Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ Singapore tìm đến rượu để quên cuộc sống thật

Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội khiến người trẻ Singapore gia tăng căng thẳng. Họ tìm đến rượu như cách để quên đi tất cả.

Vào tháng 4/2020, khi Singapore bước vào giai đoạn giãn cách xã hội nghiêm ngặt, Jolene (một YouTuber) cảm thấy tâm trạng mình bất ổn.

Ở độ tuổi 20, cô chuẩn bị tốt nghiệp đại học nhưng thị trường lao động chẳng còn rộng mở. Công việc kinh doanh của cha mẹ cô cũng bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, có thời điểm họ chỉ kiếm được 2.000 dollar Singapore để nuôi sống gia đình 6 người.

“Dịch bệnh ập đến, tôi không có gì để làm. YouTube là một công cụ giúp tôi kiếm tiền nhưng không phải công việc thực sự. Tôi nghĩ đời mình sẽ không đi tới đâu”, Jolene nói trên CNA.

gioi tre uong ruou do dai dich anh 1

Jolene uống rượu vodka gần như mỗi ngày khi ở nhà thực hiện giãn cách xã hội.

Để quên đi những vấn đề của mình, Jolene uống rượu vodka. Ban đầu, cô chỉ uống rượu ba lần một tuần, sau đó đã uống mỗi ngày ngay cả khi Singapore đã nới lỏng quy định giãn cách.

Mỗi lần ngồi một mình, cô thường uống hơn một nửa chai Vodka Absolut 750ml và cứ rót liên tục cho đến khi nằm gục.

Jolene cho biết cô đặt mua rượu về nhà khá thuận tiện nhờ ứng dụng giao đồ ăn. Mỗi tháng, cô tiêu tốn tới 500 dollar Singapore cho những chai rượu.

“Covid-19 khiến tôi thực sự cảm thấy như thế giới này đang kết thúc. Tôi chán nản, buồn bã và không có mục đích sống. Tôi không muốn tỉnh táo nữa và đã tìm đến rượu”, cô kể lại.

Vợ chồng bất hòa, uống rượu và đánh nhau

Jolene không phải người duy nhất uống rượu nhiều hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Nghiên cứu cho thấy rất nhiều người trên thế giới đã uống rượu, bia để giải tỏa tâm lý khi họ lo lắng về việc làm, cảm thấy kiệt sức và bế tắc do đại dịch.

Tổ chức Dịch vụ cộng đồng We Care cho biết từ tháng 10/2020, số lượng người liên hệ với họ để đăng ký tư vấn và hỗ trợ cai nghiện rượu đã tăng đến 20%.

Tham Yuen Han, Giám đốc Điều hành và Giám đốc Lâm sàng của We Care, cho rằng các đợt giãn cách xã hội tại Singapore được áp dụng kể từ tháng 1/2020 đã dẫn đến sự gia tăng căng thẳng và chứng nghiện rượu ở một số người.

Điều này đặc biệt xảy ra ở nhóm người trẻ tuổi, những người đã từng uống rượu trước đại dịch và sau đó bắt đầu uống nhiều hơn khi gặp áp lực trong công việc và phải cô lập với xã hội.

“Họ uống nhiều đến mức gây ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe và các mối quan hệ của xung quanh”, bà nói.

gioi tre uong ruou do dai dich anh 2

Đại dịch làm thay đổi thói quen uống rượu, bia của người Singapore.

Jothi, một công chức 32 tuổi, và chồng nhận thấy họ đã uống nhiều rượu hơn trong giai đoạn giãn cách.

Trước dịch, cô thường gặp gỡ bạn bè để uống rượu mỗi cuối tuần. Nhưng từ tháng 6 đến tháng 8/2020, hàng ngày, cô đều uống rượu đến say xỉn tại nhà.

Theo Jothi, đó là cách cô đánh lạc hướng bản thân khỏi các vấn đề tồi tệ của hôn nhân khi chồng cô bị mất thu nhập do dịch bệnh.

Chính chồng của Jothi là người đầu tiên uống rượu nhiều hơn, dẫn đến những cuộc đánh nhau giữa họ. Không thể tìm đến bạn bè để giải khuây, cô bắt đầu hình thành thói quen uống hai chai soju mỗi ngày để “xoa dịu cơn đau”.

“Điều tôi thích ở rượu soju là chỉ cần uống một chai, tôi đã thấy choáng váng. Đó là những gì tôi muốn: một loại rượu giúp tôi say tức thì để có thể ngủ và không cần nghĩ ngợi về điều gì khác”, cô nói.

Gia tăng doanh số bán rượu trong dịch

Đại dịch đã làm thay đổi thói quen uống bia, rượu tại Singapore. Trong khi một số mua rượu và ngồi uống tại lề đường, nhiều người khác lại thích uống một mình hoặc tụ tập theo nhóm nhỏ tại nhà.

Nhóm thứ hai có khả năng mua rượu dễ dàng hơn nhờ những nền tảng giao hàng trực tuyến, nơi mọc lên rất nhiều gian hàng bán rượu trong thời kỳ dịch bệnh.

Theo cửa hàng trực tuyến RedMart, doanh số bán rượu vang và champagne của họ đã tăng đến 15% so với trước dịch. Ngoài ra, lượng rượu soju bán ra đã tăng hơn gấp đôi và sake cũng là loại rượu được nhiều người yêu thích.

Thậm chí, doanh số bán bia không cồn cũng đã "tăng trưởng phi thường” đến 50% so với trước dịch.

gioi tre uong ruou do dai dich anh 3

Nhiều người tập thói quen uống rượu tại nhà một mình do không được tụ tập bạn bè.

‘Uống do đại dịch’ trên thế giới

Theo CNA, ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, câu chuyện “pandemic drinking” (tạm dịch: uống do đại dịch) khá phổ biến.

Tại Mỹ, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg và Đại học Maryland trên hơn 800 người trưởng thành cho thấy 60% uống rượu nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch.

Ba lý do hàng đầu được họ đưa ra là: Căng thẳng gia tăng, cảm giác buồn chán và thấy thích uống rượu, bia hơn.

Một nghiên cứu khác do Hiệp hội Tâm lý Mỹ và Công ty phân tích The Harris Poll thực hiện vào tháng 2/2021 trên 3.000 người cũng cho thấy gần 25% uống nhiều rượu hơn để đối phó với căng thẳng.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội, Tiến sĩ Arthur Evans, cho biết: “Trong suốt giai đoạn đại dịch, chúng tôi nhận thấy con người có mức độ căng thẳng kéo dài và trầm trọng hơn bởi nỗi đau buồn, chấn thương và sự cô lập. Cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy đại dịch có khả năng gây ra những hậu quả dai dẳng, nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người trong nhiều năm tới”.

gioi tre uong ruou do dai dich anh 4

Jolene tập cai rượu khi nhận ra rằng việc say xỉn đang "ngốn" cạn tiền của mình.

Ngoài ra, theo kết quả từ nghiên cứu được thực hiện bởi Global Drug Survey (có trụ sở tại Anh) vào tháng 5,6/2020, những phát hiện tương tự cũng xuất hiện tại một số quốc gia khác.

Qua khảo sát trên hơn 55.000 người từ Úc, Áo, Brazil, Pháp, Đức, Ireland, Hà Lan, New Zealand, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ, kết quả cho thấy 36% gia tăng mức tiêu thụ rượu.

Trong một nghiên cứu khác trên 691 người trưởng thành ở Anh, 17% cho biết đã uống nhiều rượu hơn sau giai đoạn giãn cách vào tháng 3/2020, trong đó tỷ lệ uống rượu cao nằm ở nhóm người từ 18 đến 34 tuổi.

Bà Tham (We Care) cho rằng xu hướng “uống do đại dịch” phát sinh do tác động của cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với sức khỏe tâm thần của con người.

Những tác động này bao gồm cảm giác bị cô lập, ranh giới mờ nhạt giữa công việc và cuộc sống cá nhân khi làm việc tại nhà cũng như nỗi bất an trong công việc, thu nhập.

Khách 'sống ảo' lâu, quán ở TP.HCM phải giới hạn thời gian mua đồ uống

Hậu giãn cách, nhiều người trẻ chấp nhận xếp hàng cả tiếng đồng hồ để có khoảng 15 phút chụp ảnh trong các quán cà phê mới nổi tại TP.HCM.

Thục Hạnh

Ảnh: CNA

Bạn có thể quan tâm