Giới trẻ Mỹ lạc quan về tương lai
Kim Bischof sẽ đi tìm việc sau khi tốt nghiệp vào tháng 5 với tấm bằng giáo dục đặc biệt và tự tin "giấc mơ Mỹ" vẫn tiếp diễn, còn tình trạng suy thoái kinh tế sẽ được kìm lại.
Giới trẻ Mỹ ngày nay lạc quan hơn nhiều thế hệ cha chú. (Ảnh: Americanfeast) |
Giấc mơ Mỹ
"Hiện nhu cầu về giáo viên ngành giáo dục đặc biệt khá cao. Tôi không quá lo về việc làm và tính an toàn trong công việc", Bischof - 24 tuổi, đến từ Anderson (bang Ohio) - nói.
Cô còn cảm thấy mình sẽ sống ổn ít nhất như cha mẹ mình, bất chấp nền kinh tế đang trong tình trạng suy thoái tồi tệ nhất từ nhiều thập niên nay.Sự lạc quan của cô, cũng như nhiều sinh viên khác trong các cuộc phỏng vấn, đã phản ánh thực tế rằng nhiều công dân Mỹ trẻ tuổi ngày nay thuộc dạng "hậu sinh khả úy" so với thế hệ trước.
Các chính trị gia Mỹ liên tục nhắc tới "Giấc mơ Mỹ", định nghĩa hay nhất cho ý nghĩ thế hệ sau sẽ sống một cuộc sống tốt đẹp hơn thế hệ đi trước. Khủng hoảng kinh tế hiện tại đang diễn ra đầy khắc nghiệt nhưng chưa làm mất đi tính lạc quan vốn có trong giới trẻ.
"Tôi nghĩ mình sẽ có nhiều cơ hội hơn cha mẹ - cơ hội do công nghệ tạo ra", Theron Bowman, 20 tuổi, sẽ tốt nghiệp Đại học Southern Methodist (SMU) ở Dallas với tấm bằng kinh tế mùa xuân này, khẳng định.
Trong số những người ở độ tuổi 18-29 được trung tâm nghiên cứu Pew phỏng vấn hồi tháng 10/2008, 51% nói rằng lớp trẻ ngày nay giỏi giang hơn thế hệ cha mẹ họ.
Giới trẻ Mỹ vững tin ở tương lai
Các sinh viên khác của trường SMU cũng đặt hy vọng cao vào tương lai. Jordan Jenkins, 20 tuổi, sinh viên năm thứ hai khoa công trình, đồng ý rằng công nghệ mở ra nhiều cơ hội hơn so với thời cha mẹ anh. Anh có kế hoạch thử sức trong nghề thiết kế video game, lĩnh vực mà anh tin sẽ còn phát triển cao hơn.
Theo một số sinh viên Mỹ, viễn cảnh thật u ám nhưng tình trạng đó sẽ không kéo dài. Emily Stegich, 20 tuổi, đang học chuyên ngành kinh tế nói: "Tôi sẽ ở lại trường đến chừng nào có thể". Nhưng cô hy vọng mọi thứ sẽ tăng tốc trong ít năm tới khi cô bước chân vào thị trường việc làm.
Trong khi đó, một số nhà phân tích lại không mấy lạc quan. Julia Isaacs thuộc nhóm chuyên gia cố vấn Brookings Institution, bày tỏ lo lắng về hai nguy cơ dài hạn cho sự phát triển kinh tế.
"Một là mất cân bằng tài chính trong chính quyền liên bang do chúng ta dự định chi tiêu nhiều hơn tăng thêm thu nhập. Gánh nặng nợ nần chúng ta để lại cho thế hệ sau thật đáng báo động. Điều nữa là tình trạng ấm lên toàn cầu và tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế tương lai", Isaacs nói.
Giới trẻ ngày nay có những mong mỏi cao hơn cha mẹ họ. Trong khi vào thập niên 1960, phần lớn khao khát một ngôi nhà, xe hơi, truyền hình, thì tầng lớp trung lưu ngày nay có nhu cầu tối thiểu là hai xe hơi, máy tính cá nhân, điện thoại di động và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.
Ở Phoenix, Yesenia Fuentes (16 tuổi) chẳng hề ảo tưởng về tương lai. Cô con gái của cặp vợ chồng nhập cư người Mexico này đang cố gắng hoàn thành khoá học, trong khi vẫn duy trì công việc 40 giờ/tuần tại một nhà hàng thức ăn nhanh để hỗ trợ gia đình, những người dựa vào cô như lao động chính duy nhất. Ngôi nhà của họ đã bị tịch thu để thế nợ.
"Cha mẹ chúng tôi nói, bố mẹ không muốn các con trải qua những gì bố mẹ từng nếm trải, đó là lý do tại sao bố mẹ tới đây. Các con có cuộc sống, lựa chọn và nhiều cơ hội tốt hơn", Yesenia kể lại.
"Trở lại thời ấy có thể dễ thở hơn, mọi thứ rẻ hơn, có nhiều vấn đề, không tệ hại như bây giờ, mọi người mất việc làm, nhà cửa bị tịch thu thế nợ... Cha mẹ tôi muốn quay về Mexico, nhưng tôi muốn ở lại đây và tới trường", cô quả quyết.
Cô sẽ là thành viên đầu tiên trong gia đình học xong phổ thông trung học, bước quyết định để theo đuổi giấc mơ Mỹ.
Theo Vietnamnet