Sáng 9/7, Converse thông báo về việc phát hành mẫu sneakers kết hợp cùng Fear of God với mức giá 2,8 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên nhãn hàng thay đổi cách thức mua hàng dành cho mọi người.
Câu chuyện tưởng chừng đơn giản khi người mua chỉ việc đến sớm xếp hàng để nhận số thứ tự và mọi thứ diễn ra theo đúng quy trình. Tuy nhiên, hãng gặp trục trặc với việc tổ chức, gây ra tình trạng hỗn loạn. Một bộ phận giới trẻ Việt chen lấn, xô đẩy nhau, ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Giới trẻ chen lấn, xô đẩy nhau khi xếp hàng mua giày. Ảnh: An Phạm. |
Tranh cãi việc xếp hàng mua giày hiếm
Trước loạt hình ảnh xếp hàng chen lấn mua giày ở TP.HCM, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Không ít dân mạng cho rằng mọi người có quyền làm điều mình thích. Khi trở thành dân chơi sneakers, đây còn là cách họ thể hiện niềm đam mê.
Số khác lại nhận định tuổi trẻ bây giờ quá lãng phí thời gian, tiền bạc và phản ánh văn hóa của một bộ phận giới trẻ thừa hơi để làm những chuyện vô bổ. Thậm chí, niềm đam mê này còn ảnh hưởng đến sự nhìn nhận của người xung quanh về những tín đồ có tình yêu thật sự với sneakers.
Hảo Hảo bình luận: "Mua được giày có cơ hội thành đạt như mơ ước hay mau chóng giàu có không mà khổ thế".
Tài khoản Kin nhấn mạnh: "Vô bổ, đừng ngụy biện bằng những từ như đam mê, sở thích, phong cách".
Nhiều dân mạng chỉ trích hành động của các bạn trẻ xếp hàng mua giày từ sáng sớm là thừa hơi, rảnh rỗi và thiếu văn hoá ứng xử. Ảnh: Duy Lộc Phạm. |
Zing liên hệ với một chàng trai chuyên về sneakers - An Phạm - nói về việc các bạn xếp hàng từ 4h sáng là đam mê hay chỉ chứng tỏ bản thân: "Vấn đề nằm ở tiền. Tại những quốc gia khác, vẫn có người đặt nặng vấn đề bán lại nhưng họ thật sự có niềm đam mê nhất định với sneakers. Việc mua một đôi giày giá 2,8 triệu đồng bán lại 4 triệu đồng, tiền lãi khoảng 1,2 triệu đồng là không nhỏ so với thu nhập trung bình của người Việt. Tuy nhiên, cũng còn tùy vào quan điểm của từng người".
"Còn với những người biết mình đam mê giày, họ sẽ dành nhiều thời gian hơn để kiếm tiền, từ đó mới nuôi được đam mê. Phần lớn người tôi quen đều như thế", anh chia sẻ thêm.
Trước những nhận xét từ cộng đồng mạng, cậu bạn Nguyễn Thành Tài cho hay: "Chúng mình cảm thấy không vấn đề gì, không cần thay đổi vì bất cứ ai".
Việc sở hữu dòng giày hiếm là ước mơ của các bạn trẻ đam mê sneakers. Ảnh: Phạm Thế Hiển. |
Văn hoá xếp hàng mua giày có đáng bị lên án?
Xếp hàng mua những đôi giày với số lượng giới hạn ở nước ngoài đã có từ lâu, riêng Việt Nam chỉ thịnh hành vài năm gần đây. Các mẫu giày thường được biết đến với độ nổi tiếng, mức giá khá cao, kể cả giá gốc hay nhượng lại cho người khác.
Mỗi khi ra mắt một sản phẩm mới, các bạn trẻ luôn tụ họp lại địa điểm tập trung cố định trước cửa hàng. Nếu so sánh nước ngoài và Việt Nam, ở đâu họ cũng biết cách camp giày phù hợp với yêu cầu đặt ra của hãng. Đa số là những người sưu tầm về giày, dành thời gian xếp hàng mua món đồ có số lượng giới hạn với giá gốc trước khi được rao bán lại gấp nhiều lần.
Câu chuyện này khiến chúng ta liên tưởng đến trường hợp nhiều bạn trẻ TP.HCM từng bị dân mạng lên án gay gắt khi ăn ngủ 10 ngày ngoài đường chỉ để sở hữu dòng giày mình yêu thích. Ở thời điểm đó, không ít tín đồ thời trang cho rằng đây là công việc kiếm ra tiền. Việc bạn dành thời gian và công sức nhiều ngày liền "đóng cọc" trước cửa hàng, lợi nhuận nhận được là hoàn toàn xứng đáng.
Hãy là người có sự văn minh trong việc thể hiện niềm đam mê của chính mình. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Dù có nhiều chỉ trích hay phán xét cho rằng các bạn trẻ này đều rảnh rỗi, không biết quý trọng thời gian thì về phía tín đồ sneakers, họ cảm thấy đa số người bình luận chê bai, trách móc đều không hiểu biết gì về giày và niềm đam mê giày.
Đối với tín đồ thời trang, việc sở hữu bất cứ dòng giày hiếm nào đều có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là người có sở thích sưu tập giày hiệu. Đó không chỉ là niềm đam mê nhất thời, hay kiếm thêm thu nhập mà còn là nền văn hoá khá lâu đời mà dân sneakers gọi bằng cái tên thân thương là camp giày.
Hơn nữa, việc xếp hàng nhiều giờ liền chỉ chờ săn giày hay bỏ 3 triệu đồng ra mua sắm hoàn toàn không sai và bản thân họ cảm thấy xứng đáng để làm điều đó. Tuy nhiên, trong câu chuyện này cũng có một phần lỗi khi việc chen lấn, xô đẩy nhau bất chấp quy định chỉ để thoả mãn mục đích sẽ làm người khác có sự đánh giá hay cái nhìn tiêu cực về cả cộng đồng.
Niềm đam mê cần có sự chừng mực và không ai chê trách, chỉ trích nếu như bạn biết trân trọng cảm xúc của những người xung quanh. Nên đặt để tình yêu một cách đúng chỗ, cho dù có làm bất cứ điều gì.
Việc dân mạng lên án một bộ phận giới trẻ không phải từ niềm đam mê một thứ gì đó, mà đến từ cách họ thể hiện ra bên ngoài hình ảnh người có văn hoá ứng xử hay không.