Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ Afghanistan ngày càng muốn thoát ly khỏi đất nước

Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc, rất nhiều người Afghanistan di cư đến bờ biển châu Âu năm 2015. Gần một nửa trong số họ là những người trẻ tuổi.

Washington Post mới đây chia sẻ tâm sự của một cô gái  24 tuổi, từng rời bỏ quê hương vì không còn lựa chọn nào khác.

"Trước kia, tôi tham gia nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi của nữ giới tại Afghanistan và phải nhận không ít lời đe dọa. Lo sợ cho tính mạng của mình, năm 2013, tôi di cư tới Mỹ, dự kiến trở về sau vài tháng, khi đất nước ổn định hơn.

Thế nhưng, 3 năm trôi qua, tôi vẫn chưa biết đến ngày trở về. Tôi không muốn tiết lộ danh tính vì lo sợ, người thân ở Afghanistan có thể gặp nguy hiểm" - cô nói.

gioi tre Afghanistan thoat ly khoi dat nuoc anh 1
Giới trẻ Afghanistan rời bỏ quê hương vì sợ hãi và thất vọng trước tình trạng chiến tranh, suy thoái kinh tế trầm trọng tại đây. 

Giống như cô gái trên, một bộ phận lớn người trẻ tuổi, có học thức tại Afghanistan cảm thấy sợ hãi và thất vọng trước tình trạng thất nghiệp, bất ổn ngày càng gia tăng tại đất nước Nam Á này. Bất chấp những nỗ lực từ chính phủ, số người trẻ thoát ly đi tìm miền đất hứa đã đạt đến mức kỷ lục và không có dấu hiệu ngừng lại.

Cô gái giấu tên, hiện có bằng thạc sĩ tại Mỹ, cho hay: "Cha mẹ đồng ý cho đi xa và thậm chí khuyên tôi không nên trở về. Trong những năm qua, nhiều người bạn của tôi cũng rời khỏi Afghanistan do không nhìn thấy tương lai tại một quốc gia nghèo đói và bạo lực".

Theo World Bank, nền kinh tế suy thoái trầm trọng, giao tranh liên miên giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy, thiếu việc làm nghiêm trọng còn dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám ở giới trẻ.

Số liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc cho thấy, trong số hơn một triệu người di cư đến bờ biển châu Âu năm 2015, người Afghanistan chiếm 20%, gần một nửa trong số họ là những người trẻ tuổi.

Ông Vanda Felbab-Brown - thành viên cấp cao tại Viện Brookings - nhận định: "Trong bối cảnh hiện tại của đất nước Nam Á, tình trạng trên là không thể tránh khỏi". Tuy nhiên, một số người trẻ vẫn cho thấy tinh thần gắn bó cùng quốc gia dân tộc.

gioi tre Afghanistan thoat ly khoi dat nuoc anh 2
Trong số hơn một triệu người di cư đến bờ biển châu Âu năm 2015, người Afghanistan chiếm 20% và gần một nửa trong số họ là những người trẻ tuổi.

 

Shaharzad Akbar (28 tuổi) là một ví dụ điển hình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford năm 2010, cô trở về Afghanistan và hiện làm trong lĩnh vực Quản lý dự án tại thủ đô Kabul.

"Là người được hưởng nền giáo dục ở một trường danh tiếng, tôi thấy mình cần sống có trách nhiệm. Nếu từ bỏ, chúng ta mong đợi ai sẽ ở lại phía sau mình?” - Shaharzad nói.

Tuy nhiên, cô cũng thấu hiểu nỗi sợ hãi và thất vọng của bạn bè, đồng nghiệp. "Tôi cũng giống các bạn. Mỗi sáng rời khỏi nhà, tôi không biết mình có thể sống để trở về hay không?" - cô tâm sự.

 

Feroz Masjidi (31 tuổi, giáo sư Kinh tế, Đại học Kabul, người từng giành học bổng Fullbright đi Mỹ và trở về Afghanistan năm 2011) khuyến khích các sinh viên của mình ở lại khôi phục đất nước. Tuy nhiên, chính phủ cũng cần triển khai nhiều biện pháp lâu dài nhằm xây dựng lòng tin vào cuộc sống bớt tối tăm hơn cho các bạn trẻ.

 

Tuổi trẻ và tương lai của đất là hai yếu tố không thể tách rời. Nếu các nhà lãnh đạo không tận dụng cơ hội, tình trạng hàng nghìn thanh niên rời bỏ quê nhà, đi tìm miền đất mới sẽ ngày càng tồi tệ.

 

 

Pokemon Go và những cái chết ở tuổi đôi mươi

Từ khi ra mắt hồi tháng 7, Pokemon Go nhanh chóng gây ra nhiều tranh cãi. Ngoài lợi ích giải trí, số vụ tai nạn, thương vong ngày một tăng cho thấy mặt trái của trò chơi này.

Hường Vũ

Bạn có thể quan tâm