Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giấy tờ còn thời hạn có cần đổi sang CCCD gắn chip?

Công dân có giấy tờ tùy thân còn thời hạn sử dụng chưa cần thiết đi làm CCCD gắn chip. Tuy nhiên, Bộ Công an khuyến khích các trường hợp này đổi sang căn cước mới sau ngày 30/6.

Bộ Công an cho biết từ tháng 7, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hoàn thiện để kết nối với dự án cấp căn cước công dân gắn chip. Mục tiêu đặt ra là cấp 50 triệu căn cước mới trước 1/7.

Hơn 2 tháng qua, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của công an các tỉnh, thành phố đã làm việc 3 ca mỗi ngày, kể cả cuối tuần, để thu nhận và xử lý hồ sơ cấp căn cước gắn chip.

Theo một lãnh đạo Công an Hà Nội, mọi người dân từ đủ 14 tuổi trở lên đều đủ điều kiện cấp loại giấy tờ gắn chip mới.

Vị này cho hay trước ngày 1/7, việc cấp căn cước gắn chip sẽ ưu tiên cho 3 nhóm, gồm: Người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa từng được cấp giấy tờ tùy thân; người đang có chứng minh nhân dân 9 số; người được cấp căn cước 12 số hay căn cước mã vạch nhưng bị hỏng, mất, hết thời hạn hoặc cần thay đổi thông tin.

Lam can cuoc cong dan gan chip anh 1

Căn cước mới gắn chip điện tử và mã QR code để tích hợp trong các giao dịch. Ảnh: Việt Linh.

Đối với chứng minh thư 12 số, căn cước mã vạch chưa bị hỏng và chưa hết thời hạn, cơ quan chức năng khẳng định các loại giấy tờ đó vẫn có giá trị sử dụng. Các trường hợp này chưa cần phải đổi sang căn cước gắn chip.

Tuy nhiên, công an khuyến khích người dân dành thời gian đi làm thủ tục đổi sang căn cước công dân gắn chip sau ngày 30/6 để tạo thuận lợi về sau. Quá trình thực hiện các giao dịch, công dân có thể sử dụng 2 loại giấy tờ cũ và mới mà không cần phải có giấy xác nhận.

Cũng theo đại diện Công an Hà Nội, người có nhu cầu đổi từ căn cước mã vạch hay chứng minh nhân dân 12 số sang căn cước gắn chip có thể đến công an cấp huyện hoặc Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để làm việc này.

"Công dân đến làm thủ tục cấp căn cước gắn chip chỉ cần mang chứng minh thư, căn cước mã vạch cũ hoặc sổ hộ khẩu", vị lãnh đạo thông tin thêm.

Về thủ tục cấp căn cước, Thông tư 40/2019 của Bộ Công an hướng dẫn khi đến làm việc, người dân chỉ cần cung cấp thông tin về nhân thân. Còn thông tin đầy đủ đã được cập nhật theo tờ khai được thu thập trước đó.

Trường hợp chưa có thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu, người dân xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc sổ hộ khẩu, không cần kê khai thêm giấy tờ nào.

Sau khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ hoàn thiện việc tra cứu và khớp thông tin về nhân thân, người dân sẽ được lấy mẫu dấu vân tay và chụp ảnh chân dung. Cuối cùng, công dân nộp lệ phí và nhận giấy hẹn.

Lam can cuoc cong dan gan chip anh 2

Đồ họa: Như Ý.

Chứng minh nhân dân 12 số được triển khai từ năm 2012 tại nhiều địa phương để thay thế cho mẫu chứng minh thư 9 số lưu hành trước đó. Đến năm 2016, căn cước mã vạch được thực hiện tại 16 địa phương với khoảng 16 triệu công dân được cấp, đổi.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân, người từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân. Loại giấy tờ này phải đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Người dân TP.HCM làm căn cước công dân gắn chip trên ôtô lưu động Từ ngày 18/3, Công an TP.HCM sử dụng 2 ôtô lưu động để thu thập thông tin làm căn cước công dân gắn chip cho người dân trên địa bàn.

Bắt nhóm làm giả giấy tờ, chiếm đoạt 71 ôtô

Hằng và 2 người khác bị cáo buộc thuê hàng chục xế hộp rồi cấu kết với kẻ làm giả đăng ký xe. Sau đó, nhóm này mang ôtô đi cầm đồ, thu lời bất chính hơn 40 tỷ đồng.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm