Theo thông tư liên tịch, giáo viên ở các ngạch giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT đều được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng. Trong ảnh: một tiết dạy của giáo viên lớp 3/1 Trường tiểu học Minh Đạo, quận 5, TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Theo ý kiến của nhiều giáo viên, việc thực hiện không đơn giản.
Thiếu thời gian học và thi
Một số giáo viên bày tỏ: "Hàng ngày, chúng tôi phải lao vào những công việc ngoài giờ quần quật, nào là hồ sơ bồi dưỡng thường xuyên (mỗi tháng), tham gia các cuộc thi: khoa học kỹ thuật, tích hợp liên môn, giải quyết tình huống thực tiễn, thi giáo viên giỏi (chủ nhiệm giỏi, giỏi các môn văn hóa, tổng phụ trách Đội giỏi, thư viện, thiết bị giỏi, kiến thức pháp luật...), hướng dẫn học sinh thi: học sinh giỏi, máy tính cầm tay, toán trên mạng, Anh văn trên mạng, kể chuyện...
Bên cạnh đó còn tham gia hàng loạt phong trào văn nghệ, thể dục thể thao...rồi thanh tra, dự giờ, soạn giáo án bảng tương tác... Quỹ thời gian có hạn, công việc thì bề bộn, nhưng theo thông tư thì để đủ điều kiện “nâng hạng” giáo viên, chúng tôi phải đi học cho có hồ sơ “đủ chuẩn”!”.
Các giáo viên này đều cho rằng thông tư khó thực hiện.
Thông tư xếp hạng giáo viên các cấp quy định: thấp nhất, giáo viên các cấp phải có trình độ Anh văn A1 (tiểu học, THCS), A2 (THPT) theo khung quy chuẩn tham chiếu châu Âu. Tuy nhiên, theo phản ảnh của giáo viên thì “hầu như có rất ít giáo viên đạt được trình độ Anh văn theo như quy định”.
Nói thêm về điều này, nhiều giáo viên cho rằng: “Với cả núi công việc thì thời gian đâu chúng tôi học và thi (giáo viên THCS, THPT phải dạy luôn ngày thứ bảy). Thậm chí, nếu chúng tôi bỏ công việc, bỏ học sinh để đi ôn tập thi (tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và phải đi rất xa nữa) thì sau khi có bằng cấp Anh văn, những giáo viên thể dục, sử, địa... dùng bằng để làm gì?
Ngoài ra, nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa thì chỉ việc đi học đã rất khó khăn nói chi đến việc đi thi...”.
Nhiều giáo viên còn lo lắng nếu không đạt trình độ Anh văn nói trên, tức là không được xếp loại ở mức thấp nhất (hạng IV - tiểu học, hạng III - THCS, THPT) thì sẽ xếp giáo viên như thế nào, và việc xếp lương sẽ ra sao...
Quyền lợi giáo viên không bị ảnh hưởng?
Về thắc mắc nói trên của nhiều giáo viên, bà Nguyễn Thúy Hồng, phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết:
Việc xây dựng các thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT là một trong các nhiệm vụ triển khai thực hiện Luật viên chức của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ.
Các thông tư nêu trên đã quy định rõ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên từng cấp theo từng hạng, để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên ở các mức độ khác nhau. Trong đó, ngoài quy định về trình độ đào tạo, còn có quy định về trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học và chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên theo từng hạng.
Viên chức tất cả các ngành cũng đều có các quy định tương tự, không chỉ riêng đối với viên chức ngành giáo dục.
Sau khi các thông tư liên tịch nêu trên có hiệu lực, tất cả giáo viên đang ở các ngạch giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT đều được chuyển xếp vào các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng, và được hưởng chế độ lương như cũ mà không có yêu cầu thêm về bất cứ điều kiện nào khác. Về bậc lương và việc nâng lương định kỳ đều không bị ảnh hưởng.
Riêng về các trường hợp giáo viên muốn được thăng hạng chức danh nghề nghiệp (từ hạng đang giữ lên hạng cao hơn) thì phải đảm bảo có đủ các tiêu chuẩn theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng muốn thăng.
Do vậy, giáo viên phải tự học hoặc tham gia bồi dưỡng để có đủ năng lực và trình độ theo các tiêu chuẩn chức danh quy định, đáp ứng được những nhiệm vụ của hạng nghề nghiệp cao hơn.
Nếu những viên chức này không đáp ứng tiêu chuẩn ở hạng cao hơn thì không được thăng hạng, nhưng vẫn đảm bảo được tăng lương theo định kỳ và được hưởng lương vượt khung theo quy định. Như vậy, quyền lợi của giáo viên không bị ảnh hưởng.
Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai xây dựng chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp, cho từng hạng.
Chương trình sẽ là căn cứ pháp lý để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phát triển tài liệu, tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Những giáo viên có đủ điều kiện và có nhu cầu thăng hạng sẽ tham gia bồi dưỡng theo chương trình này.