Một vụ giết người khá kỳ lạ đã xảy ra ở nước Anh. Brian Thomas, 59 tuổi đã bị bắt và đưa ra tòa vì giết vợ trong tình trạng mộng du. Theo lời thú tội của Thomas, ông ta đã bóp cổ Christine 57 tuổi đến chết khi hai vợ chồng ông ngủ qua đêm tại một trạm đỗ xe tại Tây Wales vào tháng 7/2008. Chi tiết hơn, hai vợ chồng Thomas đã dừng lại nghỉ qua đêm ở một trạm đỗ xe.
Tuy nhiên họ không được ngủ ngon do một số bạn trẻ tụ tập xe quanh đó, rồ máy và đua xe tạo nên những tiếng rú đinh tai nhức óc. Vì vậy, Thomas đã quyết định lái xe tới một điểm đỗ xe khác. Vào khoảng 3h ngày hôm sau, ông đã gọi cho cảnh sát và cho biết ông đã giết người vợ của ông. Thomas cho biết ông đã mơ thấy ông đánh nhau với những “cậu bé đua xe” và ông nghĩ ông đã bóp cổ một trong số đó. Nhưng khi tỉnh dậy, ông nhận ra người bị bóp cổ đó chính là người vợ Christine của mình.
Đây có thể là vụ ngộ sát và có thể có sự phán quyết của tòa án: “Người chồng không có tội giết vợ mình với lý do bị bệnh”. Mộng du là bệnh lý có thể giúp người ngay thoát tội nhưng cũng có thể là cái cớ để cho kẻ ác che lấp tội ác tày trời của hắn.
Ở ta, mộng du còn được gọi là miên hành. Tiếng nước ngoài thông dụng là “sleepwalking” (tức đi trong khi ngủ) để chỉ trạng thái đặc biệt này. Trong khi khoa học gọi đó là somnambulism (hay noctambulism).
Mộng du được định nghĩa là một loại rối loạn giấc ngủ xảy ra khi người bệnh đi hoặc làm một hành động nào đó trong khi người đó đang ngủ. Người mộng du hoàn toàn không hay biết mình đã làm gì khi đang mộng du hoặc không thể nhớ lại khi tỉnh dậy. Vì vậy, chỉ phát hiện mộng du nhờ người khác chứng kiến kể lại.
Đa số trường hợp mộng du chỉ là rối loạn nhẹ chứ không quá trầm trọng. Đối với trẻ em, mộng du thường giảm dần và có thể khỏi khi trẻ lớn. Đối với người lớn, hậu quả của mộng du là bị chấn thương do va chạm, té ngã. Người bị mộng du cần tránh uống rượu, không để cuộc sống gây stress, phiền muộn.
Nếu mộng du quá thường xuyên hoặc có nguy cơ gây hại (như mộng du lái xe) nên đến khám ở bác sĩ chuyên khoa thần kinh - tâm thần. Một số thuốc an thần tác dụng ngắn có thể giảm bớt số lần mộng du.