Một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là ngành du lịch vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém.
Tại Hội thảo phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, thời gian qua Du lịch Việt Nam đã hình thành là một ngành kinh tế quan trọng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành đang ngày một phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về du lịch. |
Năm 2014, ngành du lịch đón tiếp và phục vụ 7,78 triệu lượt khách quốc tế, 38,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 230 nghìn tỷ đồng (10,7 tỷ USD). Du lịch đóng góp khoảng 6% vào GDP, tạo 30.000-40.000 việc làm mới mỗi năm.
Đến nay cả nước có 1456 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hơn 13.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 15.500 hướng dẫn viên du lịch...
Ngành du lịch có nhiều bất cập
Bên cạnh việc kế thừa những thành tựu đạt được, ngành cần phải chuẩn bị tốt tâm thế, năng lực để phát triển du lịch trong thời kỳ mới với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, ngành du lịch được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đánh giá cao, có nhiều chủ trương quyết sách quan trọng và đặt kỳ vọng lớn, có thể thành một ngành mũi nhọn bên cạnh điện tử, tin học… Đặc biệt, mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 39/NQ-CP ngày 1/6/2015 và nghị quyết 46/NQ-CP ngày 18/6/2015 về miễn thị thực đơn phương cho Belarus và 5 quốc gia khu vực Tây Âu.
Tuy nhiên, kết quả của hoạt động du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng trải nghiệm du lịch chưa làm hài lòng du khách, sản phẩm du lịch thiếu tính khác biệt, tính cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh còn thấp.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm đã giảm 11,3% so với cùng kỳ 2015. Tính đến tháng 6/2015, lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam đã giảm trong 13 tháng liên tiếp. Có lẽ đây là đợt suy giảm lâu nhất của ngành du lịch.
Bên cạnh đó, ngành du lịch đang tồn tại nhiều yếu kém, bất cập như ăn xin, đeo bám khách, phương thức kinh doanh chộp giật, giá cả chưa đồng nhất, an toàn thực phẩm… ảnh hưởng tới sự bền vững và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Do đó, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cần phải nhìn nhận lại một cách tổng thể những rào cản, yếu kém trong ngành là gì để phát triển ngành du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, xứng với những tiềm năng sẵn có.
Việc miễn thị thực chưa đủ sức hút cho ngành. Du lịch Việt Nam cần thay đổi để cạnh tranh với các nước. |
Tại buổi Hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo, các Bộ ban ngành, các chuyên gia về những hành động, biện pháp cấp bách để hạn chế yếu kém, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI nhắc lại câu chuyện của hai vợ chồng nước ngoài sau khi chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch trong kỳ nghỉ hè nhưng đã từ bỏ vì thấy riêng chi phí visa vào Việt Nam đã bằng 2 đêm nghỉ tại Thái Lan. Sau đó họ quyết định đi du lịch Thái Lan thay vì chọn Việt Nam.
“Câu chuyện này ám ảnh tôi mãi, đó là câu chuyện không hề nhỏ. Qua cách làm du lịch, chúng ta giật mình bởi không chỉ Thái Lan, Malaysia, Singapore… mà ngay cả Lào, Campuchia, Myanmar cũng đang tích cực thúc đẩy phát triển du lịch”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Cũng theo ông Lộc, Việt Nam được xếp hạng đứng thứ 16 trong 184 quốc gia có tiềm năng lâu dài phát triển du lịch. “Với thứ hạng ấy tôi luôn tự hỏi mình tại sao chúng ta không thể trở thành một quốc gia du lịch trong khi chúng ta có rất nhiều tiềm năng”, ông nói.
Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng nêu ra những con số đáng để suy ngẫm:
Năm 2014, Thái Lan đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế, miễn thị thực cho công dân của 61 quốc gia.
Malaysia có 27,4 triệu lượt khách quốc tế, miễn thị thực cho 155 quốc gia. Tương tự Singapore đón 15,1 triệu lượt khách quốc tế và miễn thị thực cho 130 quốc gia.
Trong khi đó, Việt Nam đón 8 triệu lượt khách quốc tế và miễn visa cho 22 quốc gia.
“Đương nhiên khách du lịch đến với một quốc gia vì nhiều yếu tố, nhưng thủ tục chào hỏi đầu tiên cũng vô cùng quan trọng”, ông Lộc lý giải.
Đừng ỷ lại vào miễn visa
Phát biểu tại hội thảo, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam cũng bày tỏ, bỏ thủ tục visa là quan trọng nhưng không phải là cơ bản vì người ta đến du lịch Việt Nam không phải chỉ vì được miễn visa. Ẩm thực là một thế mạnh nhưng du lịch Việt Nam lại chưa biết phát huy thế mạnh đó.
“Chúng ta đang thua trên sân nhà. Thực đơn tại những khách sạn lớn tại Việt Nam chủ yếu là các món Tây, Nhật, Hàn…mà lại vắng bóng ẩm thực Việt. Ở Việt Nam mà không giới thiệu món ăn Việt thì thật dở. Thương hiệu du lịch Việt Nam là gì? Không thể có thương hiệu du lịch nếu tách rời với thương hiệu của quốc gia”, bà Ninh nhấn mạnh.
Đồng thời bà Ninh cũng cho rằng nên xây dựng lại thông điệp lõi thể hiện qua các phương tiện và hoạt động quảng bá xúc tiến, cụ thể nhất qua những khẩu hiệu chỉ đạo. Ví dụ ở Malaysia là Malaysia - Truly Asia (Á Đông đích thực). Còn ở Việt Nam (Hidden Charm, Timeless Charm) “Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn”- đã thật sự phát huy tác dụng “quả đấm” đối với du khách chưa?
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nêu ý kiến “Du lịch được đánh giá là một ngành mũi nhọn nhưng chưa bao giờ là ngành mũi nhọn, tại sao một ngành quan trọng mà mãi vẫn thế này. Đây thật sự là một vấn đề nghiêm trọng”, TS. Thiên nói.
Theo TS. Thiên đây là thời điểm tốt để tư duy lại. Thực tế, chiến lược tầm nhìn của chúng ta vẫn còn hạn hẹp, tư duy manh mún. Du lịch Việt Nam chỉ thành công khi tạo được sự khác biệt, đặc sắc.
Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Saigon tourist, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch đến với Việt Nam giảm là do hai thị trường Trung Quốc và Nga có nhiều biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch chung.
Theo ông Việt, bên cạnh chính sách mở rộng đầu tư du lịch, việc miễn visa cũng là một tín hiệu đang mừng. Tuy nhiên làm thế nào để người dân các nước sở tại nắm được thông tin này mới là điều quan trọng. Do đó cần có sự quảng bá, thông tin một cách sâu rộng để thu hút khách du lịch đến với Việt Nam.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng cho rằng nhìn vào tốc độ tăng trưởng thì du lịch Việt Nam đang ở trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, nếu không có những quyết sách mạnh thì tốc độ suy giảm càng ngày càng mạnh.