Zing.vn trích dịch bài viết từ South China Morning Post đề cập đến vấn đề tin giả xoay quanh dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây nên đang ngày càng khó kiểm soát ở Malaysia và một số nước lân cận.
Virus corona đã truyền bệnh tới hơn 14.000 người ở 22 quốc gia. Đầu mối chính lây bệnh được cho là chủ yếu tới từ đất nước tỷ dân. Những khách du lịch Trung Quốc đã di chuyển và lan căn bệnh này ra toàn cầu.
Cũng trong những ngày qua, Internet xuất hiện vô số tin tức giả mạo và thông tin sai lệch về chủng virus này. Dân mạng liên tục truyền tai nhau về những quả cam, những chiếc điện thoại Xiaomi “bị nhiễm bệnh” do xuất xứ từ Trung Quốc, cho đến những báo cáo khống về ca tử vong, dương tính với đại dịch này.
Hầu hết quốc gia đang đồng loạt tiến hành sàng lọc du khách nhập cảnh chặt chẽ hơn. Ảnh: The Star Online. |
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia, ông Dzulkefly Ahmad, đã cảnh báo công chúng rằng sự lan truyền của tin tức giả mạo đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với vấn đề về dịch cúm.
“Để ngăn chặn sự tràn lan của thông tin giả, chúng tôi sẽ cập nhật tin tức hàng ngày và hy vọng công chúng sẽ tìm đến các nguồn tin tức đáng tin cậy thay vì tin vào những gì lan truyền trên mạng xã hội”, ông Ahmad nói.
Bùng nổ thông tin xuyên tạc
Malaysia và Singapore đều đã áp dụng hình phạt đối với những người truyền bá tin giả. Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore cảnh báo rằng chính phủ sẽ sử dụng tất cả các công cụ cần thiết để cung cấp thông tin chính xác cho công chúng, cũng như đối phó với tin giả gây hoang mang và nhầm lẫn trong dư luận.
Trong tuần trước, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 6 người vì phát tán tin giả. Trong khi đó, chính phủ Singapore viện dẫn Đạo luật Bảo vệ và Thao tác trực tuyến (Pofma) để kiểm soát việc lan truyền thông tin giả có liên quan đến virus corona.
Cận cảnh virus corona qua kính hiển vi. Ảnh: SCMP. |
Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, những tin đồn còn dấy lên vấn đề phân biệt chủng tộc.
Tại Indonesia, một thông điệp từ WhatsApp đã tuyên bố rằng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất có thể mang và truyền virus. Ngay sau đó, các quan chức y tế hàng đầu đã phải lên tiếng đảm bảo với công chúng rằng mua những sản phẩm từ Trung Quốc sẽ không lây bệnh.
Trong khi đó, mạng xã hội Malaysia xuất hiện nhiều cáo buộc người Trung Quốc gây ra virus chết người thông qua việc ăn thịt dơi hay những loại động vật mang độc tố khác.
Helmy Haja Mydin, một bác sĩ điều trị hô hấp tại Kuala Lumpur cho rằng với tốc độ phát triển của mạng xã hội, việc gửi thông tin đi một cách quá dễ dàng khiến tin giả lan rộng, gây lo lắng, khó kiểm soát.
Chính phủ đau đầu đối phó với tin giả
Zurairi AR, một biên tập viên tin tức tại Malay Mail, nói rằng việc lan truyền tin giả ở Malaysia trầm trọng vì không có cách xác minh sự thật.
“Thay vì nhắm vào những người bình luận trên mạng, chính phủ nên ưu tiên sự minh bạch và cởi mở trong phản ứng trước cuộc khủng hoảng toàn cầu này”, Nalini Elumalai, nhân viên Chương trình Malaysia, nói.
Luật sư hiến pháp Lim Wei Jiet cho biết Luật chống tin giả, theo Đạo luật Truyền thông và Đa phương tiện của Malaysia, vẫn còn quá cởi mở, dễ lạm dụng.
“Chính phủ đáng ra nên hình sự hóa việc lan truyền các tuyên bố có nguy cơ gây ra hoang mang dư luận và hận thù chủng tộc”, ông Lim nói thêm.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ủng hộ áp dụng Đạo luật Pofma để đối phó với nạn tin giả. Ảnh: SCMP. |
Hôm thứ Sáu vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết ông rất vui khi có Đạo luật Pofma.
“Đây là một điểm khác biệt giữa dịch bệnh lần này và dịch SARS năm 2003. Trong thời gian dịch SARS bùng phát, chúng ta không có phương tiện truyền thông xã hội”, ông nói.
“Một số tin đồn được truyền đi, bị bóp méo sai sự thật. Bạn không chắc chắn nhưng bạn cảm thấy nó rất đáng sợ. Và rồi bạn nói với gia đình và bạn bè của mình, cả với những người xung quanh. Tôi cũng biết một số người truyền tin giả có chủ ý. Vì vậy, chúng tôi đã hành động kịp thời, chống lại những người đang bịa chuyện, những người cố tình gây hoang mang trong công chúng bằng cách sử dụng Đạo luật Pofma”, Thủ tướng Singapore cho biết.
Nhiệm vụ cấp bách không kém việc dẹp dịch bệnh
Terence Fernandez, chuyên gia quản lý danh tiếng tại Kuala Lumpur, cho biết chính phủ nên tự hỏi liệu những gì họ đang làm có đủ để công khai thông tin chính xác và làm dịu lo ngại của công chúng hay không.
Ông Fernandez cũng cho rằng chính phủ Malaysia đã làm mất đi niềm tin của người Hồi giáo do xử lý kém các cuộc khủng hoảng trước đó, bao gồm việc chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích, coi chuyện phân loại chỉ số ô nhiễm không khí là bí mật nhà nước và phát hiện muộn các loại virus từng có trước đây như SARS, Nipah.
Điều này không mang lại cho công chúng niềm tin rằng chính phủ đang nói cho họ sự thật, và do đó họ có xu hướng tìm kiếm và tin vào các nguồn thông tin thay thế, bao gồm cả những nguồn không chính thống.
Với thông tin sai lệch được khuếch đại bởi tính phổ biến của truyền thông xã hội, một số đại gia công nghệ đã đưa ra các sáng kiến để chống lại tin tức giả mạo trong những ngày gần đây.
Google đã đưa ra “Cảnh báo SOS” hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới để làm cho các nguồn tài nguyên về virus corona trở nên dễ dàng truy cập hơn đối với những người bị ảnh hưởng hoặc muốn tìm hiểu thêm về dịch.
Facebook cũng cho biết họ sẽ bắt đầu loại bỏ các “thuyết âm mưu” trên mạng về virus, đặc biệt là các thông tin có thể gây hại, cũng như chặn các hashtag liên quan.
Trong khi đó, một chương trình hợp tác được điều phối bởi Mạng Xác thực Quốc tế đã chỉ ra có hơn 48 tổ chức xác thực thông tin từ 30 quốc gia đang làm việc để sửa chữa và giải quyết thông tin sai lệch về virus.
Người dân Malaysia có xu hướng tìm kiếm và tin vào các nguồn thông tin thay thế vì không tin vào chính phủ. Ảnh: SCMP. |
“Tôi đã chán ngấy với những điều vớ vẩn mà tôi thấy và cũng không muốn bệnh nhân của mình theo dõi những thứ sai trái. Một trong những tin nhảm nhí nhất mà tôi từng đọc được là ăn món Súp cay Nam Ấn có thể chữa được bệnh do virus corona gây ra”, bác sĩ Helmy chia sẻ.
Ông cho biết thêm, nhiều người tin vào việc uống thuốc tẩy sẽ tiêu diệt virus nhưng họ không biết rằng tác dụng phụ là nó sẽ giết chết rất nhiều tế bào tốt. Vì thế, đó là một phương pháp đối phó ngu ngốc.
Harris Zainul, một nhà phân tích từ Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia, cho rằng chính phủ các nước có thể ngăn chặn những người tạo ra trò lừa bịp trên mạng bằng cách điều tra tất cả các trường hợp thông tin sai lệch.