Các đội sẽ tìm giải pháp lập trình công nghệ giải quyết một trong 5 nhóm vấn đề cuộc thi đặt ra gồm: 1/Nâng cao nhận thức về các mối đe dọa đến từ việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã; 2/Giảm thiểu hành vi mua bán sản phẩm từ động vật hoang dã; 3/Phát hiện và giảm thiểu hành vi phạm tội về động vật hoang dã trên các nền tảng kỹ thuật số và phương tiện truyền thông mạng xã hội; 4/Gia tăng cơ hội cứu động vật hoang dã; 5/ Hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn tại Việt Nam. |
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Nhi (giữa), sinh viên năm 2 chuyên ngành Kỹ thuật máy tính, Đại học Bách khoa TP.HCM và nhóm bạn bàn luận các vấn đề cuộc thi đặt ra. Hiện nhóm đang cân nhắc chọn vấn đề thứ nhất để xây dựng giải pháp công nghệ. |
Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền (Đại học Khoa học Tự nhiên) cùng 5 thành viên yêu thích công nghệ lập nhóm tham dự cuộc thi. Nhóm quan tâm đến vấn đề "Phát hiện và giảm thiểu hành vi phạm tội về động vật hoang dã trên các nền tảng kỹ thuật số và phương tiện truyền thông mạng xã hội". Đây là một trong 5 nhóm chủ đề cuộc thi Zoohackathon Việt Nam 2021 dành cho các đội. |
Thu Hiền (giữa) cùng nhóm bạn sẽ tiến hành lập trình và thiết kế một website hoặc một app nhằm kết nối và chia sẻ thông tin chống lại hành vi phạm tội về động vật hoang dã nói chung, đồng thời cung cấp cách phòng chống loại tội phạm này. |
Trần Trương Bảo Trân, sinh viên năm nhất chuyên ngành Khoa học dữ liệu, Đại học Văn Lang (TP.HCM) và nhóm bạn 6 thành viên tham gia cuộc thi. Trân cho biết nhóm có sự chuẩn bị khá tốt trong những ngày qua. Dự kiến các thành viên sẽ xây dựng một website hướng đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về những mặt tiêu cực, các mối đe dọa đến từ việc tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã. |
Các đội thi có 48h để tiến hành phần thi lập trình trực tiếp (hoặc trực tuyến). Trong thời gian này, ban tổ chức cuộc thi bố trí đội ngũ cố vấn để hỗ trợ các đội giải quyết những tình huống phát sinh vượt ngoài khả năng của các bạn. Trong ảnh, ông Andy Herrmann, chuyên viên an ninh Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP. HCM (thành viên ban cố vấn), đang trao đổi với các đội thi. |
5 đội xuất sắc (gồm cụm thi TP.HCM và Hà Nội) sẽ vào thi vòng chung kết, diễn ra trong ngày 15/11. 3/5 đội chiến thắng sẽ được ban tổ chức trao giải và vinh dự tham gia cuộc thi lập trình Zoohackathon toàn cầu trong thời gian tới do Bộ Ngoại giao Mỹ bảo trợ. |
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc cuộc thi lập trình Zoohackathon Việt Nam 2021 chiều 13/11, ông Robert Greenan, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, nhấn mạnh: "Việt Nam là một quốc gia đa dạng sinh học. Điều đó có nghĩ là việc tìm kiếm những giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã là một nhiệm vụ quan trọng để đạt tới phát triển bền vững". |
Cũng theo ông Robert Greenan, sinh viên tham gia cuộc thi đang tạo ra ứng dụng thực tế, các giải pháp công nghệ thực sự hữu ích cho một thách thức to lớn và quan trọng, đó là bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. |
Được sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ, Cuộc thi lập trình Zoohackathon Việt Nam 2021 tổ chức cùng lúc tại TP.HCM và Hà Nội. Chủ đề cuộc thi là "Coding to end wildlife trafficking" (lập trình để cứu động vật hoang dã). Tổng số có 125 bạn trẻ đến từ 21 đội tham gia, trong đó TP.HCM có 10 đội với 56 người. |