Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giữa bốn bức tường, ai làm chứng chuyện bức cung?

Khi bị cáo tố điều tra viên dùng nhục hình, bức cung thì sẽ bị phản bác với câu hỏi: “Bằng chứng đâu?”. Giữa bốn bức tường chỉ có bị can và cán bộ thì lấy đâu ra người làm chứng.

1. Trong tuần qua, thời sự gây chú ý nhất trong lĩnh vực tư pháp là việc TAND tỉnh Bình Thuận thương lượng với gia đình “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén về số tiền bồi thường oan.

Sau ba lần thương lượng, tòa này đã đưa ra con số 9,8 tỷ đồng cho nhiều khoản bồi thường.

Nếu ông Nén và gia đình chấp nhận thì đây là số tiền bồi thường oan lớn thứ nhì mà Nhà nước phải chi trả cho người bị oan. (Lớn nhất là 23 tỷ đồng do TAND tỉnh Thái Bình bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi, lớn thứ ba là 7,2 tỷ đồng do TAND Cấp cao tại Hà Nội chi trả cho ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang).

ai lam chung chuyen buc cung anh 1
Ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) - người chịu án oan suốt 17 năm. Ảnh: Ngọc An.

Làm oan thì phải bồi thường, luật đã quy định như vậy. Nhưng bài học đắt giá nào được rút ra cho các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng để giảm thiểu án oan mới là điều quan trọng.

Quốc hội khóa XIII sau khi giám sát đã có hẳn một nghị quyết về chuyên đề này. Mới đây nhất, Thủ tướng cũng ký ban hành chương trình để thực hiện nghị quyết này của Quốc hội. Rất nhiều giải pháp được đặt ra, tổng thể có, cụ thể có. Trong đó có việc chống bức cung, nhục hình.

2. Có một điều dễ nhận ra, đa phần những vụ án oan đều ít nhiều dính đến bức cung, nhục hình. Từ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang đến vụ ông Nén ở Bình Thuận hay vụ bảy thanh niên ở Sóc Trăng đều thế.

Thực tiễn cho thấy chuyện bức cung, nhục hình chỉ được thừa nhận sau khi cơ quan tố tụng đã minh định những người này bị oan rõ ràng. Còn trước đó tại tòa, khi bị cáo tố bị bức cung, dùng nhục hình thì sẽ bị phản bác bằng câu hỏi “bằng chứng đâu”. Trời ạ, giữa bốn bức tường chỉ có điều tra viên và bị can thì lấy đâu ra người làm chứng!

Ngay cả khi lấy cung có luật sư chứng kiến thì cũng… chưa chắc, bởi có thể chuyện bức cung, nhục hình đã xảy ra khi “làm nháp”, còn khi “làm thật” có luật sư dự cung thì mọi chuyện diễn ra suôn sẻ (?!).

Hồi mới bàn dự án BLTTHS 2015, nhiều người nghĩ đơn giản quyền im lặng giống trong phim Mỹ. Đại ý khi bị bắt, điều tra viên sẽ nói: “anh/chị, ông/bà có quyền im lặng cho đến khi có luật sư”. Trên cơ sở này, người dân nói vui: “Im lặng có mà… chết à!”.

Quyền im lặng được BLTTHS 2015 (đang tạm lùi hiệu lực thi hành) ghi nhận cơ bản trong bốn điều luật. Theo đó, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Đây là quy định tiến bộ góp phần chống oan, sai. Ấy thế người dân vẫn lo khi ra tòa thì không sao, còn lúc bị tạm giam thì liệu người bị bắt, bị tạm giữ hay bị can có dám khai trái ý điều tra viên.

Nỗi lo này không phải là không có cơ sở, bởi đã có không ít trường hợp bị can/bị cáo vì áp lực nào đó đã nhận tội bừa dù họ không có tội, để rồi khi ra tòa lời khai đó đã “chống lại chính họ”, tức bị tòa kết án.

3. Có cách nào để chống oan, sai mà còn vô hiệu hóa việc bức cung, dùng nhục hình không? Câu trả lời nằm ở bản lĩnh của VKS và tòa án.

Nếu chứng cứ kết tội có nhiều mâu thuẫn, đã yêu cầu điều tra bổ sung mà không đạt thì VKS kiên quyết không truy tố. Khi viện đã truy tố thì tòa phải kiên quyết tuyên vô tội nếu đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mà vẫn không đáp ứng.

Bởi cho dù ở giai đoạn điều tra bị can có nhận tội nhưng lời nhận tội ấy không phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án thì tòa mạnh dạn áp dụng “bửu bối” khoản 2 Điều 72 BLTTHS để phán quyết.

Một ví dụ điển hình về lời nhận tội của bị can/bị cáo trong vụ án “Chiếc áo đỏ oan nghiệt” mà Pháp luật TP HCM đã phản ánh gần đây. Khi ra tòa, đại diện cơ quan buộc tội lập luận (đại ý): Bị cáo nhận tội ở giai đoạn điều tra, bị cáo đã gọi điện thoại về gia đình thừa nhận có hành vi phạm tội, có băng ghi âm, ghi hình việc gọi điện thoại này.

Ơ hay, trong trại tạm giam mà bị can được thoải mái gọi điện thoại về nhà, cuộc gọi ấy lại còn được ghi âm, ghi hình. Thế thì nó là sản phẩm của bàn tay “đạo diễn” chứ còn gì nữa! Trước “biện pháp nghiệp vụ” hồn nhiên và non kém này, cuối cùng tòa đã trả hồ sơ, sau đó VKS đình chỉ, xác định ba thanh niên bị oan.

Có thể nói quyết định đình chỉ của VKS trong vụ này là thông điệp mạnh mẽ để chống ép cung, bức cung và dùng nhục hình.

Ông Nén có thể sẽ khởi kiện yêu cầu bồi thường 18 tỷ

Sau 3 lần thương lượng nhưng 2 bên không chốt được phương án bồi thường, ông Nén cho biết có thể sẽ phải khởi kiện ra tòa dân sự để đòi lại quyền lợi.


http://plo.vn/phap-luat/giua-bon-buc-tuong-ai-lam-chung-chuyen-buc-cung-650547.html

Theo Ngô Thái Bình/Pháp luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm