Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ lập hội 'những người đẹp thích tự kỷ'

Với những thông điệp theo kiểu“cuộc đời cơ bản là buồn”, các bạn trẻ còn có hẳn hội “những người đẹp thích tự kỷ” vì đẹp mà tự kỷ mới lạ.

Giới trẻ lập hội 'những người đẹp thích tự kỷ'

Với những thông điệp theo kiểu“cuộc đời cơ bản là buồn”, các bạn trẻ còn có hẳn hội “những người đẹp thích tự kỷ” vì đẹp mà tự kỷ mới lạ.

Trào lưu tự kỷ trong giới trẻ

Tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh ảnh hưởng đến não bộ, được thể hiện ra ngoài bằng các khiếm khuyết về tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại. Tự kỷ chưa thể chữa khỏi, các em không may mắc hội chứng này không bao giờ có cơ hội sống như những đứa trẻ bình thường.

Thế nhưng, ngày càng có nhiều người trẻ kêu la, than thở như thể mình là nạn nhân của chứng tự kỷ trên khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội.

Tự kỉ thành mốt trên mạng

Trên giảng đường, ngoài quán cà phê, trong các công sở, tự kỷ trở thành câu cửa miệng của rất nhiều người. “Phòng em thi thoảng hứng lên, ngứa miệng lại bảo “tự kỷ quá”, “tao đi tự kỷ đây”, ngày nào không kêu vài câu là không chịu được”, Nguyễn Thành Nam, sinh viên ĐH Giao thông vận tải nói.

Trên mạng xã hội, có vô số hội được thành lập gắn với mác “tự kỷ”: Hội những người thường xuyên bị tự kỷ, hội những người hay bị tự kỷ bất thình lình, hội những người tự kỷ đột xuất thỉnh thoảng còn trầm cảm bất ngờ, rồi hội những người thích tự kỷ, trầm tính và hay buồn vu vơ…

Để tạo dấu ấn riêng trong vô số hội, có nhóm còn tự nhận là “hội những người tự kỷ đúng cách” với huy hiệu: 100% member (thành viên) biết cách tự kỷ. Lại có nhóm vì “đẹp là chuyện thường, đẹp mà tự kỷ mới lạ” nên lập hội “những người đẹp thích tự kỷ” để chơi nổi, thu hút sự chú ý.

Đi cùng với những tên hội là những bức ảnh đại diện người đi cô độc trong bóng đêm, mưa gió, hay tóc tai rũ rượi ngồi ôm gối buồn bã, những thông điệp theo kiểu:“cuộc đời cơ bản là buồn”.

Theo chuyên gia tâm lý Ngô Toàn, việc người trẻ thích dùng từ tự kỷ một phần vì từ này chạm đến những tâm trạng của họ như sự cô đơn, buồn chán, mặt khác do họ chưa hiểu đúng về hội chứng này.

Trên diễn đàn redcafe, nick name tên VinaEmperor kêu gọi các thành viên không lạm dùng từ tự kỷ một cách bừa bãi vì “sự vô tình như những nhát dao cắt thật sâu vào lòng thân nhân những người bị căn bệnh này mà người ngoài cuộc không thể hiểu hết được”.

Người trong cuộc: Chạm vào nỗi đau

Như một cốc nước nóng rồi sẽ nguội, nỗi buồn, nỗi đau lúc đầu bức bối, dần cũng sẽ nguội dần đi. Sau 12 năm hành trình cùng con chiến đấu với chứng tự kỷ, với chị Nguyễn Mai Anh (CLB Gia đình trẻ tự kỷ TP Hà Nội), nỗi đau đã chìm xuống thật sâu trong tim, không “cứ nhắc đến là khóc ngay lập tức, động chạm vào thì xù lông ngay” như thời gian đầu mới phát hiện nữa.

Thế nhưng, mỗi khi ra đường, đến quán cà phê, lên mạng, nghe mọi người nhắc đến “tự kỷ”, thậm chí cười đùa với nhau, nỗi đau nằm im lại thức dậy.

Dù hiểu rằng nhiều người mượn từ “tự kỷ” để thể hiện tình trạng bản thân như “buồn”, “cô đơn”, không có ý ám chỉ những gia đình có con bị tự kỷ, chị Mai Anh vẫn thấy buồn, phật lòng và thất vọng. 10 năm qua, chị đã cùng với những cha mẹ CLB Gia đình trẻ tự kỷ TP Hà Nội nỗ lực truyền thông với cộng đồng về hội chứng này, nhưng vẫn nhiều người hiểu sai lệch.

Dù CLB gia đình trẻ tự kỉ Hà Nội đã nỗ lực truyền thông, nhiều người vẫn không hiểu đúng về tự kỉ

Mỗi lần đưa con ra ngoài, chị Doãn Thị Ngân (Thanh Bình, Hà Đông), mẹ của một bé 4 tuổi tự kỷ, thường gặp phải những bình luận cay nghiệt của mọi người trước hành vi khác thường của con:“con mày bị thần kinh à, tự kỷ là thần kinh rồi”, “không giáo dục được con à?”. Theo chị Ngân, việc người trẻ sử dụng từ tự kỷ tràn lan càng khiến xã hội nhìn nhận không đúng về chứng tự kỷ, tạo thêm áp lực cho những cha mẹ có con tự kỷ. 

Theo chị Mai Anh, không chỉ người trẻ chưa hiểu về tự kỷ mà ngay cả các chương trình truyền hình, bài báo cũng đưa thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm cho các gia đình có con tự kỷ. “Dù nỗi oan trẻ tự kỷ do không được bố mẹ yêu thương đã được thế giới hóa giải từ năm 1997, đến đầu năm 2012, một biên tập viên nổi tiếng còn phát biểu trên truyền hình rằng số lượng trẻ tự kỷ gia tăng do bố mẹ không chăm sóc. Các anh chị em trong cộng đồng chúng tôi rất phẫn nộ”.

Chị Doãn Thị Ngân cũng bày tỏ sự bức xúc khi một số báo dùng từ “tự kỷ” để giật tít, câu khách trong khi nội dung không hề liên quan. Có một đứa con tự kỷ đã là quá vất vả và đau đớn, chỉ mong sự thấu hiểu và thông cảm của toàn xã hội.

Nếu hiểu biết đúng về chứng tự kỷ, hiểu những khó khăn mà các gia đình đang phải gánh chịu, hẳn nhiều bạn trẻ sẽ đủ nhạy cảm để cảm thông thay vì thiếu cân nhắc chạy theo mốt của đám đông hoặc cố ý cười đùa trên nỗi đau của người khác.

Theo Kiến Thức

Theo Kiến Thức

Bạn có thể quan tâm