Nhận thông báo trở lại làm việc sau 2 tháng nghỉ không lương vì dịch bệnh, Trương Mỹ Hằng (28 tuổi, quận Đống Đa), nhân viên nhà hàng, như trút được gánh nặng chi phí sinh hoạt.
Mỹ Hằng như trút được gánh nặng khi được đi làm lại sau 2 tháng nghỉ không lương vì dịch bệnh. |
Ngày đầu tiên đi làm trở lại, Mỹ Hằng không giấu nổi niềm vui khi được trở về gian bếp quen thuộc.
Dù đứng 6 tiếng liên tục để đóng gói món ăn, giao cho shipper, chị không hề thấy mệt mỏi.
"Lâu không đứng quầy, tay chân tôi có chút vụng về, song tâm trạng thì vui lắm. Tôi vẫn giữ được công việc, lại không lo không có thu nhập nữa", chị cười, nói với Zing.
Khi Hà Nội nới lỏng các biện pháp phòng dịch, nhiều người trẻ đã bắt đầu đi làm trở lại sau 2 tháng làm việc ở nhà, thậm chí phải tạm dừng công việc.
Dù ngành nghề khác nhau, họ đều thấy háo hức, phấn khích khi được quay lại nhịp sống bình thường mới.
Trút bỏ gánh nặng
Ngày 22/9, Nguyễn Mai Trang (27 tuổi, quận Hoàng Mai) đến công ty từ khá sớm để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên hậu giãn cách xã hội.
Sau một thời gian dài xa văn phòng, chị phải dành thời gian sắp xếp lại bàn làm việc, xử lý giấy tờ tồn đọng.
"Tôi làm mảng Hành chính - Nhân sự, thường phải trực tiếp xử lý giấy tờ nên khó làm việc tại nhà. Ngày đầu trở lại văn phòng, tôi phải xử lý gần trăm văn bản tồn đọng", chị nói.
Khi làm việc tại nhà, chị có cơ hội dành nhiều thời gian cho con nhỏ 14 tháng tuổi, nhưng đôi lúc lại mất tập trung vì vướng cho con ăn, chơi với bé.
Vì thế, Mai Trang cho rằng được đi làm trở lại sẽ giúp chị xử lý công việc hiệu quả hơn.
"Bé không quấy khóc khi bố mẹ đi làm nên vợ chồng tôi yên tâm nhờ ông bà trông nom. Công ty cũng tạo điều kiện để tôi có thể về nhà sớm chăm con. Vì thế, tôi có thể cân bằng thời gian dành cho con nhỏ và công việc", chị nói.
Mai Trang (đeo vòng tay màu cam) vui mừng khi được gặp lại đồng nghiệp sau hơn 2 tháng xa cách. |
Nguyễn Thị Loan (24 tuổi, quận Cầu Giấy) cũng thở phào nhẹ nhõm khi nhận thông báo quay lại văn phòng làm việc. Trước giãn cách xã hội, chị là một trong số những nhân viên làm trực tuyến muộn nhất công ty do làm việc hành chính, cần xử lý và in ấn văn bản trực tiếp.
Chia sẻ với Zing, Loan cho biết mình gặp nhiều khó khăn khi làm việc từ xa. Hiện tại, chị sống tại một phòng trọ 20 m2, không gian khá nhỏ và đường truyền Internet không ổn định.
Mỗi lần kết nối remote với máy tính tại văn phòng, chị thường bị ngắt kết nối, phải liên tục vào đi, vào lại nhiều lần. Ngoài ra, Loan chủ yếu phải in ấn, gửi thư cho khách hàng nên khi làm ở nhà, phần việc này phải tạm dừng.
"Thao tác trên nền tảng online khá chậm, công việc tồn đọng nhiều nên tôi vừa làm, vừa lo sẽ trễ nải nhiệm vụ. Hơn nữa, ngồi cả ngày trong căn phòng trọ nhỏ với khối lượng công việc lớn cũng ảnh hưởng tới tâm lý. Với tôi, làm việc ở nhà chỉ là phương án bất đắc dĩ thôi", chị nói.
Ngày đầu tiên trở lại văn phòng hậu giãn cách, Loan cảm thấy thoải mái tinh thần hơn và hiệu suất xử lý công việc cũng cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, khối lượng công việc tồn đọng cần để tâm quá nhiều, buộc chị phải nhanh chóng điều chỉnh trạng thái làm việc.
"Chắc phải 1-2 tuần nữa tôi mới giải quyết xong các hạng mục tồn đọng. Vì thế, ngày đầu tiên đi làm, tôi chỉ tập trung vào xử lý giấy tờ, không có nhiều thời gian trò chuyện với đồng nghiệp cùng phòng", chị cười, nói.
Vui khi gặp lại đồng nghiệp, khách hàng
Ngày 21/9, Đoàn Thủy Tiên (24 tuổi), nhân viên phòng Dịch vụ và Marketing tại một ngân hàng ở quận Đống Đa, hào hứng là lượt trang phục khi nhận được thông báo trở lại văn phòng làm việc.
Vốn có tính cách hướng ngoại, Thủy Tiên nóng lòng được quay lại làm việc, đón tiếp khách hàng sau nhiều tuần làm việc từ xa. |
Kể từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, chị dành phần lớn thời gian làm việc từ xa, chỉ tới văn phòng vỏn vẹn chục ngày trong suốt 2 tháng theo lịch phân công luân phiên của ngân hàng.
Niềm vui được trở lại văn phòng làm việc khiến Thủy Tiên tạm quên đi áp lực phải giải quyết những hồ sơ chưa được xử lý hậu giãn cách xã hội.
“Do tính chất công việc cũng như sở thích giao tiếp, trò chuyện với mọi người như đồng nghiệp hay khách hàng, tôi thích làm việc trực tiếp tại ngân hàng hơn. Được trở lại văn phòng khiến tôi tràn đầy năng lượng và vui vẻ, không còn uể oải so với khi làm việc từ xa”, chị chia sẻ với Zing.
Tương tự Thủy Tiên, ngoài việc có thu nhập, được giao tiếp với khách hàng là điều mà Nguyễn Hoàng Anh (27 tuổi) mong chờ nhất khi nghe tin Hà Nội cho phép dịch vụ làm đẹp mở cửa trở lại.
Ngày làm việc đầu tiên của Hoàng Anh khá bận rộn, song anh cảm thấy có động lực hơn trước nhiều. |
Thợ làm tóc ở quận Cầu Giấy cho biết trong thời gian ở nhà giãn cách, anh giữ cho bản thân bận rộn với nhiều hoạt động khác nhau.
Ngoài tập thể dục, thiền và nghe sách nói, anh còn học cách bắt chuyện và giao tiếp với khách.
“Tôi mong được kết nối với khách hàng. Ngoài việc tạo nên bầu không khí vui vẻ, một cuộc trò chuyện thú vị giúp mang lại trải nghiệm dịch vụ tốt cho khách”, anh chia sẻ.
Hoàng Anh chính thức đi làm trở lại vào ngày 22/9, một ngày sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội.
Anh thừa nhận vừa tuân thủ quy định 5K, vừa thực hiện công việc khá vất vả bởi đeo khẩu trang cả ngày rất đau tai. Tuy nhiên, “đảm bảo an toàn cho bản thân, khách hàng và cả những người thân trong gia đình mình” là điều quan trọng hơn cả đối với Hoàng Anh.
Sau một tuần đi làm trở lại, anh nhận thấy lượng khách hàng có nhu cầu làm đẹp tăng mạnh hậu giãn cách. Hầu như những ngày qua, anh và các đồng nghiệp bận bịu đến mức không có thời gian nghỉ tay ăn trưa.
“Nhiều lần, chúng tôi chia nhau ăn trưa lúc 15-17h, bận đến mức quên cả đói. Tuy nhiên, được trở lại làm việc và gặp mọi người khiến tôi rất vui”, anh chia sẻ.