Giọng hát Việt nhí đã phát sóng 2 tập đầu tiên. Hiệu ứng của chương trình không bằng mùa giải trước nhưng phản ứng khán giả dành cho Giọng hát Việt nhí tích cực. Hầu hết thí sinh trong 2 tập đầu tiên sử dụng rap nhưng phản ứng của khán giả với chương trình khác hẳn Rap Kids Vietnam.
Cuộc tranh cãi bùng nổ trên mạng xã hội
Giọng hát Việt nhí cũng từng gây tranh cãi. Cuối năm 2020, ê-kíp sản xuất tung poster với dòng chữ King of Rap Kids. Tấm poster được tung ra giữa thời điểm rap bùng nổ ở thị trường âm nhạc Việt nhờ thành công của 2 chương King of Rap và Rap Việt. Tuy nhiên, trước câu hỏi có nên sản xuất cuộc thi rap cho trẻ em, hầu hết người trong nghề và khán giả trả lời "Không".
Rap thường viết về cuộc sống với góc nhìn khá tăm tối, gai góc. Đặc trưng của rap là rapper tự sáng tác như một cách bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, góc nhìn riêng. Bởi thế, rap được cho là không phù hợp với trẻ nhỏ. Dư luận tranh cãi và phản đối kịch liệt khi hay biết ê-kíp thực hiện King of Rap dự định sản xuất phiên bản cho đối tượng nhí.
Giọng hát Việt nhí đã lên sóng với 3 cặp huấn luyện viên. Ảnh: Giọng hát Việt nhí. |
“Trẻ con không đủ hiểu biết cũng như trải nghiệm làm nhạc rap. Đừng đem trẻ con vào trò chơi của người lớn, cũng đừng thấy rap đang là xu hướng mà bán rẻ tinh thần của nó", một khán giả bày tỏ.
Khi đó, phản hồi Zing, đại diện truyền thông của King of Rap Kids cho biết đã tiếp thu phản hồi của khán giả và ê-kíp sẽ thực hiện chương trình theo hướng phù hợp. Sau đó, đơn vị sản xuất chương trình đổi tên thành Giọng hát Việt nhí New Generation. Khởi động với tinh thần new gen (tạm dịch: thế hệ mới) và new talents (tài năng mới), chương trình năm nay không giới hạn dòng nhạc mà mở rộng tuyển sinh với cả thể loại rap, hip hop…
Ê-kíp sản xuất khéo léo ‘né tránh’ tranh cãi
Ở Giọng hát Việt nhí 2021, rap không phải yếu tố bắt buộc mà chỉ như “gia vị” làm hấp dẫn thêm tiết mục của các thí sinh. Về bản chất, Giọng hát Việt nhí vẫn là cuộc thi hát dành cho trẻ em, chứ không phải một cuộc thi rap.
Ví dụ với trường hợp thí sinh Thùy Trang ở tập 2 lên sóng tối 10/1. Thùy Trang với ca khúc Sáng chủ nhật và điều không nên khiến Vũ Cát Tường, BigDaddy bấm chọn ngay khi bé cất giọng hát. Đây là thí sinh hiếm hoi không rap ở phần thi. Thí sinh người Nghệ An được cả 3 đội huấn luyện viên bấm chọn nhờ giọng hát đặc biệt, dày, nội lực, cách luyến láy, nhấn nhá ấn tượng và chuyên nghiệp.
Thùy Trang hiện được đánh giá là ứng cử viên mạnh nhất cho ngôi vị quán quân. Ảnh: Giọng hát Việt nhí. |
Việc cặp huấn luyện Hồ Hoài Anh, Lưu Hương Giang không có ai là rapper cũng phần nào chứng tỏ rap chỉ là thứ yếu chứ không phải điều kiện tiên quyết ở Giọng hát Việt nhí.
Ở cương vị huấn luyện viên, BigDaddy cho biết rap không phải yếu tố hàng đầu để anh lựa chọn thí sinh.
“Nếu các bé có rap trong phần thi thì tốt, dù sao tôi cũng là rapper. Nhưng không có cũng không sao. Quan trọng, các bé phải thích mới sử dụng rap trong phần thi được”, rapper cho biết.
“Trong buổi ghi hình cho 2 tập đầu tiên, các bé rap một đoạn hoặc nhiều phần trong tiết mục dự thi. Đây là tín hiệu tích cực cho hip hop. Một cuộc thi dành cho trẻ em không phải vấn đề quá hà khắc nếu các bé dùng những nội dung phù hợp với độ tuổi”, anh bày tỏ.
Hưng Cao (MC Ill) từng chỉ trích kịch liệt việc tổ chức cuộc thi rap cho trẻ em khi phóng viên Zing trao đổi về những tranh cãi xoay quanh Rap Kids. Anh từng nhấn mạnh: “Theo tôi, rap không dành cho trẻ em. Đa phần rapper nổi tiếng thế giới hiện nay đều tôn sùng sự hung đồ và lối sống hưởng thụ. Vì vậy, tạm gọi là bao giờ có cái ‘rap đức’, học về đạo đức trong nhạc rap, giống như võ đức, sau đó mới nên phổ cập rap rộng rãi, nhất là với đối tượng trẻ em”.
Hiện tại, anh làm huấn luyện viên, cùng đội Vũ Cát Tường trong chương trình Giọng hát Việt nhí New Generation. Chia sẻ lý do ngồi ghế nóng, Hưng Cao cho biết: “Tôi được mời đến hỗ trợ các cháu nhỏ về mảng rap, định hướng các cháu đi đúng đường, không tiếp thu những ảnh hưởng không phù hợp với lứa tuổi”.
Thông tin phần thi minh bạch
Ngược với Giọng hát Việt nhí, chương trình rap dành cho trẻ em lên sóng cùng thời điểm là Rap Kids Vietnam lại dùng rap làm cốt lõi. Nhiều thí sinh trên dưới 10 tuổi ở Rap Kids Vietnam thử sức với rap nhưng kỹ năng hạn chế, mắc nhiều lỗi. Chất lượng thí sinh, phần trình diễn của Rap Kids Vietnam không làm hài lòng khán giả.
Đặc biệt, lý do khiến Rap Kids Vietnam gây tranh cãi nhất là phần ca từ của thí sinh. Chương trình khẳng định thí sinh tự viết lời, kể cả những cô, cậu bé mới 5-6 tuổi. Công chúng cho rằng với độ tuổi đó, thí sinh không thể tự viết lời.
Ngay tập đầu tiên, Nói dối như cuội của cậu bé Tuấn Phong đã bị chỉ trích vì ca từ được cho là không phù hợp với một thí sinh 5 tuổi. Trong bài có câu: "Không cha, không mẹ, không làm, ham chơi. Lừa ông quan huyện ra trước cửa, thế là có tiền để vui thôi", "Về đến nhà lừa chú thím, đi ra đường lừa anh em", "Nhưng mà gian dối thì có chừa được đâu, thế là Cuội nghĩ thêm trò để troll"... Đại diện chương trình khẳng định với Zing Tuấn Phong tự viết lời cho phần thi.
Ngoài Trang Anh, các thí sinh Giọng hát Việt nhí thể hiện ca khúc do nhạc sĩ, rapper khác sáng tác. Ảnh: Giọng hát Việt nhí. |
Với Giọng hát Việt nhí, ban tổ chức công khai minh bạch thông tin người sáng tác cũng như viết lời rap ngay đầu tiết mục dự thi của thí sinh. Hầu hết phần thi nếu có rap đều được các rapper lâu năm, chẳng hạn ICD, RichChoi… viết lời sau đó qua vòng kiểm duyệt của giám đốc âm nhạc Lưu Thiên Hương.
Đồng Hiền Trang Anh là thí sinh hiếm hoi tự sáng tác. Ca khúc Bài ca hóa học do cô bé chấp bút có ngôn từ phù hợp với lứa tuổi và việc phát sóng trên truyền hình quốc gia.
Trả lời Zing về việc thí sinh thể hiện ca khúc do người khác sáng tác liệu có làm mất bản chất của rap, BigDaddy cho biết ghostwriter - người viết ma (PV: Những người được thuê viết) là chuyện rất phổ biến trong thị trường âm nhạc thế giới.