Vừa qua, những hình ảnh giáo viên mầm non trèo đèo lội suối đến trường do thầy Tô Hồng Điệp, Hiệu trưởng trường mầm non Tà Mít ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu, chia sẻ, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Trong ảnh, thầy cô phải men theo mỏm đá dọc bờ sông để đến trường. Lối đi rất nhỏ, chỉ một người đi. Người nọ phải dắt tay người kia, cẩn thận vượt qua vách đá dựng đứng.
Họ còn phải mang theo lương thực mua từ thị trấn cách điểm trường 75 km. Việc mang theo số thức ăn đủ cho một tuần vượt qua quãng đường đồi núi cheo leo, nước sông chảy mạnh, khiến hành trình đến trường của giáo viên vùng cao càng trở nên nguy hiểm.
Giáo viên vượt đường hiểm đến trường. |
Để đi từ trung tâm huyện vào xã Tà Mít, giáo viên phải ngồi thuyền khoảng hai tiếng rưỡi với giá từ 100.000 đến 150.000 đồng/người. Sau đó, họ lội sông do vào mùa nước cạn, thuyền không thể tiến vào đây.
Ngoài ra, ở đây, mỗi ngày chỉ có một hoặc hai chuyến đò nên nhiều khi thầy cô phải đợi cả ngày mới lên thuyền được.
Từ trung tâm huyện đến Tà Mít, giáo viên mầm non phải ngồi thuyền khoảng hai tiếng rồi chuyển sang đi bộ, lội sông thêm hơn một tiếng mới đến điểm trường.
Trả lời báo chí, thầy Điệp cho biết, trường mầm non Tà Mít gồm một điểm trường chính ở bản Ít Chom và một điểm lẻ ở bản Nậm Khăn, xã Tà Mít, với tổng số học sinh là 145 em. Điểm lẻ Tà Mít có 73 em học sinh, chia thành 3 lớp. Khối mầm non ở đây có 6 cô giáo cắm bản dạy học.
Thầy chia sẻ, khó khăn, gian khổ là thế nhưng các thầy cô ở điểm trường dường như đã quá quen nên không ai kêu khổ, mà vẫn ngày đêm bám trường, bám lớp, mang cái chữ đến với học sinh vùng cao và vùng sâu như xã Tà Mít.
Từ trung tâm huyện đến Tà Mít, giáo viên mầm non phải ngồi thuyền khoảng hai tiếng rồi chuyển sang đi bộ, lội sông thêm hơn một tiếng mới đến điểm trường. |
Câu chuyện về những giáo viên Lai Châu trèo đèo lội suối đến trường khiến người dùng mạng cảm phục.
Bạn Đức Ngọc bình luận: “Tất cả vì thế hệ tương lai. Thật cảm phục tấm lòng yêu nghề không sợ khổ, sợ khó của các thầy cô để cái chữ đến được với các em vùng cao”.
Cô Nguyễn Bình cũng thán phục quyết tâm vượt gian khó của các đồng nghiệp vùng cao: “Thật cảm phục những con người hy sinh thầm lặng để gieo cái chữ cho người dân vùng sâu vùng xa”.
Những hình ảnh do thầy Điệp chia sẻ giúp nhiều người, đặc biệt các bạn trẻ hiểu rõ hơn về nỗi vất vả của giáo viên miền núi đồng thời cũng truyền lòng yêu nghề, quyết tâm vượt khó để mang tri thức đến học sinh cho các giáo viên trên cả nước.