhà trường yêu cầu xoá ảnh và đuổi học. Bị cư dân mạng lên án gay gắt, nhà trường đã cho Li quay lại lớp. Tuy nhiên, vị giáo viên xuất hiện trong bức ảnh của Li vẫn không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Đánh đòn, phạt quỳ học sinh khiến hình ảnh giáo viên trở nên xấu xí trong mắt nhiều người. Tại một số quốc gia, việc dùng vũ lực với học sinh không bị cấm, nhưng việc làm này vẫn có giới hạn.

Tại Malaysia, giáo viên được phép phạt roi học sinh, nhưng phải đảm bảo không chạm trực tiếp vào da và phải có người làm chứng. Sau đó, giáo viên cần giải thích cho học sinh hiểu những lỗi các em mắc phải.

Hầu hết trường công lập ở Mỹ không được phép áp dụng phạt đòn với học sinh. Tại bang Kanas, giáo viên đánh phạt học sinh có thể bị đuổi việc ngay lập tức.

Mark, giáo viên Canada, chia sẻ đối với những học sinh không nghe lời, giáo viên sẽ áp dụng hình thức cấm túc sau giờ học cho đến khi suy nghĩ kĩ về những lỗi mình đã phạm phải.

“Những học sinh vi phạm nội quy trường học có thể bị đình chỉ học vài ngày, nặng hơn là đuổi học”, Mark cho biết.

Trao đổi với The Guardian, bà Sarah O’Boyle, hiệu trưởng trường Tiểu học Galton Valley, Vương Quốc Anh, cho rằng trước khi đưa ra hình phạt, giáo viên cần nắm rõ điều gì khiến các em cư xử không đúng mực. Sau đó, hãy đặt ra giả thiết về những hậu quả có thể xảy ra khi phạt trẻ.

Người này cho rằng phạt học sinh quỳ gối chưa phải phương pháp hiệu quả nhất để chấn chỉnh hành vi của học sinh. Thay vì trách phạt trong cơn giận dữ, giáo viên cần giữ bình tĩnh, cùng học sinh trò chuyện, chỉ ra vấn đề và tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

Phạt học sinh quỳ trong lớp có phạm tội làm nhục người khác?

Nhiều người cho rằng quy định của Bộ GD&ĐT không có hình thức phạt học sinh quỳ trong lớp. Chủ đề này đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội.


Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm