Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo viên và học sinh có thức tỉnh sau đề Toán lớp 10 tại TP.HCM?

Kỳ thi lớp 10 năm 2024 kết thúc cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh gióng lên cho tất cả giáo viên và học sinh, không chỉ ở TP.HCM mà trên cả nước, về cách thức dạy và học hiện nay.

Sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh 10 tại TP.HCM, đã có rất nhiều nhận định khác nhau từ những người có chuyên môn cho đến người không có chuyên môn về mức độ khó, dễ của đề thi.

Hình ảnh những giọt nước mắt của các em học sinh tràn ngập khắp các mặt báo và mạng xã hội. Nhiều người cho rằng độ tuổi này các em còn tuổi ăn, tuổi chơi, không nên tạo ra một cú sốc đầu đời để ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý các em.

Vậy phải chăng đề thi năm nay nằm ngoài khả năng của các em và nằm ngoài chương trình giáo dục phổ thông hiện hành?

de Toan lop 10 anh 1

Thí sinh thi lớp 10 tại TPHCM năm 2024. Ảnh: VietNamNet.

Bản thân tôi là một giáo viên công tác trong ngành giáo dục tại TP.HCM, đã thấy bao lớp thế hệ học sinh vượt qua kỳ thi tuyển sinh 10 và trưởng thành. Không phải là giáo viên chuyên dạy Toán nhưng tôi từng ôn thi cho một số em học sinh, ngay từ năm đầu tiên áp dụng phương thức ra đề kiểu mới thiên về vận dụng như thế này. Một lần nữa, tôi khẳng định đề thi này không phải là khó.

Cấu trúc đề hoàn toàn nằm trong chương trình giáo dục mà các em đã từng học qua. Nó vẫn là những dạng toán quen thuộc từ năm này qua năm khác. Vậy tại sao có quá nhiều học sinh, trong đó có cả những em khá giỏi, vẫn không làm nổi điểm trung bình?

Theo tôi, có 3 vấn đề. Thứ nhất, hình thức ra đề không còn rập khuôn, ngắn gọn như mấy năm gần đây mà chuyển sang cách ra đề mới mẻ, dùng nhiều câu chữ hơn. Điều này đã tạo nên cái “lạ” trong đề thi, làm cho học sinh không thể giải quyết bài toán. Muốn làm được, các em buộc phải động não, có tư duy phân tích để đưa bài toán về dạng quen thuộc.

Thứ hai, do cách dạy của giáo viên ở trường chưa phát huy hết khả năng vận dụng của học sinh, vẫn dạy theo lối “cũ” trong khi giáo dục lại đổi mới mỗi ngày. Giáo viên khi lên lớp vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa. Họ cặm cụi dạy một cách khiên cưỡng từng bài toán có trong sách giáo khoa mà không tự xây dựng cho mình một tài liệu dạy học riêng.

Quan điểm xây dựng chương trình phổ thông 2018 đã không còn đặt nặng vấn đề giáo viên phải bám sát sách giáo khoa, mà chỉ coi trọng các yêu cầu cần đạt cho học sinh. Vậy nên, giáo viên hoàn toàn có thể thay đổi các bài toán trong sách giáo khoa một cách phù hợp với các yêu cầu cần đạt, để giúp học sinh phát huy kỹ năng tư duy toán học của mình. Những bài có trong sách giáo khoa, giáo viên hoàn toàn có thể xem như một tài liệu để các em tự tham khảo hoặc làm bài tập về nhà.

Giáo viên cũng chưa thực sự đổi mới trong kiểm tra, đánh giá. Đa phần trước mỗi kỳ kiểm tra định kỳ, giáo viên đều cho đề cương hoặc ôn đi, ôn lại một số dạng toán nhất định. Điều này đã vô tình tạo nên một tác dụng ngược, khi điểm số của các em rất cao nhưng khả năng tư duy thì hoàn toàn trống rỗng.

Tôi đã đọc nhiều bình luận trên báo và mạng xã hội, có những phụ huynh cứ khẳng định là con mình học giỏi toán, điểm tổng kết trên 9 nhưng vẫn làm bài không được mà ít ai lại hiểu rõ nguồn gốc của vấn đề.

Thứ ba, cách thức học của chính các em học sinh. Các em luôn có lối suy nghĩ theo kiểu “học thuộc” dạng toán, cứ bài nào na ná trên lớp thì vô tư làm. Nhưng khi gặp phải các bài cùng dạng mà cách ra đề khác đi, các em lại không thể làm được.

Đã đến lúc, chính bản thân học sinh cũng như phụ huynh phải xem lại cách học, tránh tình trạng nhìn vào điểm số ở trường để đánh giá. Trong thời buổi công nghệ 4.0, các em hoàn toàn có thể học mọi lúc, mọi nơi. Vì để học tốt, ngoài việc tập trung nghe giảng bài trên lớp, các em còn phải biết tự học và rèn luyện kỹ năng giải toán.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay kết thúc cũng chính là lúc hồi chuông cảnh tỉnh gióng lên cho tất cả giáo viên và học sinh, không chỉ ở TP.HCM mà trên cả nước, về cách thức dạy và học hiện nay. Bởi bắt đầu từ năm học 2024-2025 trở đi, chúng ta sẽ bước vào kỳ thi tuyển đầu tiên của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - một chương trình giáo dục mới thiên về kĩ năng và tư duy cho học sinh.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Thí sinh từ Tây Ninh ra Hà Nội tranh suất vào lớp 10

Sáng 15/6, hơn 4.300 thí sinh đã bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) để cạnh tranh 400 suất học.

https://vietnamnet.vn/giao-vien-va-hoc-sinh-co-thuc-tinh-sau-de-thi-toan-lop-10-nam-2024-tai-tphcm-2292111.html

Thầy giáo Quang Vũ / VietNamNet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm