Hoạt động thẩm mỹ chui đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể né tránh cơ quan quản lý nhà nước như khách sạn, nhà trọ. Ảnh: Shutterstock. |
Cuối tháng 6, Sở Y tế TP.HCM đã ghi nhận một trường hợp tử vong liên quan dịch vụ thẩm mỹ trái phép. Bệnh nhân là một phụ nữ, 27 tuổi, trú tại Cà Mau. Sau khi tiêm dung dịch nâng ngực, người bệnh rơi vào tình trạng tím tái, sùi bọt mép, mạch, huyết áp bằng không và tử vong.
Theo thông tin ban đầu, nạn nhân thực hiện thẩm mỹ nâng ngực tại một khách sạn trên địa bàn quận 10.
Vào giữa tháng 6, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thông tin về một phụ nữ 50 tuổi, được chuyển đến cấp cứu do tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ. Khi tiếp nhận, bệnh nhân hôn mê, tay chân lạnh, bóp bóng qua nội khí quản, mạch 101 lần/phút, huyết áp không đo được. Dẫn lưu ổ bụng từ tuyến trước ra khoảng 300 ml máu loãng.
Trước khi cấp cứu, bệnh nhân được hút mỡ mắt, cắt mí mắt, hút mỡ lưng, hút mỡ bụng, ngực có đường vẽ nhưng chưa can thiệp. Tai biến xảy ra ở khâu hút mỡ bụng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hoạt động thẩm mỹ chui đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể né tránh cơ quan quản lý nhà nước như khách sạn, nhà trọ… Tại đây, chúng ta ghi nhận những tai biến, thậm chí tử vong cho người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng được nhiều người đặt ra là những người thực hiện, gây ra các ca tai biến về phẫu thuật thẩm mỹ có trình độ chuyên môn ra sao?
Cạnh tranh thiếu công bằng
TS.BS Lê Tôn Dũng, Chủ tịch Hội thẩm mỹ nội khoa Việt Nam, cho biết hiện nay có hiện tượng các bác sĩ trong ngành thẩm mỹ phải cạnh tranh với những người "tay ngang", không có chuyên môn vẫn tự tin phẫu thuật cho khách hàng.
Nguyên nhân khiến nhiều người "lao" vào ngành thẩm mỹ vì có thu nhập tốt, khách hàng cơ bản đều có điều kiện kinh tế. Ngoài ra, không ít cơ sở quảng cáo phóng đại, sai sự thật, bất chấp rủi ro, nguy cơ của khách hàng. Vì vậy, các đơn vị chính thống, được cấp phép và có bác sĩ làm việc đang phải cạnh tranh không công bằng với cơ sở thẩm mỹ chui.
Ông cũng cho hay những năm gần đây, thẩm mỹ nội khoa phát triển rất nhanh. Năm 2000-2010, con số phẫu thuật nội khoa trên thế giới tăng gấp 10 lần, trong khi đó phẫu thuật thẩm mỹ chỉ tăng 2 lần. Từ 2010 đến nay, hình thức thẩm mỹ này còn tăng nhiều hơn nữa.
Sự phát triển nhanh chóng này đã tạo thách thức cho những người quản lý, người đào tạo thẩm mỹ nội khoa vì nhiều người thấy dễ thực hiện, có thể tự mua thiết bị để làm cho khách hàng.
Nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
"Điển hình nhất là tự mua filler về tiêm hay mua máy laser về bắn. Họ chỉ cần nghe hướng dẫn sơ qua từ nhãn hàng vài giờ đã có thể tự bắn và kiếm được tiền. Vì vậy, thẩm mỹ nội khoa rất khó kiểm soát. Tai họa cũng thường đến từ những người không có chuyên môn này", TS Dũng nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, để hạn chế biến chứng khi thẩm mỹ, tay nghề của bác sĩ phải là số một. Thứ hai, những bác sĩ này cũng cần biết lựa chọn những sản phẩm tốt để sử dụng cho bệnh nhân. Những yếu tố này sẽ nâng cao chất lượng kết quả thẩm mỹ. Bên cạnh đó, kiến thức của người dân cũng là yếu tố then chốt.
"Trong giai đoạn này, truyền thông, báo chí nói rất nhiều đến người tiêu dùng nhưng thực tế họ chưa hiểu rõ về những công nghệ đang có trên thị trường. Đây là một kênh tốt để có thể giáo dục người tiêu dùng đến những cơ sở có chứng chỉ, giấy phép hành nghề, bác sĩ có chuyên môn. Từ đó, những biến chứng trong tương lai sẽ ngày càng giảm hơn", TS Lê Tôn Dũng nói.
Điều cần nhớ trước khi quyết định làm đẹp
Tiến sĩ, bác sĩ Tống Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện bỏng Quốc gia, Hà Nội, cho rằng việc cải thiện các khuyết điểm bằng phẫu thuật thẩm mỹ chính là nhu cầu chính đáng để mỗi người có thể tự tin hơn.
Tuy nhiên, làm đẹp như thế nào lại là điều cần được khuyến cáo bởi các chuyên gia có kinh nghiệm, uy tín, không thể phó thác cho các "tay ngang".
Người dân cần xác định rõ mục tiêu của bản thân. Sau đó, bạn đến gặp chuyên gia tư vấn là những bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc da liễu thẩm mỹ tại các cơ sở y tế uy tín. Hãy hỏi chuyên gia của bạn tất cả vấn đề còn thắc mắc, đặc biệt về nguy cơ biến chứng.
"Sau khi đã được giải đáp, nếu quyết tâm thực hiện, bạn nên chuẩn bị thời gian, sức khoẻ và kinh tế. Điểm quan trọng là người dân cần chọn cơ sở được cấp phép, bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên sâu về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ để thực hiện", Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện bỏng Quốc gia, nhấn mạnh.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý lựa chọn đơn vị có hệ thống chăm sóc tận tình. "Không phải cứ làm xong là đẹp, khách hàng cần có quá trình theo dõi chăm sóc chuẩn y khoa. Cơ sở làm đẹp có thể theo dõi xa những vấn đề nguy cơ gây tác động của quá trình can thiệp vào cơ thể", bác sĩ Hải nói.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.