Ngân hàng First Republic. Ảnh: CNN. |
Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang (FDIC) đang thảo luận với các ngân hàng lớn của Mỹ, trong đó có JP Morgan, PNC Financial Services và Bank of America, về khả năng các ngân hàng này mua lại First Republic, theo New York Times.
Một nguồn tin cho biết thỏa thuận mua lại First Republic có thể được công bố trong ngày 30/4, tuy nhiên tình hình vẫn còn nhiều biến động và có thể thay đổi. Bất cứ ngân hàng nào mua lại First Republic cũng sẽ tiếp quản lại tất cả khoản tiền gửi mà First Republic đang nắm giữ.
Vẫn có khả năng First Republic không được mua lại. Trong trường hợp ấy, FDIC sẽ phải tự tiếp quản First Republic. Khi đó, chính phủ Mỹ có thể sẽ chi tiền để bảo vệ các khoản tiền gửi của người dân vượt quá mức giới hạn là 250.000 USD.
Theo quy định, JP Morgan và Bank of America không được phép mua lại First Republic bởi quy mô vốn có của hai ngân hàng này. Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ có thể sẽ tạo ngoại lệ nhằm thúc đẩy thương vụ mua lại First Republic nhằm ngăn chặn nguy cơ ngân hàng này sụp đổ.
Tuần qua, cổ phiếu của First Republic lao dốc tới 75% sau khi ngân hàng này công bố thông tin người gửi tiền đã rút 103 tỷ USD, tương đương hơn 50% tổng số tiền gửi mà ngân hàng này nắm giữ.
First Republic muốn được các ngân hàng tư nhân mua lại thay vì bị FDIC tiếp quản nhằm bảo vệ các khoản đầu tư của các nhà đầu tư và người nắm giữ trái phiếu.
Trong ngày 28/4, FDIC bắt đầu gửi đề nghị thương vụ mua lại First Republic tới các ngân hàng tiềm năng. Tuy nhiên, các ngân hàng chỉ muốn thực hiện thương vụ sau khi First Republic được FDIC tiếp quản nhằm có sự bảo đảm của chính quyền liên bang.