Khoác lên mình mẫu váy màu trắng thanh lịch và đeo túi Chanel đắt đỏ, Julie Li (30 tuổi) xuất hiện sang chảnh tại khu trung tâm thương mại lớn ở London, Anh. Trên tay cô là những chiếc túi mua sắm chứa đầy mỹ phẩm cao cấp.
Julie Li dán mắt vào màn hình điện thoại, say sưa nhắn tin. Cô không phải người giàu có vừa kết thúc ngày mua sắm thảnh thơi và đang tán gẫu cùng hội bạn sau khi tậu được nhiều món đồ hàng hiệu mình yêu thích. Loạt mỹ phẩm có giá trị lên tới 13.000 USD Julie Li cầm trên tay đều không thuộc quyền sở hữu của cô.
Người phụ nữ 30 tuổi trên là một "Daigo" chính hiệu. Cô xuất hiện ở trung tâm thương mại với nhiệm vụ chính: Mua hộ đồ hàng hiệu cho khách hàng.
Nhu cầu ăn mặc thời trang và làm đẹp tăng cao khi vẻ ngoài đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Từ đó, nghề stylist cá nhân ra đời. Ảnh: Business Of Fashion. |
Dành 5-8 giờ/ngày, 4 ngày/tuần cho việc mua sắm
Tại Trung Quốc, mọi người dùng từ "Daigo" hay "Personal shopper" để chỉ những người nhận mua hộ quần áo, mỹ phẩm ở nước ngoài sau đó gửi về Trung Quốc cho khách hàng.
Cô gái tên Julie Li trong câu chuyện trên cũng kiếm tiền nhờ công việc như vậy. Những tháng buôn bán tốt, cô kiếm được tới 26.000 USD từ 5% lợi nhuận qua mỗi đơn hàng.
"Tôi làm việc như Daigo song song với nghề chính trong suốt 3 năm. Tuy nhiên, 6 tháng trước, tôi quyết định nghỉ việc để tập trung kinh doanh vì lợi nhuận hấp dẫn và linh hoạt về mặt thời gian", Julie Li chia sẻ với China Daily.
Để có thể mang tới dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, cô phải thuộc lòng về giá thành, kiểu dáng, chất liệu sản phẩm...
Không thể định hình được phong cách hay quá bận rộn, nhiều người tìm đến stylist cá nhân. Ảnh: China Marketing. |
Từ việc mua đồ hộ đơn thuần, "Personal shopper" phát triển rộng hơn. Nó còn mang ý nghĩa khác: Những người chuyên tư vấn phong cách ăn mặc phù hợp với khách hàng, gợi ý cho họ các món đồ nên mua.
Theo Marketing To China, giới thượng lưu chính là khách hàng quen thuộc của trợ lý thời trang. Trang này cho hay phần lớn người giàu tại Trung Quốc không có nhiều thời gian mua sắm.
Vì thế, mỗi lần tới trung tâm thương mại, họ thường mua số lượng quần áo lớn mà không suy nghĩ nhiều về cách mặc chúng. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về trang phục của hội nhà giàu khá cao. Tất cả khiến việc có stylist riêng để chăm lo về cách ăn mặc trở nên cần thiết.
"Nhiều người giàu lên nhanh chóng nhưng gu thời trang lại không phát triển theo", Sun Yang - nhà sáng lập công ty cho thuê trợ lý thời trang - cho hay.
Trang Mental Floss nhận xét: "Khi làm nghề này, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác mua sắm đến khi kiệt sức".
Việc đi quanh trung tâm thương mại và đứng hàng giờ bên những giá quần áo khiến stylist cá nhân phải trải qua cảm giác đau đớn ở chân.
James Gallichio - một người làm nghề trợ lý thời trang - tiết lộ cơn đau này còn hơn khi ngồi cả ngày ở văn phòng.
"Tôi đi mua sắm 4 ngày/tuần. Trong đó, tôi phải di chuyển liên tục qua nhiều cửa hàng khoảng 5-8 tiếng/ngày. Điều đó khiến tôi bị kiệt sức rất nhanh”, anh chia sẻ trên trang Reddit.
Thước đo độ giàu sang cho giới thượng lưu
Nói về việc thuê stylist cá nhân, trang Marketing To China cho rằng đây cũng là cách chứng tỏ độ giàu sang ở Trung Quốc. Hầu hết trợ lý thời trang riêng tại đây có mức lương khá cao, chỉ giới thượng lưu mới đủ điều kiện chi trả.
Stylist cá nhân tên Le Huiling chia sẻ với Marketing To China: "Tính riêng chi nhánh ở Thượng Hải (Trung Quốc), công ty chúng tôi có hàng trăm khách hàng VIP, bao gồm doanh nhân, MC, giáo sư đại học và cả các quan chức chính phủ. Độ tuổi trung bình của họ là 35-50. Họ thường chi tiêu khoảng 72.300 USD/năm cho dịch vụ tư vấn trang phục".
Một số người giàu có nhu cầu mua hàng hiệu nhưng lại không biết mặc đẹp. Ảnh: @rkoi. |
Theo các khách hàng VIP, việc trả hàng chục nghìn USD để hiểu biết hơn về thời trang, tránh được những món đồ giả kém chất lượng và chấm dứt thời gian chỉ mặc đồ đen là xứng đáng.
Câu chuyện của Ilyse Dolgenas (49 tuổi, luật sư) là ví dụ điển hình. Nữ luật sư thường cảm thấy khó khăn mỗi khi sắp xếp hành lý để đi công tác hay du lịch.
"Nếu tự mình chọn quần áo thì tủ đồ của tôi sẽ chỉ toàn màu đen. Tôi thường mua những thứ có cùng màu sắc, kiểu dáng", Dolgenas chia sẻ với New York Post khi được hỏi về lý do thuê trợ lý thời trang.
Tuy nhiên, để tìm ra phong cách ăn mặc phù hợp với dáng người và sở thích của khách hàng không phải chuyện dễ dàng.
Một stylist cá nhân tên Lubins cho Fashionista hay: "Bạn phải cân nhắc rất nhiều thứ. Đối với tôi, việc chọn màu sắc trang phục sao cho phù hợp với tông da của khách là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, có người lại yêu cầu cao về kiểu dáng, ví dụ như họ không thích áo làm lộ cánh tay".
Trợ lý thời trang giúp người giàu tìm được những món đồ hiếm với giá tốt nhất. Ảnh: Jamie Chua. |
Không chỉ vậy, các trợ lý thời trang còn có thể giúp khách tìm kiếm những món đồ xa xỉ khó mua.
Nicole Pollard - stylist cá nhân ở Los Angeles, Mỹ - kể với Vanity Fair: "Tôi xây dựng được mạng lưới đủ mạnh mẽ để tìm được những đôi Yeezy giá tốt hay ngay cả túi Hermès Birkin hàng hiếm. Tôi cũng có khả năng mua hộ khách loạt đồng hồ Audemars Piguet, Patek Philippe trị giá ngang một ngôi nhà ngoại ô Los Angeles".
Hiện nay, nghề trợ lý thời trang ngày càng trở nên phổ biến. Không chỉ người giàu, những khách hàng bình dân cũng tìm đến họ với mong muốn lên đời phong cách.
"Tôi hạnh phúc khi khách hàng hài lòng về những món đồ mới mua và gu ăn mặc của bản thân. Tôi vui vì họ tự tin hơn trước với diện mạo đã được thay đổi", một người làm nghề tên Borsuk nói với Mental Floss.