Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ câu like bằng trào lưu phản cảm 'Nói là làm'

Sau khi một thanh niên tuyên bố "Nói là làm, cần 40.000 like để tự thiêu, nhảy cầu", một trào lưu phản cảm nhanh chóng trở thành xu hướng gây khó chịu cho nhiều người.

Cách đây vài ngày, những người dùng mạng không khỏi bất ngờ vì lời tuyên bố của tài khoản mang tên N.T. trên Facebook cá nhân: "Bức hình này đủ 40.000 like sẽ đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem".

Bài viết thu hút gần 100.000 like (thích) cùng hàng nghìn bình luận cổ vũ lẫn thách thức anh chàng thực hiện hành động nguy hiểm. Ngay sau đó, mạng xã hội xuất hiện clip nam thanh niên tự tẩm xăng, châm lửa cháy và nhảy xuống sông. 

Chia sẻ với Zing.vn, Dũng - người chứng kiến màn tự thiêu - khẳng định nhân vật chính trong clip không phải N.T. mà là bạn đi cùng tên Thái. Nhiều người đều cho rằng chính "cơn bão like" từ dân mạng cùng sở thích sống ảo của giới trẻ là nguyên nhân dẫn đến hành động thiếu kiểm soát này.

Noi la lam anh 1
Chàng trai "rao bán" tính mạng mình với 40.000 like này là người tạo ra trào lưu phản cảm trên mạng. 

 

'Nói là làm' gây phản cảm

Sự việc chưa dừng lại ở đây khi lời thách thức này bắt đầu một trào lưu mang tên "Nói là làm". Nhiều bạn trẻ liên tục đăng tải những lời tuyên bố với hashtag #noilalam, và "ra giá" số like cần để đăng những bức ảnh hoặc video có nội dung gây sốc, phản cảm.

Một loạt những dòng chữ theo phong trào xuất hiện trên mạng: "Đủ 1.000 like sẽ mặc quần áo con gái đi vòng quận 8", "60 like và 15.000 share sẽ mặc đồ lót nhảy cầu và uống hết một ca nước sông", "Chỉ cần 10 like để phóng cả người và xe xuống cống".

Nhiều cô gái còn thản nhiên câu like bằng những bức ảnh hoặc clip nóng như "20.000 like, 500 share, 1.000 bình luận để xem video lột đồ", "5.000 like thôi sẽ chụp ảnh lộ nguyên vòng một tặng anh em".

Thậm chí, ngày 23/9, một người dùng mạng còn đưa lời thách thức vượt sức tưởng tượng khi tuyên bố "Nói là làm, đúng 8h tối sẽ ăn chất thải của chính mình", hay "Đủ 100.000 like sẽ đâm dao vào người mình".

Điều đáng nói, ngoài những phản ứng gay gắt trước sự bắt chước này, hầu hết những lời "kêu gọi like" đều thu hút số lượng quan tâm gấp vài lần con số chủ nhân mong muốn.

Lướt qua hàng nghìn bình luận đều thấy những ý kiến mong chờ hành động "Nói là làm". Thậm chí, đến giờ hẹn mà chưa có clip hay ảnh, chủ nhân của lời hứa đó chắc chắn bị "ném đá".

Từ đó, những bức ảnh nóng, clip lộ hàng gây ảnh hưởng văn hóa, sức khỏe, tính mạng của các bạn trẻ tiếp tục xuất hiện trên mạng xã hội.

Noi la lam anh 2
Những cô gái sẵn sàng tung ảnh phản cảm chỉ vì vài chục nghìn like. 

 

Giới trẻ đang chạy đua trào lưu?

Từ đầu năm 2016 lại đây, nhiều trào lưu được giới trẻ khởi xướng trên mạng. Thử thách đơn giản, ý nghĩa, nhiều hoài niệm nhất chắc là #firstsevenjobs - liệt kê 7 công việc đầu tiên trong đời.

Trào lưu bình luận "Bố em hút rất nhiều thuốc" dựa trên bài hát Đưa nhau đi trốn của giọng ca Linh Cáo và Đen khiến dân mạng "phát cáu", nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều tiếng cười.

Gần đây nhất, "Tha thu" và "Mình thích thì mình làm thôi", bắt nguồn từ ca sĩ trẻ Sơn Tùng MTP đang "khuấy đảo" mạng xã hội.

"Nói là làm" có lẽ cũng sẽ thú vị, nếu như người dùng áp dụng vào những hành động hoặc việc làm ý nghĩa hơn.

Còn nhớ, cũng thời điểm này năm ngoái, trào lưu khoe thỏi son Christian Louboutin, món mỹ phẩm có giá 90 USD đến 100 USD, xách tay về Việt Nam khoảng 2,7 triệu đồng đến 3 triệu đồng, cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi: Giới trẻ đang hướng tới điều gì khi chạy theo những xu hướng vô nghĩa?

Đỗ Thị Minh Trang - du học sinh chuyên ngành Tâm lý học, ĐH Paris 12, Pháp - chia sẻ giới trẻ luôn tìm tới những thứ mới lạ để giải quyết nhu cầu vui chơi, giao lưu và kết nối của mình. Thế nhưng, vì tuổi đời và kinh nghiệm sống chưa nhiều, các bạn thường xuyên bị lôi kéo và thu hút với những hành động thể hiện cái tôi một cách mù quáng.

"Khi thấy bạn này có nhiều like, những người khác sẽ nghĩ ngay đến việc mình cần làm những thứ ấn tượng để có nhiều like hơn, và cho rằng đó là sự nổi tiếng. Thật ra, sau khi đóng cửa sổ màn hình lại, chẳng ai còn nhớ bạn là ai. Mọi người chỉ lưu hình ảnh bạn là người có những hành vi quá lố, thậm chí vô duyên", nữ sinh nêu quan điểm.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh - giảng viên Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia - bày tỏ ý kiến không ủng hộ với những trào lưu khó hiểu của các bạn trẻ.

Thực tế, việc chạy theo trào lưu kéo theo nhiều hệ quả. Đôi khi, các bạn rơi vào tình huống bằng mọi giá phải tìm những hành động mới, lạ hơn người trước để thực hiện. Vậy là, những pha lộ hàng, làm liều... liên tục xuất hiện.

"Suy cho cùng, từ việc cây son này, sau đó là điện thoại, xe máy, quần áo hàng hiệu, đến câu like, câu view, bạn cứ chạy theo phong trào thì có phải người bản lĩnh? Còn với tôi, những người như vậy hoàn toàn không có chính kiến của riêng mình”, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh chia sẻ.

Clip tự thiêu của nam thanh niên Sau khi để lửa bén vào quần áo, nam thanh niên nhanh chóng nhảy xuống nước. Cư dân mạng phản ứng dữ dội về hành vi ngông cuồng, coi thường mạng sống của người này.

9X Sài Gòn tự thiêu, nhảy sông vì sự độc ác của dân mạng

Nhiều ý kiến cho rằng chính những cái like, sự vào hùa của dân mạng và dòng người đứng xem ở cầu Tân Hóa (TP.HCM) đã cổ vũ cho nam thanh niên thực hiện hành động nguy hiểm.



Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm