Đúng một ngày trước khi khởi quay, đoàn làm phim Cậu Vàng tổ chức buổi họp báo tại chính trường quay ở tỉnh Ninh Bình. Tại đây, lần lượt các gương mặt tham gia dự án đều đã được tiết lộ, như Viết Liên trong vai lão Hạc, NSƯT Hữu Châu trong vai Bá Kiến, NSƯT Chiều Xuân trong vai bà cả nhà Bá Kiến…
Tuy nhiên, Cậu Vàng trước đó lại gây xôn xao dư luận bởi chuyện ê-kíp tính chọn một chú chó thuộc giống Shiba của Nhật Bản vào vai cún cưng của lão Hạc.
Luồng dư luận trái chiều cho rằng những chú chó ta hoàn toàn đủ thông minh để diễn xuất, và mới là đối tượng phù hợp cho dự án điện ảnh lấy bối cảnh trước năm 1945 của bộ phim.
“Chó Tây, chó ta không quan trọng bằng việc đóng được”
“Tôi mừng lắm”, bà Nguyễn Kim Mùi - vợ của cố NSND Bùi Cường - phát biểu. Kịch bản bộ phim vốn được chồng bà ấp ủ suốt 10 năm trời mới hoàn tất. Nhưng cơn bạo bệnh đã khiến người nghệ sĩ nhân dân mãi mãi ra đi khi Cậu Vàng còn chưa bấm máy.
Song, trước khi lâm chung, NSND Bùi Cường còn chia sẻ với vợ mình rằng gia đình rốt cuộc cũng tìm thấy người kế nghiệp trên con đường nghệ thuật. Đó là cậu con rể Trần Vũ Thủy, và anh nay tiếp quản dự án Cậu Vàng từ bố vợ.
“Tôi đã đọc kịch bản của chồng mình, nó mang mô-típ hơi cổ. Khi con rể tôi nhận lại dự án, tất cả có ngồi lại bàn bạc và nhận thấy rằng cần phải làm mới phần nội dung, nếu không thành phẩm sẽ lặp lại phiên bản điện ảnh trong quá khứ. Từ đây, một kịch bản phóng tác đã ra đời. Tuy nhiên, nó vẫn giữ được những điều cốt yếu mà chồng tôi muốn truyền tải”, bà Mùi nói.
Bà Nguyễn Kim Mùi (bìa phải) bên cạnh đạo diễn là con rể Trần Vũ Thủy và đại diện nhà đầu tư của Cậu Vàng. |
Trước cơn bão dư luận về việc chọn chó thuần chủng Nhật vào phim Cậu Vàng, bà Nguyễn Kim Mùi giữ quan điểm tôn trọng quyết định của con rể và đoàn làm phim.
Vợ cố NSND Bùi Cường phát biểu với phóng viên Zing.vn rằng: “Con chó trong phim là một yếu tố rất khó. Bản thân diễn viên có người đóng hay, có người đóng dở. Để tìm ra một chú chó giúp thể hiện cái hồn của toàn bộ tác phẩm không phải là điều dễ. Tôi đã xem thử các chú chó diễn và hoàn toàn hiểu quyết định của con mình”.
“Tôi biết thời gian qua có dư luận trái chiều, khiến con tôi cũng mất thăng bằng lắm. Nhưng tôi chỉ nhắn nhủ con và đoàn phim rằng hãy cứ thực hiện dự án với tình cảm chân thành dành cho chồng tôi, cứ làm nghiêm túc, cứ làm chỉn chu. Nếu đã cố gắng hết sức, thì không việc gì phải hối hận”, bà nói thêm.
Củng cố cho quan điểm ấy có nam diễn viên Viết Liên - người vào vai lão Hạc. Thời gian qua, ông đã tập luyện với một vài chú chó, làm thân với các bạn diễn bốn chân để chúng quen với khẩu lệnh của mình trước khi bộ phim chính thức ghi hình.
Ông bộc bạch: “Tôi nghĩ chó Tây hay chó ta không quan trọng bằng việc tìm thấy ‘nghệ sĩ’ chó thực hiện đúng được hành vi, yêu cầu của tác phẩm”.
Nhiều chú chó đã có mặt trên trường quay của Cậu Vàng. |
Nhà làm phim Phi Tiến Sơn tham gia Cậu Vàng trên tư cách đạo diễn hình ảnh (DOP). Ông khẳng định rằng cậu Vàng sẽ do “một vài chú chó” thể hiện. Yếu tố kỹ xảo sẽ xuất hiện, nhưng được hạn chế ở mức tối thiểu. Ông đồng thời mong muốn dàn diễn viên con người phải nỗ lực hết sức, bởi diễn cùng động vật có khi đòi hỏi nhiều hơn gấp hai, ba lần so với bình thường.
Tuy nhiên, việc chọn chú chó nào làm trung tâm không được đoàn phim đề cập tại sự kiện họp báo. Và công chúng sẽ buộc phải chờ đợi thêm để biết rằng liệu “chó Tây hay chó ta” được cầm vai Cậu Vàng.
Mục tiêu nhân văn và hiện đại
Trong lúc cuộc tranh cãi về vai cậu Vàng còn chưa kết thúc, ê-kíp đã âm thầm chọn lựa xong dàn diễn viên con người cho bộ phim. Đó là sự kết hợp giữa các thế hệ diễn viên già - trẻ, và đến từ hai miền Bắc - Nam.
Có nội dung dựa trên nguyên tác của nhà văn Nam Cao, Cậu Vàng chắc chắn không thể thiếu những cái tên như lão Hạc, Bá Kiến, Giáo Thứ (Trần Lê Nam đóng), Bình Tư (Phương Nam đóng). Hay ngay cả cậu con trai Cò của lão Hạc dù chỉ được nhắc gián tiếp trong truyện nay cũng có cơ hội xuất hiện trên màn bạc với diễn xuất của Doãn Hoàng.
Hầu hết nhóm diễn viên trẻ của cậu Vàng sẽ vào những vai không có, hoặc ít được đề cập tới ở nguyên tác văn học. |
Việc phóng tác nguyên tác văn học chính là nước đi giúp cố NSND Bùi Cường và đội ngũ chỉnh sửa kịch bản sau này có thể thêm thắt chi tiết, giới thiệu những nhân vật hoàn toàn mới. Điển hình nhất chính là Will khi anh nay vào vai Lý Cường, tức con trai của Bá Kiến.
Cựu thành viên nhóm 365 giải thích: “Công chúng có thể ngạc nhiên khi thấy một dự án như Cậu Vàng có sự tham gia của nhiều gương mặt trẻ. Nhưng việc tạo ra các nhân vật mới là điều cần thiết. Bộ phim cần khắc họa một bức tranh đầy đủ về xã hội Việt Nam trước năm 1945. Nếu chỉ dừng lại ở lão Hạc, Bá Kiến hay cậu Vàng thôi thì sẽ gây ra thiếu sót”.
Trong nhóm diễn viên trẻ của bộ phim còn có Thanh Bình - người từng có dịp cộng tác với NSND Bùi Cường từ nhiều năm trước trong Luật giang hồ. Anh vào vai nhân vật Lê Văn - người tình của bà ba nhà Bá Kiến - và mô tả ấy có thể giúp khán giả phần nào mường tượng về một tuyến truyện thêm thắt trong Cậu Vàng.
Còn bà ba nhà Bá Kiến trong phim do Băng Di đảm nhận. Nữ ca sĩ, diễn viên sinh năm 1990 phải trải qua vòng casting trước khi được Trần Vũ Thủy lựa chọn. “Tôi hy vọng có thể cho mọi người thấy sự tiến bộ trong diễn xuất của bản thân, và quyết định của ê-kíp đúng đắn ra sao, qua bộ phim này”, cô nói.
Bản thân các gương mặt trẻ của Cậu Vàng là những điều mới mẻ. Nhưng lớp diễn viên nhiều kinh nghiệm của bộ phim cũng cần phải đem đến sự tươi mới cho vai diễn của mình, và nghệ sĩ Viết Liên hoàn toàn ý thức được điều đó.
Vai lão Hạc của cố nhà văn Kim Lân từng gieo ấn tượng cho nhiều thế hệ khán giả, và đây là thách thức không nhỏ cho người đi sau như Viết Liên. Nhưng ông cho rằng: “Tôi đọc kịch bản Cậu Vàng và thấy rằng bộ phim đem đến một hình ảnh lão Hạc rất khác. Nhân vật nay đa chiều hơn trong tính cách và các mối quan hệ. Vấn đề là phải làm sao diễn cho ra được điều đó”.
Diễn viên Viết Liên (bìa trái) là người vào vai lão Hạc. Ông đã phải nuôi râu và tập luyện với nhiều chú chó trong thời gian qua. |
Trên quan điểm cá nhân, Viết Liên còn cho rằng kịch bản Cậu Vàng mang đậm tính nhân văn kiểu hiện đại. Lấy bối cảnh trước Cách mạng tháng Tám, khi Bắc Bộ còn ở thời kỳ nửa thuộc địa, nửa phong kiến, nhưng bộ phim mang tới những nhân vật mang đậm tính phản kháng.
“Lão Hạc hay nhiều người khác trong phim có bi kịch, nhưng họ không buông xuôi. Họ quyết tâm phản kháng để thay đổi số phận trong thời điểm gian khổ”, ông tiết lộ.
Hay sự nhân văn cũng sẽ đến từ câu chuyện của cậu Vàng trong phim. DOP Phi Tiến Sơn chia sẻ ông cảm thấy thích thú khi kịch bản Cậu Vàng mang đậm màu sắc hiện đại khi còn lồng ghép thông điệp về mối quan hệ giữa con người và thú cưng, và mong rằng lớp trẻ - những người có quan niệm cấp tiến về động vật - sẽ ủng hộ dự án.