F
umiya (26 tuổi) làm công việc bảo vệ. Anh lựa chọn sống tại quán net trong căn phòng chỉ vỏn vẻn 4 m vuông, đồ đạc chỉ có độc một chiếc máy tính, đệm để ngồi và ngủ, xung quanh đầy vỏ lon, thuốc lá.
Lý do Fumiya quyết định sinh sống tại đây là vì không đủ tiền chi trả cho một căn hộ thực thụ.
Số lượng người làm thuê không chính thức, không được hưởng lợi ích từ công ty đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng, chiếm tới 1/3 nhân lực lao động tại Nhật Bản. Thu nhập của họ ít hơn nhân viên chính thức tới 40% và đương nhiên không thể đủ tiền sinh hoạt hàng ngày như bình thường.
Vì không đủ điều kiện kinh tế, Fumiya đành sống tạm bợ tại quán net. Ảnh: Shiho Fukada. |
'Tị nạn' tại quán net siêu nhỏ
Không chỉ Fumiya, nhiều người trẻ Nhật khác cũng buộc phải sống ở nơi chật hẹp này.
Có thể thấy, kinh tế chính là lý do chủ yếu khiến nhiều người Nhật quyết định "tị nạn" tại những nơi như quán net 24/24. Với giá khá hời khoảng 2.000 yên hoặc ít hơn cho một ngày, được lướt mạng thoải mái, phục vụ thêm đồ uống nhẹ, đây là nơi lý tưởng cho giới trẻ sống tối giản.
Shiho Fukada - nhà báo sống tại Tokyo - đã tìm hiểu về cuộc sống tại những quán net trong một khoảng thời gian dài.
Cô cho biết: "Nhìn thì đầy đủ nhưng tôi nghĩ sống như vậy chẳng khác nào sống trong quan tài, quá nhỏ và tối. Sẽ rất khó chịu nếu phải ở trong nơi tù túng ấy một thời gian dài".
Shiho Fukada cũng chia sẻ cô đã mất đến 3 năm để thuyết phục chủ quán cho làm phóng sự. Người chủ thậm chí còn cho rằng ông ta chỉ đang giúp đỡ những người nghèo khó và bế tắc.
Từ hình ảnh tả thực đến những con số biết nói, năm 2007 Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật công bố mỗi ngày, 60.900 người Nhật tá túc qua đêm tại quán net, trong đó có tới 5.400 người ở dài hạn.
Những quán net nhỏ, tiện lợi thu hút bạn trẻ tại Nhật. Ảnh: CNN. |
Không kết hôn, hẹn hò với nhân vật ảo
Nhật Bản hiện là quốc gia có dân số già nhất thế giới, bởi người trẻ nước này không mấy mặn mà với chuyện yêu đương, kết hôn hay tình dục. Điều này ảnh hưởng không ít đến tỷ lệ sinh con, khiến dân số càng ngày càng giảm.
Nhắc đến xứ sở hoa anh đào, người ta nghĩ ngay đến sự phát triển của ngành công nghiệp khiêu dâm lớn bậc nhất thế giới - nghịch lý khi giới trẻ Nhật lại chẳng mảy may quan tâm đến những vấn đề yêu đương nam nữ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.
Nakamura - 18 tuổi, sinh viên khoa Kinh tế tại một trường đại học ở Tokyo -cho biết anh rùng mình mỗi khi tưởng tượng tới việc hẹn hò với một cô gái.
"Điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải vắt óc nghĩ xem sẽ mặc quần áo như thế nào và đưa cô ấy đi chơi ở đâu. Hẹn hò quả là phiền phức", nam sinh giải thích.
Nhiều nam giới tại Nhật yêu thích các cô gái ảo. Ảnh: Personality cafe. |
Sự phát triển của công nghệ hiện đại cũng là một trong những lý do khiến người trẻ không còn muốn hẹn hò với người thực. Nhật Bản là thiên đường của truyện tranh và hoạt hình, hình ảnh các cô gái ảo trở nên quá phổ biến, phổ biến tới nỗi phái mạnh nước này yêu thích hơn cả những cô gái bình thường.
Akihabara - thánh địa cho "con nghiện" truyện tranh và hoạt hình ở Tokyo - và không quá khó để tìm một chàng trai đang mê mẩn một cô bạn gái ảo tại đây.
Nurikan là một ví dụ điển hình, đã 38 tuổi nhưng anh vẫn chưa lấy vợ. Ở ngưỡng tứ thập, Nurikan còn đang bận yêu đương với "cô bạn gái" Rinko từ trò chơi Love Plus. Anh chia sẻ đây chính là mối tình anh mơ ước từ thời trung học.
Ngay cả phái nữ cũng chìm sâu vào tình yêu của những anh chàng "soái ca" trên màn hình điện thoại.
Câu chuyện của Miho Takeshi (30 tuổi) chính là điển hình. Cô thậm chí còn "ngoại tình" với nhân vật trong trò chơi.
"Nó dễ gây nghiện lắm. Chỉ là nhân vật ảo nhưng dần dần tôi dường như có cảm xúc thật với anh ấy", Takeshi chia sẻ.
Ngại tiếp xúc với xã hội
Hikikomori chính là tên gọi của những thanh niên bên lề xã hội, những kẻ không cần giáo dục, không tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài và chỉ ở lì trong nhà làm bạn với máy tính.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật nhận định đây là hiện tượng xã hội và hiện tượng này thường xảy ra ở độ tuổi 13-29.
Phía sau cuộc sống tách biệt với xã hội của các hikikomori là cả một bi kịch dài về những áp lực giới trẻ Nhật đang gánh vác trên vai.
Câu chuyện về những chàng trai chỉ ở trong nhà tới 10 năm không còn lạ lẫm đối với người Nhật. Ảnh: Lauren Xenos. |
Một anh chàng tên Hide tâm sự: "Tôi đã bắt đầu đổ lỗi cho bản thân. Cha mẹ tôi cũng trách mắng vì tôi không đi học. Áp lực cứ ngày một tăng lên. Rồi dần dần tôi sợ ra ngoài, sợ gặp người khác. Cuối cùng, tôi không thể ra khỏi nhà mình".
Matsu cũng trở thành người không thể hòa nhập với xã hội bởi định kiến, áp lực từ cha mẹ.
"Tôi từng bình thường về tâm lý, nhưng cha mẹ đã đẩy tôi theo con đường tôi không hề yêu thích", anh nói.
Hikikomori sống trong những căn phòng nhỏ bừa bộn ngày này qua ngày khác, sinh hoạt ăn uống chỉ đơn giản là những gói mỳ ăn liền, đồ hộp được mua dự trữ.
Hoạt động hàng ngày của họ chỉ là lên mạng, ăn và ngủ. Đối với hikikomori, ra đường là cực hình. Hiện nay ở Nhật, có tới 1,2 triệu người mắc hội chứng này.
Căn phòng bừa bộn của một hikikomori. Ảnh: BBC. |
'Phong trào' tự tử
Bị bắt nạt, áp lực học tập, công việc là lý do đẩy nhiều bạn trẻ Nhật vào bước đường cùng - tự tử.
Trang CNN chia sẻ câu chuyện của một cô gái tên Nanae Munemasa trở thành nạn nhân của bạo lực học đường từ khi mới học tiểu học. Nữ sinh 17 tuổi tiết lộ cô từng bị các bạn nam đánh bằng chổi, tát trong nhà vệ sinh, trêu chọc vào giờ học bơi.
"Em là người cuối cùng ra khỏi bể bơi. Họ đẩy em xuống nước, em gần như sắp chết đuối", cô kể.
Sợ hãi, Nanae bắt đầu trốn học thường xuyên và thậm chí nghĩ đến chuyện tự tử.
Không chỉ Nanae, nhiều bạn trẻ Nhật cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo CNN, đã có hơn 18.000 người Nhật dưới 18 tuổi tìm đến cái chết kể từ năm 1972.
Giáo sư Đại học Hokkaido - Kenzo Denha - cũng cho biết cứ 4 học sinh trung học, có một bạn mắc bệnh trầm cảm và bệnh này còn được phát hiện ở học sinh tiểu học.
Những con số đáng kinh ngạc này khiến tự tử trở thành nguyên nhân cao nhất dẫn đến cái chết của trẻ vị thành niên - thanh niên độ tuổi 10-19 tại Nhật.
Miwa Sado qua đời do suy tim vì làm việc quá sức. Ảnh: ANN News. |
Hiện tượng tự tử ở Nhật không chỉ xuất hiện ở lứa tuổi học sinh, mà ngay cả những người đã ở tuổi trưởng thành cũng chọn cho mình cái chết. Tại Nhật, "karoshi" chính là tên gọi những cái chết vì làm việc quá sức.
Vào năm 2013, một phóng viên của đài truyền hình NHK tên Miwa Sado (31 tuổi) được phát hiện chết trên giường trong khi tay vẫn cầm điện thoại di động.
Miwa Sado chết do tăng ca đến 159 giờ/tháng và chỉ có duy nhất 2 ngày nghỉ trước khi qua đời. Mãi tới ngày 4/10 năm nay, sự việc mới được nhà đài làm sáng tỏ.
Vào năm 2015, một nhân viên của hãng quảng cáo Dentsu Matsuri Takahashi (24 tuổi) tự kết liễu cuộc đời mình vào đúng đêm Giáng sinh bởi sức ép công việc quá lớn.
Cô gái đã làm thêm tới 160 giờ vào tháng trước đó. Vụ bê bối này khiến chủ tịch tập đoàn Dentsu phải từ chức, đồng thời rung lên hồi chuông báo động về văn hóa làm thêm giờ ở xứ sở hoa anh đào.
Mẹ của Matsuri Takahashi bên di ảnh con gái. Ảnh: Asahi. |