Giới trẻ cùng ứng phó biến đổi khí hậu biển đảo
Từ những nhóm nhỏ, các bạn trẻ sẽ lan tỏa thành một mạng lưới lớn với sự tham gia của hàng triệu thanh niên trong chiến dịch chống biến đổi khí hậu.
|
Sự lan tỏa của những "Hải đăng xanh"
Chiều 9/5, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đã tổ chức hội thảo “MCD cùng thanh niên xung kích và các bên liên quan ứng phó biến đổi khí hậu vùng biển đảo”.
Hội thảo kêu gọi sự chung tay của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân nhằm tiếp sức cho thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vùng ven biển và hải đảo, thông qua chương trình “Hải đăng xanh - Thanh niên xung kích ứng phó biến đổi khí hậu vùng biển đảo”.
Chương trình nhằm huy động sự tham gia, trí tuệ và năng lực của thanh niên sinh viên Việt Nam để tăng cường tính bền vững, độ lan tỏa và sức mạnh cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam nói chung và các vùng ven biển nước ta nói riêng.
Tiết mục văn nghệ chào mừng chương trình. |
Theo bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD, mục tiêu cụ thể của chương trình Hải đăng xanh gồm: Thúc đẩy lực lượng thanh niên, trí thức trẻ song hành cùng đại diện các tổ chức cộng đồng tại vùng đồng bằng ven biển đưa ra sáng kiến ứng phó BĐKH; Hỗ trợ nhóm thanh niên, sinh viên nòng cốt cùng các tổ chức và đoàn thể ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua tăng cường năng lực và hành động cụ thể. Hải Đăng Xanh sẽ thắt chặt và tăng cường mối quan hệ giữa các lực lượng trực tiếp tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu: nhà nước – tổ chức chính trị xã hội – thanh niên – cộng đồng ven biển. Đồng thời tăng cường nhận thức về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng, đặc biệt là các xã vùng ven biển.
Dự kiến diễn ra giai đoạn đầu trong 1 năm, với các bước Thắp lửa - Tỏa sáng - Lan tỏa, chương trình Hải đăng xanh sẽ quy tụ 28 nhóm (tượng trưng cho số tỉnh ven biển Việt Nam). Các nhóm này sẽ tỏa Sáng tới các thanh niên sinh viên khác và 500 cư dân ưu tú tại các xã ven biển, thực hiện các sáng kiến hoặc mô hình ứng phó biến đổi khí hậu cụ thể.
Từ đó, chương trình sẽ lan tỏa tới 3260 thanh niên sinh viên (tượng trưng cho số km đường bờ biển khu vực đất liền) tham gia các hoạt động của chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu vùng biển đảo cả nước.
12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu hiện là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Là một quốc gia biển với đường biển dài, khu vực đất liền chủ yếu là các châu thổ thấp, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Theo các kịch bản gần đây nhất, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2–3 độ C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75 cm đến 1 m so với thời kỳ 1980-1999.
Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập, khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Chính vì vậy, với sức sống, nhiệt huyết của tuổi trẻ, ban tổ chức hi vọng chương trình sẽ nhanh chóng được lan tỏa, với những hoạt động thiết thực.
Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) là một tổ chức phi chính phủ trong nước, được thành lập từ năm 2003 với mục tiêu hài hòa nhu cầu của cộng đồng ven biển với gìn giữ môi trường biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
MCD không ngừng tăng cường năng lực và hỗ trợ nhân dân một số địa phương tham gia bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững nguồn lợi biển để cải thiện đời sống, đồng thời với việc tác động tích cực vào chính sách quản lý tài nguyên môi trường vùng ven biển ở các cấp. Địa bàn hoạt động của MCD là các vùng có cộng đồng nghèo sinh sống trong và quanh các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu bảo tồn biển và khu dự trữ sinh quyển có yếu tố biển theo định hướng ưu tiên tầm quốc gia. |
Linh San
Theo Infonet