Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giờ chót, Đà Lạt bỗng dư thừa phòng nghỉ

Chiêu ém phòng nghỉ nhằm tạo ra cơn sốt giá phòng ảo trong dịp lễ 30/4 và 1/5 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) của các sơ sở lưu trú bị “bể trận” trong chiều tối 30/4.

Chiều tối 30/4, rất nhiều cơ sở lưu trú ngay tại trung tâm TP Đà Lạt như đường Ba Tháng Hai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu… đồng loạt treo bảng “Còn phòng”. Trong khi đó, vào buổi sáng cùng ngày, các bảng này chưa xuất hiện. Du khách hỏi tìm phòng đều nhận được cái lắc đầu của nhân viên quầy tiếp tân hoặc các cơ sở lưu trú. Rất nhiều du khách đã ra hồ Xuân Hương nằm vật vờ, và dự định thức trắng đêm ở Đà Lạt vì không thể thuê được phòng nghỉ.

Theo giới thạo kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Đà Lạt, đây là chiêu ém phòng của các cơ sở lưu trú, nhằm tạo ra cơn khát phòng nghỉ ảo, buộc du khách phải thuê phòng nghỉ với giá trên trời vào buổi tối, khi đã đi nhiều nơi tìm phòng và quá mệt mỏi cho việc này.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2016, du khách đổ lên Đà Lạt không còn phòng nghỉ đã phải thức trắng đêm. Lần này các cơ sở lưu trú tại Đà Lạt tin tưởng “kịch bản” cũ sẽ lặp lại. Dịp lễ này, họ cố tình ém phòng nghỉ đến phút chót mới tung ra. Thế nhưng, chiêu trò kinh doanh không đẹp này đã thất bại. 

Da Lat chay phong dip le 30/4 anh 1

Đến 18h ngày 30/4, nhiều khách sạn tại Đà Lạt đồng loạt treo bảng còn phòng.

Đến chiều tối ngày 30/4, thấy du khách đổ lên Đà Lạt không đông như kỳ vọng, các cơ sở lưu trú vội vã treo bảng thông báo còn phòng. Lúc này, giá phòng lập tức giảm mạnh, chỉ bằng hơn một nửa so với trước đây các cơ sở này rao. Cụ thể, đến 18h ngày 30/4, phòng nghỉ một giường đơn, giá dao động từ 400.000-500.000 đồng/ngày. Giá phòng nghỉ hai giường dành cho 4 người ở chỉ còn 800.000-1.000.000 đồng/ngày. Cùng với thời điểm này, trên nhiều trang mạng xã hội và website du lịch về Đà Lạt, không ít đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch liên tục đăng thông báo còn phòng chất lượng 3 sao với số lượng lớn, cần bán giá ưu đãi, 900.000 đồng/phòng đơn (không có phòng đôi).

Phó giám đốc một công ty kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu Hòa Bình Đà Lạt cho biết, dịp lễ năm nay du khách tới Đà Lạt không đông như năm trước. Thực tế, ngay từ đầu, việc bán phòng nghỉ cho khách của các công ty đã rất chậm, họ cố tạo ra “cơn khát” nhằm kích giá phòng lên. 

Da Lat chay phong dip le 30/4 anh 2

Du khách đến Đà Lạt không đông như kỳ vọng.

Trước đó, ông Hoàng Ngọc Huy, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng cho biết, từ trước lễ các khách sạn từ 1-5 sao báo lên đều đã hết phòng nghỉ. Tuy nhiên, đến chiều tối ngày 30/4, nhiều khách sạn lại đồng loạt treo bảng còn phòng. Điều này cho thấy, du khách đến Đà Lạt không đông như kỳ vọng đã lật tẩy chiêu ém phòng thổi giá của các cơ sở lưu trú tại thành phố này. 

Da Lat chay phong dip le 30/4 anh 3

Trước đó, trưa ngày 30/4, du khách hỏi tìm phòng đều nhận được cái lắc đầu, khiến họ phải kéo ra hồ Xuân Hương nằm ngồi la liệt.

Mặc dù vậy, ông Mai Viết Đảng, Chánh thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, qua công tác thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng, dự kiến đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay sẽ có khoảng 90.000 lượt du khách đến với Đà Lạt, trong đó có 7.000 lượt khách quốc tế. Con số tăng hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái.

Tuy nhiên, với những gì thực tế đang diễn ra, sự kỳ vọng đạt được số lượng du khách này đến với Đà Lạt trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay là rất khó.

Đà Lạt hết phòng nghỉ, du khách đi tour cắm trại qua đêm

Giá phòng nghỉ tại Đà Lạt cao ngất ngưởng, lại khan hiếm trầm trọng, trong dịp lễ 30/4-1/5. Nhiều du khách trẻ đến với thành phố này đăng ký các tour cắm trại qua đêm.




Thạch Thảo

Bạn có thể quan tâm