Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, TP.HCM đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách. Điều này gây khó khăn không ít đến cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Chia sẻ với Zing, 5 bạn trẻ tiết lộ về giỏ hàng của mình trong mùa dịch.
- Thực phẩm chủ yếu: trái cây, đồ ăn ít béo
- Chi phí: khoảng 100.000 đồng/ngày
Tận dụng thời gian giãn cách này tôi muốn bản thân cải thiện được thói quen ăn uống thường ngày. Trước đây, tôi thường mua đồ ăn bên ngoài hoặc chế biến những món đơn giản nên cảm thấy cơ thể không mấy "healthy".
Nhân đợt nghỉ dịch này có thời gian rảnh, lại làm việc tại nhà nên tôi muốn tập tành nấu nướng một chút cho bản thân, làm quen với chế độ eat clean. Như vậy tôi có thể luyện thêm tay nghề nấu ăn lại còn giữ dáng.
Thực đơn gần đây của tôi chủ yếu là trái cây, rau xanh và những loại thực phẩm ít chất béo. Một lần đi siêu thị, tôi sẽ mua đồ ăn cho khoảng từ 3 đến 4 ngày.
Ban đầu tôi nghĩ, ăn uống như này sẽ tốn khá nhiều chi phí nhưng thật ra mỗi lần đi siêu thị thường chỉ rơi vào khoảng 250.000 đồng - 300.000 đồng.
Với cá nhân tôi thì việc tự nấu ăn ở nhà như này rất có lợi, vừa tiết kiệm lại vừa giữ dáng. Chắc tôi sẽ tiếp tục duy trì thói quen này kể cả khi hết giãn cách.
_____
- Thực phẩm chủ yếu: Đồ khô, đồ ăn vặt
- Chi phí: Khoảng 300.000 đồng
Đã hơn một tháng phải work from home, điều này khiến tôi cảm thấy khá buồn chán. Lúc trước, khi đi làm tôi và đồng nghiệp thường rủ nhau order đồ ăn vặt hay trà sữa để nhâm nhi trong lúc làm.
Bây giờ ngoài mua thực phẩm để nấu ăn thì tôi còn mua thêm đồ ăn vặt để sẵn ở nhà. Tháng vừa rồi, tôi dành ngân sách thêm khoảng 300.000 đồng cho mấy món linh tinh này.
Nghe thì thấy hơi tốn tiền nhưng thật ra tôi để ăn cả tháng chưa hết. Tôi cứ mua để sẵn như vậy cũng sẽ yên tâm hơn. Vừa ăn vừa làm việc cũng sẽ tập trung hơn nên đồ ăn vặt là thứ không thể thiếu với tôi trong kỳ giãn cách.
_____
- Thực phẩm chủ yếu: Đồ tươi, rau quả
- Giá cả: 500.000/tuần (2 người)
Trước giờ tôi vẫn quen với việc tự chuẩn bị các bữa ăn trong ngày và đi chợ cho cả tuần nên trong mùa dịch, tôi cũng không gặp nhiều khó khăn.
Lúc trước, tôi thường nấu sẵn một món ăn cho ngày nhưng giờ được ở nhà, thì tôi lại "bày vẽ" hơn. Tôi thấy việc tự nấu ăn tại nhà trong mùa dịch thế này vừa tránh được việc tiếp xúc với nhiều người lại còn đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tiền đi chợ một tuần của tôi rơi vào khoảng 500.000 đồng cho hai người ăn. Trong đợt giãn cách này thì có tăng thêm khoảng 100.000 đồng - 150.000 đồng để mua thêm mấy loại trái cây ăn vặt theo mùa.
Giãn cách như này chỉ bất tiện ở chỗ tôi không có nhiều sự lựa chọn do sức mua của mọi người cũng tăng cao nên tôi thường hay dặn trước các mối quen của tôi để đảm bảo nguồn thực phẩm.
_____
- Thực phẩm chủ yếu: Đồ khô, đóng hộp
- Chi phí: 500.000 đồng
Là con trai nên tôi cũng không quá cầu kỳ chuyện ăn uống. Khi chưa có dịch, tôi cũng thường ăn ngoài hoặc order đồ ăn chứ hiếm khi nấu nướng.
Thực hiện giãn cách theo chỉ thị của thành phố, tôi cũng chỉ mua sẵn một vài món đồ khô hoặc có thể để tủ đông. Tôi ưu tiên chọn những món dễ chế biến và để được lâu.
Không biết nấu ăn lại sống một mình thì mì gói, đồ hộp thật sự là giải pháp cho tôi trong mùa dịch này. Để ăn trong cả tháng thì hóa đơn mua đồ của tôi thường hơn 500.000 đồng.
_____
- Thực phẩm chủ yếu: Trái cây, đồ khô
Dù không kịp về quê tránh dịch nhưng do nhà tôi cũng gần TP.HCM nên ba mẹ cũng hay đóng đồ ăn gửi lên. Ba mẹ biết tình hình ở trên thành phố đang căng thẳng với cả con trai không biết đi chợ nên nhà có gì gửi xe lên cho tôi.
Được ba mẹ chuẩn bị sẵn đồ ăn như vậy nên nếu cần, tôi chỉ mua thêm rau và trái cây hoặc vài món ăn vặt. Chính vì vậy, giãn cách đợt này tôi tiết kiệm thêm được một ít cho khoản ăn uống.
Không được ra ngoài nhiều nên tôi cũng hạn chế mua rau xanh vì nhanh héo, thay vào đó sẽ mua thêm các loại trái cây hoặc các loại củ để bổ sung cho bữa ăn.