Luật pháp Trung Quốc hiện hành quy định độ tuổi kết hôn hợp pháp là từ 22 đối với nam và tối thiểu 20 đối với nữ.
Tuần trước, một số thành viên của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đề xuất giảm ngưỡng tuổi xuống còn 18, theo hãng thông tấn Xinhua.
Đây được xem là nỗ lực của các nhà lập pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng dân số sắp bùng nổ ở đất nước tỷ dân.
Ông Zhang Sujun - thành viên trong nhóm Ủy viên Ủy ban Thường vụ đề xuất sự thay đổi trên - nói rằng chủ trương mới sẽ không làm giảm số lượng người kết hôn.
Ông cho rằng đề xuất này, cùng với một số chính sách hiện hành, có thể giải quyết vấn đề dân số già của Trung Quốc trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm.
“Đây là hướng đi đúng đắn. Chủ trương này cùng các chính sách giảm chi phí nuôi con và khuyến khích sinh đẻ có thể dần giải quyết vấn đề dân số”, ông Zhang nói với Legal Daily.
Đề xuất giảm độ tuổi kết hôn hợp pháp xuống còn 18 hiện gây tranh cãi tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Đề xuất hạ độ tuổi tối thiểu để kết hôn hợp pháp đang vấp phải làn sóng tranh cãi và chế giễu từ dư luận, đặc biệt là giới trẻ ở đất nước tỷ dân.
Phần lớn cư dân mạng xã hội Weibo (Trung Quốc) hiện "ném đá" chủ trương này vì cho rằng "phi thực tế".
“Trường học cấm học sinh yêu đương nhưng giờ pháp luật cho phép mọi người kết hôn năm 18 tuổi. Thử hỏi vấn đề này có hợp lý hay không?”, một dân mạng đặt câu hỏi.
Một số ý kiến khác cho rằng "18 tuổi kiếm sống còn chẳng xong nữa là kết hôn rồi nuôi con", “tỷ lệ ly hôn sẽ cao hơn khi người ta lập gia đình ở độ tuổi chưa đủ chín chắn”, "chúng tôi không kết hôn đâu phải vì quy định về độ tuổi hợp pháp” hay "nếu lắm tiền như các vị chúng tôi đã kết hôn rồi".
Nhiều người trẻ Trung Quốc có tâm lý ngại kết hôn sớm. Ảnh: SCMP. |
Hoàn thành kỳ thi tuyển sinh đại học vào tháng 6 vừa qua, Xu Nuo (18 tuổi, đến từ tỉnh Hồ Bắc) đang nộp đơn xin vào các trường.
Nữ sinh cho rằng những người ở độ tuổi như mình còn quá trẻ để kết hôn.
“Tại Trung Quốc, hầu hết người 18 tuổi không kiếm được dù chỉ một xu. Bởi vậy, thật bất hợp lý khi xây dựng gia đình riêng bằng tiền ăn bám bố mẹ", Xu nói.
Ông Yi Fuxian - chuyên gia về chính sách Trung Quốc, nhà nghiên cứu tại ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ) - cho biết phản ứng như vậy là dễ hiểu.
“Người Trung Quốc đã quá quen với việc sinh một con và kết hôn muộn. Bởi vậy, mọi người đang coi tình trạng bất thường đó là bình thường", ông Fuxian nói.
Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Huang Xihua đưa ra một đề xuất tương tự vào năm 2012. Tuy nhiên, ý tưởng này không được ủng hộ.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thay đổi chính sách nhân khẩu học để khuyến khích mọi người sinh thêm con. Điển hình là vào năm 2015, Bắc Kinh đã bãi bỏ chính sách một con kéo dài nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, nỗ lực này là chưa đủ để thúc đẩy số lượng trẻ em được sinh ra.
Một số ủy viên Ủy ban Thường vụ cũng đề nghị kéo dài thời gian hòa giải ly hôn từ 30 ngày lên 60, thậm chí là 90 ngày. Trong trường hợp đổi ý, các cặp vợ chồng có thể rút đơn xin ly hôn bất cứ lúc nào.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ sinh ở nước này giảm từ 1,2% vào năm 2015 (với 16,6 triệu trẻ chào đời) xuống còn 1,1% vào năm 2018 (với 15,2 triệu trẻ được sinh ra).