Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao giấy cắt vào tay thực sự rất đau?

Mặc dù gây ra vết xước nhỏ, việc bị giấy cắt vào tay khiến bạn bị đau nhức kinh khủng và rất lâu lành. Tại sao nó lại gây ra điều đó?

Bạn đang đọc một quyển sách hoặc mở một phong bì thư thì đột nhiên, có một cơn đau nhói ở ngón tay. Bạn thấy một chút máu và nhận ra mình vừa bị giấy cắt vào tay.

Theo Daily Mail, giấy có vẻ rất nhẹ, mỏng manh và vô hại. Tuy nhiên, chúng gây ra những vết cắt cực kỳ đau đớn - có thể diễn ra trong nhiều ngày. Tiến sĩ Hayley Goldbach, bác sĩ da liễu tại UCLA Health, đưa ra giải thích về sự đau đớn này và làm thế nào để vết cắt mau lành hơn.

Theo tiến sĩ Goldbach, chúng ta có các đầu dây thần kinh trên khắp cơ thể, đặc biệt mật độ dày đặc ở những nơi có chuyển động và cảm giác tinh tế - như môi và đầu ngón tay.

Những nơi kết thúc thần kinh này gọi là các thụ thể đau và chúng gửi tín hiệu đến não về những thứ có thể gây xước da, chẳng hạn như nhiệt độ, nhiệt độ cực nóng hoặc lạnh.

Giay cat vao tay gay dau don anh 1
Giấy cắt vào tay thực sự rất đau và lâu lành. Ảnh: Dailymail.

Một lý do khác khiến vết cắt giấy bị đau rất nhiều là bạn sử dụng tay suốt cả ngày, nghĩa là vết thương liên tục bị hở.

"Vết thương do giấy thường ở đốt hoặc đầu ngón tay. Thật khó để không sử dụng tay của bạn. Vì vậy, áp lực liên tục lên vết thương khiến nó khó lành lại," tiến sĩ Goldbach cho biết.

Ngoài ra, bản thân tờ giấy là lý do khác khiến những vết cắt này gây đau đớn. Giấy thoạt nhìn có vẻ trơn tru, bằng phẳng, nhưng nếu bạn nhìn nó dưới kính hiển vi, các cạnh của giấy thực sự rất lởm chởm, sắc. Nó cắt bạn khá nhanh trước khi bạn nhận ra điều đó.

Bên cạnh đó, giấy được làm từ bột gỗ, bông và các loại sợi khác, có thể xâm nhập vào vết thương, gây ra viêm. Đó là lý do bạn cần rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng, sử dụng băng gạc lên vết cắt. Điều đó giúp vết thương sạch sẽ, ngăn ngừa chảy máu lại.

Vết cắt do giấy khá nông, thậm chí còn gây khó chịu hơn. Khi cơ thể có vết cắt sâu, cục máu đông hình thành để ngăn chảy máu và hình thành vảy để bảo vệ vết thương.

Tuy nhiên, vết cắt do giấy đủ sâu để tiếp cận các chất diệt tế bào nhưng quá nông để kích hoạt cơ chế đông máu. Điều đó có nghĩa là phải mất rất nhiều thời gian để da mới thay thế các tế bào chết.

Tiến sĩ Goldbach cho biết thêm rằng có những yếu tố tinh thần và cảm xúc khiến vết cắt do giấy bị tổn thương nhiều hơn vết cắt khác. "Có yếu tố tâm lý bất ngờ, nó xảy ra quá nhanh đến nỗi bạn không có thời gian để rút bàn tay lại. Với một số chấn thương khác, bạn cảm thấy áp lực nên có thời gian để phản ứng," tiến sĩ Goldbach khẳng định.

Hơn nữa, vì chúng ta không mong muốn làm tổn thương chính mình bằng giấy, sự bất ngờ của vết cắt khiến chúng ta đau đớn hơn.

Chuyên gia này cũng cho biết vết thương được giữ ẩm dưới băng gạc sẽ bớt đau, mau lành và thay thế các tế bào da nhanh hơn. Dù vết cắt do giấy không có tỷ lệ nhiễm trùng cao, tiến sĩ Goldbach vẫn cảnh báo nếu vết cắt có màu đỏ, chảy nước, bị nhiễm trùng, bạn nên tới bác sĩ ngay lập tức.


Phương Mai

Bạn có thể quan tâm