Chỉ trong tháng 2, liên tiếp các vụ bê bối bắt nạt gần như hủy hoại sự nghiệp của 4 cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp, trong đó nổi bật là vụ việc của cặp song sinh "nữ thần bóng chuyền" Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong.
Ngày 22/2, một cầu thủ bóng chuyền khác là Park Sang-ha đã phải tuyên bố giải nghệ sau khi thừa nhận cáo buộc bạo lực học đường trong quá khứ, Korea Herald đưa tin.
Cuối tuần qua, một cáo buộc khác cũng nhắm vào cầu thủ bóng chày Yoo Jang-hyuk của đội Hanwha Eagles. Theo đó, cầu thủ này đã hành hung và bắt nạt một bạn học trong trường tiểu học.
Không chỉ trong giới thể thao, những ngày qua, làng giải trí Hàn Quốc cũng liên tục chao đảo khi hàng loạt nạn nhân đứng lên tố cáo bị người nổi tiếng bắt nạt khi còn đi học.
Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong bị đình chỉ thi đấu vô thời hạn sau bê bối bắt nạt. Ảnh: Yonhap. |
Từ nam diễn viên Cho Byung-kyu, thành viên Soo-jin của nhóm nhạc nữ (G) I-DLE, Min-gyu của SEVENTEEN, ca sĩ, diễn viên Kim So-hye, Jin Hae-seong, cho đến những tên tuổi đang lên như Park Hye-soo và Kim Dong-hee. Hiện, tất cả đều phủ nhận các cáo buộc và cho biết sẽ có hành động pháp lý chống lại những người tung tin sai sự thật.
Các chuyên gia coi những bài đăng tố cáo thông qua các cộng đồng trực tuyến là một kiểu “trừng phạt công khai”, bởi hình phạt của hệ thống pháp luật Hàn Quốc đối với bạo lực học đường được cho chưa nghiêm khắc.
“Thời gian gần đây, việc nhiều người nổi tiếng bị tố bạo lực học đường là do các nạn nhân vẫn còn phải chịu những chấn thương tâm lý dai dẳng. Họ muốn được chữa lành những vết thương phải chịu trong quá khứ và yêu cầu một lời xin lỗi", Kwak Geum-ju, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định.
Soo-jin bị tố bắt nạt, chửi bới bạn học cũ. Ảnh: Sojinpics. |
Theo một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, số học sinh cho biết bị bắt nạt đã tăng từ 37.000 em năm 2017 lên khoảng 60.000 em vào năm 2019.
Tuy nhiên, hình phạt cho những hành vi bạo lực học đường vẫn còn yếu. Theo luật hiện hành, trẻ em dưới 14 tuổi sẽ không bị trừng phạt vì bất kỳ tội nào. Trẻ trong độ tuổi 14-19 có thể bị phạt hình sự, song dù có bị kết tội, án phạt cũng thường là chịu quản chế.
Cần xử nghiêm
Theo nhiều chuyên gia, xã hội Hàn Quốc cần nhìn nhận đúng mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường.
“Ngày nay, sự trưởng thành về thể chất và phát triển nhận thức của thanh thiếu niên nhanh hơn nhiều so với trước đây. Việc phân biệt bạo lực học đường với tội phạm của người lớn là không phù hợp. Có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên ỷ lại, cố tình phạm tội vì biết mình sẽ không bị trừng phạt”, Park Ok-sik, giám đốc Viện Nghiên cứu Bạo lực Thanh thiếu niên, nói.
Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối tại Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Who Are You - School 2015. |
“Bạo lực học đường gần đây diễn ra rất tinh vi và có tổ chức nên bản chất của loại tội phạm này không hề nhẹ hơn so với bạo lực của người lớn. Nó nên được coi như vụ án hình sự và quyền lực công nên tích cực can thiệp", Seung Jae-hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Tội phạm học Hàn Quốc, nói.
Theo ông Seung, khi bạo lực xảy ra, việc thực hiện các biện pháp chống lại thủ phạm kịp thời là cách để ngăn chặn những tổn hại thứ cấp như chấn thương tâm lý.
Ngày 23/2, Thủ tướng Chung Sye-kyun cũng đã đề cập đến tình trạng bạo lực liên tục trong cộng đồng thể thao quốc gia tại một cuộc họp nội các.
“Chúng ta cần cải thiện các vấn đề cơ cấu trong cộng đồng thể thao dễ gây ra bạo lực, chẳng hạn như chế độ trọng tài, hệ thống phân cấp cứng nhắc và môi trường đào tạo khép kín”, ông nói, nhấn mạnh thêm rằng suy nghĩ cần bạo lực để cải thiện điểm số phải bị loại trừ.