Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Giờ chỗ nào sửa cho đẹp thì khoe ra chứ tội gì giấu giếm’

Quan niệm về phẫu thuật thẩm mỹ của nhiều người đã “thoáng” hơn trước khi không còn dành ánh nhìn thiếu thiện cảm cho những người động dao kéo cải thiện vẻ ngoài.

“Này, trông mắt to hơn không? Mới nhấn mí được hơn tuần đấy, định sắp tới đi mở hốc mắt luôn”, Khánh Hòa (24 tuổi, kinh doanh tự do) hào hứng khoe ngay với cô bạn khi vừa tới quán cà phê.

Cao 1,65 m, dáng người săn chắc nhờ chăm chỉ tập gym, mặc đồ hợp mốt, thêm gương mặt được “sửa” vài chỗ đúng mức, Hòa sở hữu vẻ ngoài đáng mơ ước.

Trong quan niệm của cô gái 24 tuổi, việc phẫu thuật thẩm mỹ chỉ giống như lớp trang điểm, giúp phụ nữ cảm thấy tự tin, xinh đẹp hơn trong cuộc sống. Và khi đã chấp nhận rủi ro để đổi lấy vẻ ngoài ưa nhìn ấy, cô “chẳng tội gì phải giấu giếm”.

“Ngày xưa, các bà, các mẹ chỉ xăm môi, xăm mắt mà cứ phải lén lút. Đó cũng một phần bởi cái nhìn còn khắt khe của xã hội về việc làm đẹp. Nhưng bây giờ khác rồi, mọi người phần lớn đều cởi mở hơn, thậm chí khuyến khích chị em đi tân trang vẻ ngoài ấy chứ”, Hòa nói với Zing.vn.

phau thuat tham my khong con bi ky thi anh 1
Quan điểm của nhiều người về phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng cởi mở. Ảnh: Sixth Tone.

Phẫu thuật thẩm mỹ giờ chẳng có gì là ghê gớm

Thanh Huyền (23 tuổi) không dám tự nhận mình có gương mặt quá xinh xắn nhưng “đủ dùng”. Cô luôn được gia đình, nhất là mẹ ủng hộ việc sửa sang sắc đẹp nếu có ý định.

“Khoảng năm 2000, 2001, mẹ mình có đi xăm lông mày vì công việc bận rộn, không có nhiều thời gian kẻ mỗi sáng trước khi đi làm. Với những ai đã làm lông mày thì biết là khoảng 1 tuần đầu, lông mày phun mực lên sẽ rất đậm, phải đợi mực bong ra mới bình thường. Hồi ấy ở quê mình phẫu thuật thẩm mỹ được xem là cái gì đó ghê gớm lắm, nên có ai làm thủ thuật gì đó, dù chỉ là xăm môi, xăm mày như mẹ mình là cả xóm biết ngay”, Huyền nói.

Vì ngại mực chưa bong, cộng thêm việc “mấy bà hàng xóm cứ hỏi han, soi mói”, mẹ Huyền cứ đi làm về là ở trong nhà cả tuần trời. Mãi đến khoảng 1-2 tháng sau, mọi người mới dần quen và thôi không bàn tán.

“Bây giờ dù là ở thành phố hay vùng quê thì định kiến về phẫu thuật thẩm mỹ cũng thay đổi nhiều rồi. Không chỉ ở việc mọi người nhận thức được tầm quan trọng hơn của vẻ ngoài mà còn chấp nhận rằng việc động dao kéo cũng không có gì quá ghê gớm, chỉ là công cụ giúp mọi người đẹp hơn. Bây giờ lứa tuổi đi làm đẹp nhiều nhất ở chỗ mình lại là các cô, các chị đấy”, cô gái quê Lạng Sơn nói.

phau thuat tham my khong con bi ky thi anh 2
Nhiều người ở một số nước châu Á từng kỳ thị, có cái nhìn không thiện cảm dành cho những người phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Alarmy.

Trước đây, tại một số nước châu Á, suy nghĩ “sinh sao chết vậy” thể hiện quan niệm không muốn “động dao kéo”, bảo toàn cơ thể của người Á Đông. Vì vậy, chuyện chỉnh sửa, “cắt chỗ nọ, bù chỗ kia” để làm đẹp là chuyện khó có thể chấp nhận.

Tuy nhiên, định kiến này đang dần thay đổi, không chỉ trong thế hệ trẻ mà cả những người lớn tuổi.

Tại Trung Quốc, các bậc cha mẹ đang có cái nhìn cởi mở hơn về việc đụng chạm dao kéo. Đây cũng là lý do khiến nhu cầu phẫu thuật, làm đẹp tại đất nước tỷ dân tăng vọt.

Luật pháp nước này cũng quy định trẻ em dưới 18 tuổi phải nhận được sự đồng ý của phụ huynh mới được phép tiến hành phẫu thuật chỉnh hình.

Vì vậy, thay vì laptop, điện thoại thông minh, những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp 3 lại muốn xin cha mẹ được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ sau khi kết thúc kỳ thi đại học như một phần thưởng.

phau thuat tham my khong con bi ky thi anh 3
Nhiều người trẻ tìm đến các trung tâm thẩm mỹ để nâng cấp nhan sắc, tìm kiếm việc làm và cải thiện các mối quan hệ xã hội. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh việc sở hữu ngoại hình khá giúp người trẻ dễ dàng tìm việc, kiếm người yêu hơn, sự ảnh hưởng của các ngôi sao ca nhạc, diễn viên cũng góp phần không nhỏ trong việc thay đổi cái nhìn của xã hội về phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo Gallup Korea, cứ ba người phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 đến 29 thì có một người đã phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, nhiều bà mẹ có con trong độ tuổi 12 đến 16 khuyến khích con cái đi phẫu thuật. 73% phụ nữ cũng khuyên đàn ông can thiệp thẩm mỹ để cải thiện ngoại hình.

“Nước sơn” đẹp, tội gì không khoe

Tháng 7 vừa qua, cô nữ sinh Cảnh sát Nguyễn Mai Anh (21 tuổi) từng là cái tên nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội nhờ hình ảnh thay đổi khó nhận ra sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Trải qua 3 tháng phẫu thuật và chịu nhiều đau đớn để có gương mặt mơ ước, Mai Anh không ngại chia sẻ câu chuyện của bản thân trên mạng xã hội để truyền cảm hứng cho các cô gái khác.

"Phẫu thuật xong, mình đau lắm, mặt sưng đến nỗi không nhận ra chính mình. Lúc ấy, việc đơn giản nhất là há miệng cũng khó. Mình phải ăn bằng nước cháo qua xi-lanh. Đó là những ngày tháng không bao giờ quên. Mình đã phải chịu đựng nhiều để có được ngoại hình như hôm nay", 9X từng chia sẻ với Zing.vn.

Giống Mai Anh, nhiều cô gái sau khi phẫu thuật thẩm mỹ hiện không ngại chia sẻ hình ảnh, quá trình thay đổi của bản thân lên mạng xã hội. Đối với họ, việc chỉnh sửa nhan sắc không có gì là xấu hổ hay phải giấu giếm mà như minh chứng cho việc bản thân đã chịu đánh đổi, chấp nhận rủi ro để ưa nhìn, tự tin hơn.

phau thuat tham my khong con bi ky thi anh 4
Nguyễn Mai Anh "lột xác" ngoại hình sau ca phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: FBNV.

Theo một cuộc khảo sát thực hiện bởi tạp chí Harper's Bazaar vào tháng 5/2018 tại Hàn Quốc, nhiều cô gái cho biết phẫu thuật thẩm mỹ ở xứ củ sâm giờ đây quá phổ biến, đến nỗi việc cắt, nhấn mí không được gọi là phẫu thuật nữa.

"Mọi người bước ra đường với gương mặt băng bó nhưng không hề thấy điều đó đáng xấu hổ. Họ hãnh diện vì họ sắp có ngoại hình ưa nhìn hơn”, một cô gái chia sẻ.

Ông Wang Neng, phó giám đốc một bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ ở thành phố Hoài An, Trung Quốc, cho biết khoảng 5 năm trở lại đây, “phẫu thuật thẩm mỹ” không còn là cụm từ “cấm kỵ” đối với nhiều bậc phụ huynh ở Trung Quốc.

“Nhiều người còn coi việc cho con đi làm đẹp là một cách để tăng sự tự tin, đồng thời thể hiện sự tôn trọng và ủng hộ các quyết định của con cái họ”, ông nói với SCMP.

"Trước nay, câu 'tốt gỗ hơn tốt nước sơn' thường dùng để ám chỉ tầm quan trọng của nhân cách, tài năng hơn vẻ ngoài. Tuy nhiên, ở xã hội hiện đại, lớp 'nước sơn' ấy giờ cũng quan trọng không kém lớp gỗ bên trong, là thứ đầu tiên giúp ta thu hút sự chú ý của người khác.

Vậy nên, nếu ta có lớp 'nước sơn' đẹp, dù là tự nhiên hay nhân tạo, thì chẳng tội gì không khoe. Mình tự tin, chỉn chu với bản thân cũng là một cách tôn trọng người đối diện", Thùy Linh (25 tuổi) nói.

9X gầy gò có thân hình cơ bắp sau 3 năm tập luyện

Phi Phi - chàng trai "lột xác" với body cơ bắp - cho biết khó nhất không phải là tập luyện như thế nào, mà quan trọng là mình đã đủ kỷ luật với bản thân hay chưa.





Mai An

Bạn có thể quan tâm