Theo Japan Times, khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Benesse kết hợp với Viện Khoa học Xã hội, ĐH Tokyo cho biết 54,3% trong 10.000 học sinh cảm thấy chán nản, mất động lực học tập vì ảnh hưởng đại dịch.
Nghiên cứu trên được thực hiện với cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, từ tháng 7 đến tháng 9/2021. Con số này cao hơn 3,6% so với năm 2020 và 9,2% so với năm 2019.
Kaoru Sato, Giáo sư Xã hội học giáo dục và Nghiên cứu xã hội tại ĐH Tokyo, nói sự giảm tương tác trong môi trường học đường là lý do khiến giới trẻ nản chí.
"Covid-19 làm các hoạt động như ăn trưa, hội thao, lễ hội trường... bị hạn chế. Họ thậm chí phải giữ im lặng vào giờ ăn trưa, đánh mất nhiều niềm vui khi đến trường", Sato nhận xét.
Những hoạt động được học sinh Nhật Bản mong đợi như học nhóm, tham gia câu lạc bộ hay trò chuyện trong giờ ăn trưa bị hạn chế để phòng tránh dịch. Ảnh: Asahi. |
Đáng nói, tỷ lệ học sinh trung học phổ thông mất hứng thú đến trường chiếm đa số, với 61,3%. Ngoài ra, 43,1% học sinh tiểu học có biểu hiện mất tập trung, 58,6% em ở cấp trung học cơ sở không hào hứng với việc trở lại lớp học.
Bên cạnh đó, tác động của đại dịch Covid-19 tới các hoạt động học tập cũng được thể hiện rõ qua kết quả khảo sát. Số lượng học sinh lựa chọn phương thức học trực tuyến đã tăng lên 80,1% vào năm 2021, tăng mạnh so với năm 2019 là 54,5%.
Trước đó, một nghiên cứu khác cũng cho thấy người trẻ là đối tượng chịu tác động nặng nề về tâm lý bởi dịch bệnh.
Mainichi cho biết nguyên nhân khiến tình trạng cô đơn, lo âu của người trẻ Nhật Bản tăng cao là mất người thân do Covid-19, e ngại về tình hình dịch bệnh, chưa thể làm quen với môi trường học tập sau khoảng thời gian dài sống chung với các hạn chế.
Theo Mainichi, Nhật Bản hiện đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp mới nhất tại 18 quận từ cuối tháng 3, trong bối cảnh số ca nhiễm mới có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, đầu tháng 4, chính phủ đã phát cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch trở lại ở xứ hoa anh đào.