Một số giá trị truyền thống nghìn năm tuổi ở Trung Quốc, cụ thể là đạo hiếu trong Nho giáo, đang dần trở nên lỗi thời, SCMP đưa tin.
Tuy nhiên, thay vì bị loại bỏ hoàn toàn khỏi xã hội, chúng được chuyển biến sao cho thích nghi với cuộc sống hiện đại, theo phát hiện của các nhà nghiên cứu.
Một giờ học ngoại khóa về lòng hiếu thảo của các học sinh tiểu học Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Không cần lớp trẻ chu cấp tài chính
Với tốc độ hiện đại hóa và đô thị hóa dân số hiện nay của xứ tỷ dân, một số giá trị cốt lõi nhất định của lòng hiếu thảo ngày càng trở nên không phù hợp với cách sống của nhiều gia đình Trung Quốc, trong đó có việc kỳ vọng lớp trẻ chăm lo cho cha mẹ, ông bà, nhất là mặt tài chính.
Hiện đất nước này đã giàu có hơn nhiều so với nửa thế kỷ trước, đồng nghĩa với chuyện người cao niên thường có đủ khả năng để tự chăm sóc bản thân. Họ không còn mong đợi con cái trở thành người chăm sóc chính cho mình.
“Nhóm người cao tuổi ở thành thị Trung Quốc có lương hưu và mạng lưới hỗ trợ riêng của họ. Họ không mong con cái chu cấp về mặt vật chất. Cuộc sống của họ khác hơn nhiều so với những thế hệ cha ông trước đó”, Giáo sư Wang Fengyan, đến từ Viện Giáo dục Tâm lý học thuộc ĐH Sư phạm Nam Kinh, nói với SCMP.
Thay vào đó, người già có xu hướng nhìn nhận giá trị lòng hiếu thảo thông qua nỗ lực của con cái, cháu chắt dành thời gian cho họ, ông nói thêm.
Thế hệ người già hiện đại không mong con cái đáp ứng vật chất, mà đề cao tình cảm gắn bó gia đình hơn. Ảnh: CGTN. |
Ngoài ra, người cao tuổi hiện đại thường cô đơn và “khao khát được ở bên gia đình” nhiều hơn.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng “ngày càng nhiều người không còn mong sau này con cái chăm sóc mình, mà thường hy họ vọng được quan tâm về mặt tình cảm”.
Điều này có thể liên quan đến việc xu hướng độc lập kinh tế và sự chấp nhận của xã hội Trung Quốc với mô hình viện dưỡng lão.
Sinh con thể hiện lòng hiếu thảo
Theo một nghiên cứu của Emma Buchtel, phó giáo sư khoa tâm lý nghiên cứu về đạo hiếu tại ĐH Giáo dục Hong Kong, và các đồng nghiệp, khi hỏi 195 sinh viên Hong Kong (Trung Quốc) và 208 sinh viên Trung Quốc về cách họ định nghĩa một người “có tư cách đạo đức cao”, từ khóa “hiếu thảo” luôn được nhắc đến.
Cụ thể, đối với nhóm sinh viên Hong Kong, “lòng hiếu thảo” đứng thứ 10 trên tổng số 114 câu trả lời. Còn với nhóm Trung Quốc, thuật ngữ này xếp ở vị trí thứ 6.
“Theo những gì tôi nghe được từ phía sinh viên, khi bàn về đạo hiếu, các em nhấn mạnh tới việc yêu thương, tôn trọng cha mẹ mình, nhưng điều đó phải đến từ cả hai phía. Nếu chỉ nhất nhất tuân theo lời phụ huynh, đó lại là ‘lòng hiếu thảo dại dột’”, bà cho biết.
Đạo hiếu vẫn được giới trẻ Trung Quốc coi trọng. Tuy nhiên, giữa các thế hệ vẫn tồn tại xung đột phức tạp do sự khác nhau về quan điểm hôn nhân và sinh con đẻ cái. Đó cũng là nguồn cơn căng thẳng lớn nhất của đạo hiếu thời hiện đại.
Thế hệ ông bà Trung Quốc vẫn mong con cái sinh cháu và sẵn sàng chăm nom hộ. Ảnh: Xinhua. |
Xu Jing, nhà nhân chủng học tại ĐH Washington (Mỹ), cho biết người lớn tuổi xứ tỷ dân vẫn mong con cái lập gia đình và sinh cháu.
Các ông bà Trung Quốc “rất thương yêu thế hệ con cái, cháu chắt”, thường hy sinh nhiều nguồn lực, thời gian và công sức để chăm sóc chúng.
“Và họ rất vui khi chăm sóc con cháu, cho rằng điều đó rất ý nghĩa”, bà nói thêm.
Tuy nhiên hiện nay, lớp trẻ có thể thể chưa tìm được người phù hợp để kết hôn, hoặc từ bỏ hẳn ý định lập gia đình. Thực trạng đó tạo ra những kỳ vọng khác nhau.
Các bà mẹ Trung Quốc chỉ sinh 12 triệu em bé mới vào năm 2020. Đây là con số thấp nhất kể từ nạn đói lớn của xứ tỷ dân cách đây gần 50 năm.
Thực trạng này mâu thuẫn trực tiếp với một trong những bổn phận quan trọng nhất của đạo hiếu truyền thống: sinh con đẻ cái.
“Theo đó, giữa hai thế hệ tồn tại nhiều phức tạp và căng thẳng”, nhà nhân chủng học cho biết.
Nhiều người trẻ Trung Quốc chưa sẵn sàng có con. Ảnh: New York Times. |
Theo Xu, cuộc xung đột quan điểm trực tiếp tạo ra tình thế khó xử cho người trẻ. Họ vừa muốn làm gia đình hạnh phúc, vừa vật lộn với thực tế rằng họ chưa sẵn sàng có con, có thể về mặt tài chính, tình cảm hoặc áp lực công việc.
“Theo tôi nghĩ, nhìn chung, đây sẽ là một cuộc đấu tranh về mặt đạo đức của nhiều bạn trẻ bởi họ thực sự muốn làm cho cha mẹ mình hạnh phúc, xuất phát từ tình cảm gia đình và lòng biết ơn đơn thuần. Sự xung đột sẽ không biểu hiện hàng ngày, nhưng nó có thể hằn sâu vào đời sống”, nhà nhân chủng học nói.